Hướng nghiệp phải từ trường đại học

02/01/2019 08:08 GMT+7

Trong khi ở VN hiện nay nhiều ý kiến cho rằng phải hướng nghiệp cho học sinh từ trước khi vào cấp THPT, thì cũng có quan điểm khác cho rằng hoạt động hướng nghiệp phù hợp hơn ở mức độ trường đại học.

Thay đổi tư duy niên chế

Trong thời gian làm quản lý cũng như tìm hiểu về các trường đại học (ĐH), tôi nhận thấy các trường ĐH vẫn đang bị vướng mắc bởi một tư duy cũ từ thời học theo niên chế. Đó là học sinh đăng ký vào học theo ngành “cứng” và rất khó có chuyện chuyển ngành nếu không phù hợp.
Quy trình tuyển sinh của đa số các trường sẽ là: học sinh làm hồ sơ chọn ngành học, sau đó chọn tổ hợp môn, dùng điểm thi để xét tuyển vào các ngành này. Khi trúng tuyển vào học ngành nào đó rồi, sinh viên gần như không thể chuyển sang học ngành khác được. Một số ít trường hợp được giải quyết linh động với điều kiện ngành sinh viên muốn chuyển phải có điểm chuẩn đầu vào thấp hơn ngành đang học hoặc điểm trung bình phải từ khá trở lên.
Điều ấy dẫn đến hạn chế gì? Khi sinh viên vào học, hiểu biết thêm về ngành học, cảm thấy không phù hợp, họ khó thể chuyển sang ngành học khác phù hợp hơn với mình. Lúc bấy giờ chỉ có thể chọn một trong 3 cách: một là xin học thêm một ngành học nữa với điều kiện điểm trung bình năm học phải khá trở lên; hai là bỏ học luôn để thi lại từ đầu; ba là tiếp tục học lấy bằng ngành đang học rồi sau đó bỏ và học lại ngành mình muốn.
Việc cứng nhắc như vậy là tư duy của niên chế, không phải của học chế tín chỉ. Học chế tín chỉ là tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên học những gì họ muốn học với tốc độ của cá nhân và khả năng học. Họ phải có quyền chuyển ngành học tự do, nơi họ cảm thấy phù hợp nhất với bản thân mình.

Lựa chọn ngành học từ năm thứ hai

Ở Mỹ cũng như các nước phương Tây, điều này đã được thực hiện nhiều năm qua, từ khi áp dụng học chế tín chỉ. Việc lựa chọn ngành học thông thường bắt đầu từ năm thứ 2 chứ không phải ngay sau khi kết thúc bậc học phổ thông. Đến năm thứ 3, thứ 4, sinh viên vẫn có quyền chuyển ngành học nhưng phải chấp nhận một số tín chỉ sẽ không được tính vào yêu cầu môn học của ngành mới.

Cho phép sinh viên chọn ngành từ năm thứ 2 và tự do lựa chọn ngành học trong trường sẽ giảm thiểu được nguy cơ bỏ học

Thậm chí, các trường công cũng phải thực hiện việc chuyển trường cho sinh viên nếu họ có nhu cầu. Dĩ nhiên, sinh viên từ một trường ít tên tuổi, xếp hạng thấp như ĐH cộng đồng chuyển sang trường tốt hơn thì một số môn học sẽ không được xét tương đương và điểm trung bình đòi hỏi cao hơn nếu từ trường cùng tầm. Nhưng về cơ bản, điều này được đưa vào luật và các trường công buộc phải chấp hành.
Báo chí trong nước những năm qua liên tục nêu thông tin mỗi năm có hàng trăm sinh viên các trường bỏ học, trong đó có không ít trường hợp vì chọn sai ngành học. Sinh viên bỏ học vì không thể chuyển sang ngành học khác như mình mong muốn. Hoặc họ chấp nhận học xong bỏ bằng để học ngành khác. Đây là sự lãng phí lớn đối với nguồn lực của đất nước.
Chưa có giải pháp nào khả dĩ đưa ra. Vì vậy cho phép sinh viên chọn ngành từ năm thứ 2 và tự do lựa chọn ngành học trong trường sẽ giảm thiểu được nguy cơ này.

Tìm hiểu ngành nghề từ trải nghiệm thực tế

Một học sinh 15 - 16 tuổi sẽ chưa có nhiều trải nghiệm cuộc sống, không có nhiều hiểu biết về ngành nghề nên khó có thể biết học gì trong trường ĐH. Cho dù có nhiều thông tin, họ cũng chưa hoàn toàn biết được ngành nghề nào phù hợp nhất với mình vì họ chưa biết mình thật sự muốn gì, tính cách cũng như khả năng và sở thích.
Học sinh tốt nghiệp THPT, vào trường ĐH cũng cần một thời gian để làm quen môi trường mới, rất khác so với trước. Họ cũng cần thời gian để tìm hiểu các ngành học khác nhau từ ưu điểm, khuyết điểm, nội dung đào tạo, cũng như môi trường công việc sau khi ra trường từ việc học lớp cơ bản của ngành, trao đổi với bạn bè và thầy cô, cũng như với các đơn vị tư vấn ngành nghề của trường. Chỉ sau thời gian ấy, sinh viên mới có nhận thức rõ ràng để lựa chọn ngành học tốt nhất cho mình.
Vì vậy, việc hướng nghiệp quan trọng nhất là tạo cơ hội cho sinh viên tìm hiểu ngành nghề và được tư vấn hướng nghiệp ở mức độ ĐH chứ không phải chỉ tập trung ở phổ thông. Đó là tạo cơ chế để sinh viên năm nhất có thể lấy các lớp cơ bản ở một vài ngành khác nhau. Đồng thời các trường ĐH cần cung cấp thông tin, có đội ngũ tư vấn để sinh viên lựa chọn ngành học trong trường.
Thay đổi ngay cả khi... đi làm
Ngay cả khi đi làm, thay đổi công việc, lĩnh vực nghề nghiệp cũng rất bình thường. Ở VN, điều này ít xảy ra hơn so với ở Mỹ. Rất nhiều người thay đổi nhiều công việc khác nhau mới lựa chọn được công việc thích hợp nhất. Vậy tại sao chúng ta lại yêu cầu một học sinh phổ thông phải đưa ra sự lựa chọn khi sự trải nghiệm cũng như hiểu biết bản thân và nghề nghiệp gần như là con số 0 tròn trĩnh?
Còn việc lựa chọn giữa học tiếp lên cao hay đi học nghề là ở bản thân mỗi học sinh. Khi học sinh cảm thấy khả năng của mình không đáp ứng yêu cầu của ngành hay việc học đối với mình là gánh nặng, thì tự họ sẽ chuyển sang học nghề. Việc hướng nghiệp ở trường ĐH lúc này là khuyến khích họ mạnh dạn lựa chọn đi học nghề chứ không bỏ học hoàn toàn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.