Hương Giang - 'Bài thánh ca cho Anh' với tình yêu và sự vị tha

06/02/2021 16:00 GMT+7

Tác giả thơ trẻ Hương Giang từ nước Nga về Việt Nam ra mắt sách Bài Thánh ca cho Anh (NXB Hội Nhà văn, quý 4/2020) trong ngày đầu năm 2021, khi cả miền Bắc chìm trong rét ngọt.

Đây là lần đầu tiên tôi gặp mặt Hương Giang, dù đọc thơ chị và giao lưu qua messenger đã khá nhiều. Tôi hiểu hơn, Hương Giang (Nguyễn Thị Hương Giang), từng trải qua tuổi thơ không may mắn. Hương Giang bị “mất tiếng” một thời gian. Cô giáo làng vì yêu mến, dành cho Hương Giang tất cả tấm lòng nhân ái và độ lượng, nhận làm con nuôi, tập cho chị buổi đầu phát âm. Hương Giang lại mồ côi bố, sớm phải xa mẹ. Hiện chị là nữ sinh Học viện Puskin (Nga). Hôm ra mắt Bài thánh ca cho Anh, cả mẹ ruột và mẹ nuôi mắt ngân ngấn. Họ xúc động, khi thấy con gái mình vượt lên số phận bằng cách không giống ai và đang hứa hẹn.

Nhà thơ trẻ 9x Hương Giang vừa về Việt Nam ra mắt tập thơ Bài thánh ca cho Anh

ẢNH: NVCC

Hẳn nhiên nỗi nhớ quê hương, người thân nói chung, mẹ nói riêng thường trực trong trái tim, hiện diện ăm ắp trong thơ chị. Trong tập thơ Bài thánh ca cho Anh, thơ về bố và mẹ như: Người đàn bà góa phụ, tặng mẹ; Ngày giỗ cha, Lời mẹ nhắn được đặt ở vị trí trang trọng.
Người chồng trong gia đình, nhất ở ở nông thôn được coi như “nóc nhà”; bao nhiêu việc đồng áng, nặng nhọc người vợ dựa vào chồng. Ban đêm chồng đi vắng, giấc ngủ của vợ con đã không tròn giấc... Khoảng trống của người vợ mất chồng không thể lấp đầy. Không chỉ đời sống người vợ mà tương lai của các con. Tất cả gánh nặng cuộc đời dồn lên vai người vợ, khi chồng không may qua đời. “Bàn tay năm ngón/ bế bồng gian truân”, đó là ban ngày. “Trên gối hạnh phúc/ khoảng trống hiện hữu” (Người đàn bà góa phụ), đó là ban đêm, với những giọt nước mắt đêm sũng gối. Hương Giang đã “rất Hương Giang”, khi có những so sánh, liên tưởng bằng ngôn ngữ thơ điển hình.
Người đàn bà ôm sâu đứa con vào ngực
đêm nay
tiếng khóc không là tiếng khóc cuối cùng
nỗi đau không phải là nỗi đau cuối cùng
vết thương hai mươi năm không là vết thương cuối cùng
nhưng lại một lần
trên thịt da còn vết bầm
tim vĩnh viễn
không còn phân vân
Mẹ Hương Giang dành tất cả tình thương yêu cho những đứa con. Nuôi con khôn lớn lúc này, không chỉ là thiên chức của người mẹ mà còn là trách nhiệm trước vong linh người chồng đã quá cố. Con gái chưa phải đến lúc “ra ràng” đã xa mẹ đến gần nửa vòng trái đất, trên xứ người, lạ lẫm tất cả... Không lo lắng mới lạ. Nhất là những dịp Tết cổ truyền, có nghĩa đoàn viên, gặp mặt như sắp tới thì chỉ “ngồi cửa trông ra”. “Mẹ dặn con tết năm nay đừng buồn/ Mùa xuân sẽ về trên những nhánh đau thương” (Lời mẹ nhắn). Mình buồn nhưng nhắc con đừng buồn, mong con nghị lực và trưởng thành. Đó là trái tim quê nhà.
Mẹ khuyên con mùa xuân là cơ hội để quên đi những tổn thương
Những chuyện xưa tự nhiên nằm im trên bài thơ cũ
Mẹ muốn con hồi sinh những nhịp đập tha thiết từ lâu trú ngụ
Và niêm yết quá khứ
Như cánh chim bồ câu bất tử
Khát vọng bất ngờ...
(Lời mẹ nhắn)
Hương Giang được trở về Việt Nam trong ngày giỗ Đại tường thân phụ. Ngày giỗ cha là bài thơ chị viết trong hoàn cảnh đó, đọc lên rưng rức: “… Ngày giỗ cha/ Bãi tha ma in dấu chân mòn/ Người viếng thăm cúi đầu lặng lẽ/ Con gái đi xa không về được bên mẹ/ Rực rỡ giữa những con phố/ Con khóc như trẻ thơ”. Những bài thơ viết về bố, mẹ là nốt trầm ở tập thơ Bài thánh ca cho Anh, gồm 69 cung bậc cảm xúc khác nhau.
Khi viết Lời giới thiệu Bài Thánh ca cho Anh của Hương Giang, nhà LLPB văn học Nguyễn Thanh Tâm khiêm tốn, tự nhận “chỉ như một sự khơi mở để bước vào thế giới thi ca của Hương Giang”. Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật - trước “thế giới thơ” của Hương Giang cũng chỉ nhận đặt ra “Những kiến giải ban đầu về một hiện tượng thơ”- tiêu đề của Lời bạt. Tâm thế của hai nhà thơ và LLPB nói lên sự trân trọng. Đọc Hương Giang, tôi thấy họ có lý để “chừng mực”. “Thế giới thơ” của Hương Giang, gồm nhiều vỉa, tầng; tư duy, mỹ cảm, thi pháp Hương Giang không theo “quy luật thông thường”. “Thế giới thơ” ấy của Hương Giang vừa nhân bản, nơi có “đường chỉ tay âm ấm hơi người”, vừa có một thế giới ẩn dụ của nghệ thuật thi ca, rung cảm của một tác giả trẻ, khác lạ.
Sức sáng tạo của lớp trẻ thật kỳ diệu! Sự tưởng tượng không bờ bến, những ẩn dụ sương mờ, những liên tưởng như ngàn con sóng cứ dập dềnh ám ảnh. Nhiều bài thơ là bức tranh lập thể, một sự tập hợp ngổn ngang các hình tượng, biểu tượng luôn thay đổi và nhảy cóc …”, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật đọc thơ Hương Giang, giới thiệu thơ Hương Giang với tất cả sự trân quý. Trong một bài thơ, Hương Giang viết: "Như là mong đợi ngày ghép tạng các autograft cho trái đất/ Một nửa trái tim phương Đông & một nửa trái tim phương Tây" (Đi tìm trái tim Đông Tây)
Tại Hội nghị Văn học nghệ thuật Bắc miền Trung 20 năm, những vấn đề lý luận và thực tiễn diễn ra trong năm 2020, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật đọc tham luận: “Thế giới hoảng loạn vì đang bị mổ xẻ, rút ruột. Hết nạn dịch này đến nạn dịch khác. Hết cuộc chiến tranh này đến cuộc chiến tranh khác. Trái đất mang trong mình nỗi đau thương vong bệnh tật; đã tới lúc báo động để đi vào cuộc phẫu thuật, khâu nối, cứu rỗi chính mình”. Ông nói điều này, khi gợi mở một tầng khác trong thơ Hương Giang.
những âm dương bày ra trước mắt
thực ra để thắp lửa
ngọn lửa theo dấu môi trào lên miệng núi
dòng dung nham của mùa thu.
“Âm dương” trong thơ Hương Giang là cảnh báo sự biệt ly, sự phá vỡ cân bằng trong chính con người và cuộc sống đương đại, trong những âm mưu và toan tính. Vì thế, biết bao lắng lo trở thành “ngọn lửa theo dấu môi trào lên miệng núi”. Và từ “miệng núi” trào lên “dòng dung nham của mùa thu”. Hương Giang, dẫu còn trẻ nhưng trái tim biết “đau” trước những vấn đề thời sự, thế sự. Hẳn nhiên, trong thơ Hương Giang rung chấn đã khác, tạo ra những mỹ cảm sinh thái trong thơ chị. Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật không ngần ngại đánh giá: “Hương Giang xem tình yêu là sự vị tha của thế giới”.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng có một bình luận rằng “Con người đang ngày càng rời xa cái đẹp”. Đáng sợ! Để níu kéo lại cái đẹp, phải bằng tình yêu thương giữa con người, tình yêu thiên nhiên, môi trường nơi mình đang sống và tình yêu với trái đất - một hành tinh quá đỗi mong manh. Tôi cảm nhận được, “phương thuốc” cứu rỗi trong thơ Hương Giang.
Với tập thơ đầu tay Bài thánh ca cho Anh, Hương Giang đã “niêm yết tư tưởng” (chữ của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật) trên “sàn” thi ca. Hương Giang là một “ban mai” của thơ ca, ít nhất trong sự kiến giải của người yêu thơ đích thực.
Hương Giang còn quá trẻ, nhưng đa diện về cách nhìn và nhận thức. “Trước đây, tôi nghĩ thơ chính là lời tự thú của tôi - kẻ bất lực trước những gì đang diễn ra ở phía ngoài mình và trong mình”, Hương Giang làm thơ trước hết cho mình, bày tỏ những điều đó. Cho đến một ngày “... thơ như một mối tình thiêng liêng ngự trị trong ngực ấm trăm năm, gây cho trái tim niềm tin vĩnh cửu về lòng nhân ái vong niên của cuộc đời”, Hương Giang ra mắt Bài thánh ca cho Anh thay cho lời tri ân. Tiền bán sách, Hương Giang dành trọn cho quỹ nhân ái do chị khởi xướng Thanh Tâm - tên ghép của bố và mẹ mình. Quỹ được lập ra nhằm đồng hành với những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hương Giang gặp những điều không may mắn, nên có trái tim thấu cảm, dễ rung chấn, nên chị muốn có những việc làm để sẻ chia.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.