Những HS này nếu được hướng nghiệp sớm sẽ tránh lãng phí tiền bạc và thời gian, công sức cho gia đình, nhà trường và nói chung cho cả xã hội.
Hướng nghiệp cho HS lớp 9 mới 14-15 tuổi có ý nghĩa quan trọng. Các em còn phụ thuộc rất nhiều vào cha mẹ, nhất là định hướng tương lai. Vì vậy, ngay cả khi đã chọn nghề mà bố mẹ không đồng ý (cả về vật chất lẫn động viên tinh thần) thì các em khó có thể theo học. Tâm lý chung của các bậc phụ huynh khi được tư vấn hướng nghiệp đều muốn con học tiếp đến hết THPT rồi thi vào các trường ĐH, CĐ. Họ có tâm lý học được đến đâu hay đến đó mà không quan tâm lắm đến năng lực học tập của con mình. Thậm chí tìm bằng mọi cách cho con được vào học ở THPT nếu thi trượt. Nhiều em khi vào THPT rồi không theo nổi phải bỏ học, nhiều em cố học song không thể tốt nghiệp... Do đó, thay đổi được nhận thức của phụ huynh là yêu cầu tất yếu, đầu tiên của công tác hướng nghiệp cho HS cấp THCS.
Giáo viên làm công tác hướng nghiệp trong nhà trường cũng phải tránh được cho HS tâm lý: học dốt mới phải đi học nghề. Giáo viên không biết rằng có những em học văn hóa không giỏi nhưng là một thợ sửa xe máy lành nghề ở cửa hàng của gia đình; hoặc cùng với việc học, em giúp mẹ chăn nuôi hàng trăm con heo, tham gia các tiết mục văn nghệ của hội thi nghệ thuật quần chúng rất chuyên nghiệp và tài hoa… Vì vậy, giáo viên cần cho HS hiểu mỗi em đều có một năng lực riêng và các em đang được giúp để chọn con đường ngắn nhất, có lợi nhất với năng lực bản thân các em để vào đời chứ không phải thắt chặt luồng này để bắt HS phải chọn luồng kia.
Trên thực tế, đội ngũ giáo viên dạy hướng nghiệp ở THCS không được đào tạo chuyên ngành. Công tác hướng nghiệp là việc kiêm nhiệm, họ cũng không thể am hiểu hết các ngành nghề để tư vấn cho HS nên sức thuyết phục không cao. Vì vậy nhà trường cần phải kết hợp với doanh nghiệp, các trường nghề để nhờ tư vấn, giới thiệu công việc cũng như lợi ích của người học một cách chuyên nghiệp. Người thật, việc thật với những minh chứng thuyết phục chắc chắn sẽ tạo được sức hút đặc biệt.
Nhu cầu lao động có tay nghề đang là một đòi hỏi thực tế. Vì vậy cần phải có những thông tin về nhu cầu lao động một cách cụ thể, thông báo rộng rãi và có kế hoạch đầu tư cho các trường nghề để định hướng và giúp đào tạo một lực lượng lao động đáp ứng đúng nhu cầu, tạo lòng tin cho HS và phụ huynh.
Đinh Thúy Hằng
Bình luận (0)