Đi học làm “đẹp” cho tre
Nghề đóng giường tre truyền thống ở ấp Trà Tro A và Trà Tro B đã tồn tại từ rất lâu. Hồi xưa, nghề này từng giúp người dân trong ấp ăn nên làm ra. Nay do kinh tế phát triển, nhu cầu sử dụng giường tre ngày một ít đi, dẫn đến cung vượt cầu. Cứ thế, ngày qua ngày, nghề đóng giường tre truyền thống dần bị quên lãng, từ đó lụi tàn theo năm tháng.
Thuở nhỏ, cậu bé Cảnh đã được cha truyền cho nghề đóng giường tre để phụ giúp gia đình. Với óc thông minh, cộng thêm bản tính lanh lợi, siêng năng, Cảnh mau chóng nắm bắt được nghề. Qua sự dìu dắt của cha, tay nghề của Cảnh ngày một cứng cáp, thành thục. Theo thời gian, cậu bé Cảnh hôm nào đã trở thành một thanh niên có tay nghề đóng giường tre nổi tiếng cả xã Hàm Giang.
|
Trước thực trạng các nghề thủ công truyền thống đang bị mai một hiện nay, anh Cảnh bộc bạch: “Tôi luôn trăn trở làm sao vực dậy được làng nghề. Tuy nhiên, ở thời buổi cơm áo gạo tiền này, mình không thể bám vào mô hình đóng giường tre theo kiểu của cha ông để kiếm ba cọc ba đồng mãi được. Tôi nghĩ mình cần đổi mới tư duy, tìm hướng đi riêng để nhắm vào nhu cầu, sở thích của người tiêu dùng”.
Năm 2011, anh được Trung tâm Khuyến công tỉnh Trà Vinh tạo điều kiện lên Tây Ninh học nghề thủ công mỹ nghệ. Sẵn có kiến thức nền về nghề đóng giường tre, anh nhanh chóng tiếp thu, đúc kết được những kỹ thuật cần thiết. Kết thúc khóa học, Trung tâm Khuyến công hỗ trợ anh 18 triệu đồng để mua máy móc, thiết bị. Nhờ đó, anh nhanh chóng bắt tay vào làm những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đầu tiên từ tre gai.
Thương hiệu độc quyền
“Thời gian đầu mới ra nghề, do chưa có kinh nghiệm nên sản phẩm của mình cứ bị mắc lỗi kỹ thuật. Khách hàng điện thoại cằn nhằn, yêu cầu chỉnh sửa liên tục. Nhiều lúc bí quá phải đặt hàng ở tận Thủ Đức để bán”, anh Cảnh chia sẻ. Sau nhiều lần bị khách “mắng vốn”, trả hàng tới lui, anh Cảnh đã rút ra cho mình những bài học vô cùng quý giá.
|
Anh Cảnh cho biết: “Hiện lợi thế của mình là có được nguồn tre gai nguyên liệu tự nhiên hết sức dồi dào. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên chất lượng của sản phẩm thủ công mỹ nghệ”. Theo kinh nghiệm của anh, tre gai sau khi đốn phải phơi từ 5 - 10 nắng cho dốt. Do sử dụng tre làm vật liệu chính là nên quá trình xử lý mối, mọt phải hết sức kỹ lưỡng. Được biết, để làm ra một sản phẩm salon từ tre gai, công đoạn cắt xéo là vô cùng quan trọng. Khó nhất là khâu chắp nối. Nếu không đồng đều, ăn khớp với nhau sẽ làm ảnh hưởng đến mẫu mã. Vì thế, người thợ cần có tay nghề cao, tính tỉ mỉ cộng với óc thẩm mỹ.
Năm 2012, salon tre và bộ ghế tầm vông, hai mặt hàng chủ lực của anh Cảnh đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu mã độc quyền. Tiếng lành đồn xa, hiện sản phẩm của anh đang được chủ nhiều khu du lịch sinh thái, resort, nhà hàng, các quán ăn, giải khát… ở khắp nơi tìm đến đặt hàng. Ngoài việc từng bước khôi phục làng nghề truyền thống, cơ sở của anh Cảnh còn giải quyết việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương.
Ông Trần Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Trà Vinh, cho biết anh Cảnh rất chí thú làm ăn, luôn đặt chữ tín lên hàng đầu. Những sản phẩm do anh làm ra đều đảm bảo chất lượng và yếu tố thẩm mỹ. Hiện Sở Công thương đang làm đầu mối giới thiệu, tạo điều kiện để sản phẩm của anh Cảnh không chỉ được tiêu thụ ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. “Hiện chúng tôi đang trình UBND tỉnh đề xuất công nhận làng nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ cho anh Cảnh”, ông Tuấn cho biết thêm.
Nguyễn Đức
Bình luận (0)