Hướng đi nào cho ngành công nghiệp sữa Việt Nam?

16/10/2010 23:45 GMT+7

Những vấn đề liên tục xảy ra đối với các sản phẩm sữa gây không ít lo lắng cho người tiêu dùng và thiệt hại không nhỏ cho các nhà sản xuất và kinh doanh sữa. Nhưng đây cũng là cơ hội để ngành sữa Việt Nam (bao gồm cả chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ sản phẩm) nhìn lại mình.

Ngành công nghiệp sữa không thể tiếp tục lối làm ăn như hiện nay. Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đăng Vang (Phó chủ nhiệm UB Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội) về vấn đề này.

* Ông có thể cho biết tình hình chung về thị trường sữa Việt Nam hiện nay?

- Các sản phẩm sữa hiện nay được khoảng trên 10 nhà máy lớn sản xuất và có kiểm soát, chất lượng sữa tốt hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, vẫn có hàng trăm cơ sở sản xuất chế biến gia công nhỏ, có thể lưu thông sữa kém chất lượng mà chúng ta không hoàn toàn kiểm soát được. Sữa trên thị trường hiện có sữa tươi và sữa bột. Chất lượng sữa tươi tốt hơn sữa bột. Nhưng chúng ta mới chỉ tự sản xuất được 22% nên phải nhập khẩu 78% (cả 2 loại). Ước chừng trên thị trường bán 10 hộp sữa thì có 7 hộp  được chế biến từ sữa bột, 3 hộp chế biến từ sữa tươi.

* Nhiều người nghĩ rằng sữa bột có nhiều chất dinh dưỡng hơn sữa tươi. Nhưng ông lại cho rằng sữa tươi tốt hơn sữa bột. Ông có thể giải thích kỹ hơn về vấn đề này?

- Nhiều người nghĩ vậy vì họ chưa tìm hiểu kỹ. Ở một số nước chế biến được nhiều sữa tươi nhưng họ không thể vận chuyển sữa nước từ nước ngoài vào nước ta ở dạng còn tươi được, nên phải chế biến thành sữa bột và quá trình chế biến đó chất lượng giảm xuống rất nhiều. Khi nhập về, ta lại phải hoàn nguyên sữa bột đó trở lại thành sữa nước mới. Quá trình hoàn nguyên này phải bổ sung nhiều chất dinh dưỡng như: vitamin, khoáng... tạo thành sản phẩm gọi là: sữa công thức.

Trên thế giới, ở những nước có khí hậu mát mẻ, phù hợp với chăn nuôi bò sữa thì người ta hoàn toàn sử dụng sữa tươi (sữa tươi thanh trùng). Ở nước ta cũng có nhiều vùng chăn nuôi bò sữa thuận lợi, cụ thể như Mộc Châu. Ở đó, sữa sau khi vắt ra, chế biến ở nhiệt độ 72 độ C thì gần như còn nguyên giá trị dinh dưỡng, rất tốt.

Nhưng theo tính toán của các chuyên gia thì điều kiện thiên nhiên của chúng ta chỉ đáp ứng được 40%. Một trong những mục tiêu của chúng ta là nâng dần lượng sữa tươi sản xuất tại Việt Nam từ 22% lên 40%. Lúc đó mới phần nào bảo đảm chất dinh dưỡng và tăng cường sức khỏe cho người dân.

* Vậy vấn đề của chúng ta là gì? Phải chăng là mối liên kết giữa “người chăn nuôi, người sản xuất và người tiêu dùng” hiện nay chưa tốt?

- Đáng tiếc là giá sữa hiện không kích thích chăn nuôi. Trung bình giá mua trên toàn quốc là 7 nghìn đồng/lít. Người chăn nuôi bị lỗ nên tỷ lệ tăng trưởng đàn bò gần như bằng 0. Mấy năm trước tăng 26,7%. Mấy năm nay, chỉ tăng 4,9% (là rất thấp vì đàn bò 7 năm loại thải 1 lần thì phải tăng 15% mới đủ bù). Tại sao lỗ mà vẫn nuôi? Vì họ đã trót đầu tư 200 - 300 triệu đồng cho một đàn bò 10 con rồi. Bây giờ nếu bán thành bò thịt thì mỗi con 20 triệu bán được 7 - 8 triệu, lỗ 12 -  13 triệu.

Thứ hai, nghề chính của họ vẫn là lao động chăn nuôi, lấy công làm lãi, không có ngành nghề gì khác nên đành phải theo. Nhưng sức chịu đựng của họ chỉ ở mức độ nào đó. Đến lúc không sống nổi nữa thì họ sẽ phải từ bỏ việc chăn nuôi. Lượng bò sữa và sữa tươi sẽ không còn. Người tiêu dùng đòi hỏi sữa tươi mà không có thì lúc đó sự thiệt hại thuộc về các nhà máy. Vì thế, chúng tôi cho rằng, sự phối hợp giữa người nông dân, nhà máy chế biến sữa và người tiêu dùng sẽ tạo ra sự bền vững, phải tính đến sự phân chia lợi ích giữa 3 “nhà” đó.

Ví dụ như Mộc Châu là nơi có lợi thế nuôi bò sữa ở Việt Nam nên mỗi con bò ở đây cho khoảng 5,3 tấn sữa/năm, năng suất cao do lợi thế về đất đai, khí hậu tốt nên trồng được cỏ tốt. Giá thành  xuống thấp, nên doanh nghiệp trả cho người nông dân 8.600 đồng/lít (trong khi các nơi khác khoảng 7.000 đồng/lít). Sau khi chế biến có lợi nhuận, doanh nghiệp lại tiếp tục quay lại đầu tư cho nông dân nên ở đây phát triển được với tỷ lệ tăng trưởng cao. Loại mô hình này thích hợp với một số nơi, nếu được áp dụng, người nông dân ký hợp đồng với doanh nghiệp và được doanh nghiệp chia sẻ lợi ích, thì lúc đó ngành sữa của chúng ta sẽ phát triển tốt hơn.

* Xin cảm ơn ông!

Thu Thanh
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.