Hướng đến nền sản xuất xanh, bền vững

08/11/2014 10:13 GMT+7

Sản xuất xanh, bền vững là xu thế tất yếu trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Đây cũng là chủ đề chính của hội nghị do Bộ KH-ĐT và Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức ngày 7.11 trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL - MDEC 2014 tại Sóc Trăng.

Quang cảnh hội nghị - Ảnh Đình Tuyển

Xu thế toàn cầu

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới đã thể hiện những nỗ lực nhằm giải quyết các vấn đề tăng trưởng kinh tế, vừa bảo vệ môi trường, giảm phát thải nhà kính, tiết kiệm tài nguyên và thích ứng với BĐKH. Trong xu thế đó, việc thực hiện tăng trưởng xanh không còn là xu hướng, mà trở thành một lựa chọn tất yếu của VN. Đặc biệt, ở vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm ĐBSCL, việc phát triển theo xu thế này càng mang ý nghĩa quan trọng. “Chúng ta không thể chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá, mà phải quyết định làm đúng ngay từ đầu để các thế hệ sau này không phải sửa sai và tốn kém chi phí điều chỉnh. Và hội nghị này nhằm mục đích trao đổi và góp ý sâu hơn đối với các vấn đề về tăng trưởng xanh, hướng tới một nền sản xuất xanh bền vững gắn với việc phát huy các nguồn lực của đất nước nói chung, các tỉnh, thành vùng Tây Nam bộ nói riêng”, ông Hiếu nói.

Tại hội nghị, các nhà khoa học đã đề cập đến nhiều vấn đề then chốt để hướng tới nền sản xuất xanh như: từ tiêu dùng xanh đến sản xuất xanh - khuynh hướng tại VN, một số vấn đề đặt ra đối với phát triển bền vững và tăng trưởng xanh trong chiến lược kinh tế xã hội giai đoạn 2015-2020, xu hướng phát triển kinh tế xanh trên thế giới và một số gợi ý cho VN, liên kết phát triển thương hiệu lúa - gạo ít khí thải nhà kính qua tham gia “4 nhà” góp phần tăng trưởng… 

PGS-TS Nguyễn Thế Chinh, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN-MT), cho rằng để thực sự trở thành nền kinh tế xanh thì tiêu dùng xanh có vai trò hết sức quan trọng, vì đầu vào chủ yếu của khu vực sản xuất được lấy từ môi trường tự nhiên là các vật chất dưới dạng nguyên, nhiên liệu thô của thiên nhiên như nhiên liệu, khoáng sản, gỗ. Do vậy, để hướng đến tiêu dùng xanh và định hướng sản xuất xanh cho nền kinh tế cần đầu tư đổi mới công nghệ, tái sử dụng và tái chế chất thải tạo ra sản phẩm xanh thân thiện môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp. “Mục tiêu phát triển bền vững và tăng trưởng xanh là làm sao sử dụng các nguồn tài nguyên, nhất là các nguồn tài nguyên không thể tái tạo một cách tiết kiệm và hiệu quả nhất”, ông Chinh nói.

Còn nhiều thách thức

Hiện Bộ KH-ĐT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, đồng thời công bố kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh gồm 12 nhóm, với 66 hoạt động cụ thể theo 4 chủ đề chính là: xây dựng thể chế quốc gia và kế hoạch tăng trưởng xanh tại địa phương; giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thực hiện xanh hóa sản xuất; thực hiện xanh hóa lối sống, tiêu dùng bền vững.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Văn Hiếu cũng nhìn nhận: “Việc thực hiện tăng trưởng xanh, hướng tới một nền sản xuất xanh bền vững còn phải đối mặt với một số khó khăn không dễ vượt qua. Yêu cầu lớn về vốn cho cả giai đoạn từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo trong khi chúng ta thiếu các chính sách huy động nguồn lực tài chính; năng lực và kinh nghiệm quản lý của các chủ thể liên quan còn hạn chế; khó khăn trong việc huy động nhà đầu tư trong và ngoài nước cho các dự án đảm bảo tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, thị trường năng lượng nước ta vận hành chưa hiệu quả, nên chưa tạo động lực thay đổi công nghệ của một số ngành có tiêu thụ năng lượng lớn. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm, tồn tại các mâu thuẫn giữa mục tiêu tăng trưởng với mục tiêu bảo vệ môi trường...”.

Ông Hiếu cũng đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ ghi nhận vấn đề đưa ra tại hội nghị vào một trong các nội dung của Tuyên bố chung MDEC Sóc Trăng 2014; đồng thời Bộ KH-ĐT sẽ tổng hợp các đánh giá và đề xuất để triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ địa phương trong việc thực hiện kế hoạch tăng trưởng xanh.

 Đình Tuyển - T.T. Phong

>> Hướng đến nền kinh tế xanh
>> ĐBSCL hướng đến nền kinh tế xanh
>> Khuyến khích thanh niên khởi nghiệp với nền kinh tế xanh  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.