|
Một năm trước, mục tiêu của Nguyễn Thị Hồng (học sinh lớp 9 Trường THCS Chu Văn An, TP.Hội An, Quảng Nam) là thi đỗ vào THPT. Với Hồng, còn quá sớm để tìm hiểu, lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Thế nhưng, mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi trường của Hồng tham gia thí điểm đưa bộ tài liệu hướng nghiệp mới vào giảng dạy.
Chỉ với 9 tiết học và các phiếu bài tập trắc nghiệm, Hồng dần dần nhận ra khả năng của mình. Hồng bộc bạch: “Đáng buồn là em lại thi trượt THPT. Trong cái rủi lại có cái may, chính những bài tập trước đó đã giúp em nhận ra mình có khả năng về giao tiếp nên đăng ký vào chuyên ngành quản lý khách sạn Trường trung cấp Nghề Bắc Quảng Nam. Dù trong lòng cũng có chút tiếc nuối khi bạn bè học công lập và dân lập nhưng bây giờ em mới thấy mình đã lựa chọn đúng, sở thích thì nhiều, nhưng khả năng chỉ có hạn. Gia đình cũng không có điều kiện, mình không nên mơ mộng xa vời”.
Thầy Nguyễn Hoàng Phước Tuyên, giáo viên Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật du dịch Quảng Nam, tham gia giảng dạy chương trình hướng nghiệp, cho hay bộ tài liệu (bao gồm sách bài tập học sinh và sách hướng dẫn giáo viên, bộ sách tra cứu thông tin nghề nghiệp và bộ đồ dùng dạy học) giúp học sinh hiểu rõ hơn về lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Không giống như các môn học khác, tiết học về hướng nghiệp rất sôi động và thú vị. Các em được tự do nói về sở thích, ước mơ, sau đó tự làm bài tập đánh giá ưu, nhược điểm của mình. “Từ đó, chúng tôi thu được bộ hồ sơ năng lực hướng nghiệp của từng học sinh có đầy đủ thông tin giúp các em đưa ra phương án chọn nghề tương đối chính xác”, thầy Tuyên nói.
Mặc dù bộ tài liệu này được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và các chuyên gia giáo dục VN xây dựng và triển khai thí điểm từ đầu năm 2014 với 12.700 học sinh tại 3 tỉnh Phú Thọ, Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam, nhưng theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, những kết quả ban đầu thu được từ khi áp dụng tài liệu này có ý nghĩa rất lớn. Các tài liệu dành cho học sinh, giáo viên và các phương tiện dạy học đi kèm bước đầu đã tạo ra được những thay đổi quan trọng trong nhận thức và suy nghĩ của cả học sinh, giáo viên và phụ huynh.
Ông Hiển cho biết: “Tới đây, bộ tài liệu sẽ được đưa lên mạng để giáo viên, phụ huynh, học sinh đều có thể tìm hiểu. Thông qua hệ thống hướng dẫn trên mạng, Bộ GD-ĐT còn tổ chức hướng dẫn trực tiếp cho giáo viên sử dụng bộ tài liệu này để hướng nghiệp cho học sinh”.
Theo các chuyên gia ILO, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi thanh niên khá cao, nhưng đây không phải là một chỉ số tốt để đánh giá tình hình thực tế của thị trường lao động của một nước đang phát triển như VN. Điều quan trọng hơn với VN trong giai đoạn này là cần quan tâm đến chất lượng việc làm, đặc biệt là chất lượng việc làm cho thanh niên, làm thế nào để giúp thanh niên tiếp cận với việc làm tốt. Bộ tài liệu hướng nghiệp mới được xây dựng trong chương trình Việc làm cho thanh niên nông thôn của ILO, được thực hiện từ năm 2012 đến 2014 nhằm góp phần giải quyết vấn đề thất nghiệp và thiếu việc làm trong thanh niên tại VN.
Ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc Văn phòng ILO tại VN, chia sẻ: “Nâng cao chất lượng việc làm, đặc biệt là việc làm thanh niên; đồng thời tăng cường cơ hội để thế hệ “tương lai của đất nước” tiếp cận việc làm tốt là vấn đề thiết yếu giúp quốc gia phát triển toàn diện. Hướng nghiệp là công cụ hiệu quả giúp gắn kết mối quan hệ giữa học sinh, cha mẹ, nhà trường và doanh nghiệp, trên cơ sở đó thanh niên có thể tự đưa ra những lựa chọn phù hợp cho tương lai của chính mình”.
Thu Hằng
>> Sẽ tổ chức nhiều hoạt động hướng nghiệp cho thanh niên
>> Giao lưu trực tuyến về hướng nghiệp cho thanh niên
>> Sôi động ngày hội hướng nghiệp, dạy nghề
>> Hướng nghiệp hiệu quả cho phụ huynh và học sinh
Bình luận (0)