Hương thơm và vàng ròng từ thương cảng Óc Eo

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
01/09/2024 17:56 GMT+7

Những nghiên cứu khảo cổ học đang giúp hoàn thiện hơn hiểu biết về nền văn hóa Óc Eo. Từ đó, các nhà khoa học sẽ tiến hành làm hồ sơ di sản UNESCO liên quan văn hóa này.

MÓN CÀ RI THƠM MÙI NHỤC ĐẬU KHẤU

Đáp lại email của nhà báo Phie Jacobs từ tờ Science, GS Hsiao-chun Hung (Đại học Quốc gia Úc) viết: "Thực vật ở Óc Eo rất đặc biệt, Óc Eo là một nơi kỳ diệu để phân tích khảo cổ học thực vật. Lần đầu tìm thấy những hạt giống trong đất bùn tại đây, chúng trông tươi rói, đến mức người ta khó tin rằng những hạt đó đã gần 2.000 năm tuổi". Nhà nghiên cứu này là một thành viên trong nhóm nghiên cứu do TS Nguyễn Khánh Trung Kiên, Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, làm trưởng nhóm. Cùng với 2 nghiên cứu sinh của Đại học Quốc gia Úc là Weiwei Wang và Chunguang Zhao, họ đã làm việc từ năm 2018 - 2023 để công bố nghiên cứu về thực vật ở Óc Eo, và con đường gia vị nối Việt Nam với thế giới trên tạp chí khoa học Science Advances vào năm 2023.

Hương thơm và vàng ròng từ thương cảng Óc Eo- Ảnh 1.

Bảo vật quốc gia chiếc nhẫn vàng có hình bò Nadin

ẢNH: TƯ LIỆU CỤC DI SẢN VĂN HÓA

GS Hsiao-chun Hung cũng cho biết về một dụng cụ bằng đá mài được tìm thấy khi khai quật. Theo đó, TS Nguyễn Khánh Trung Kiên đã suy đoán đó là chiếc bàn bằng đá để nghiền các loại hạt. Ông không giấu nổi tán thưởng khi những suy đoán của TS Kiên đã đúng, sau khi các phân tử hạt, nhiều loại phân tử hạt được tìm thấy. Điều này khiến nghiên cứu Óc Eo của nhóm nghiên cứu này trở nên hấp dẫn thêm.

"Hơn nữa, chúng tôi đã phát hiện ra rất nhiều loại gia vị đã du hành từ các địa điểm khác nhau đến Óc Eo cách đây gần 2.000 năm", GS Hsiao-chun Hung viết trong email. "Thật đáng kinh ngạc khi chứng kiến những hạt nhục đậu khấu mà chúng tôi khai quật tỏa ra mùi thơm sau hai năm được lưu trữ ở Bắc Kinh trong khi chờ phân tích trong thời kỳ Covid-19. Bắc Kinh có khí hậu khô, trong khi miền Nam Việt Nam ẩm ướt. Sự khác biệt rõ rệt về điều kiện môi trường này giải thích tại sao hạt giống có thể giữ được đặc tính thơm của chúng".

Hương thơm và vàng ròng từ thương cảng Óc Eo- Ảnh 2.

Lá vàng có hình người và hoa sen, văn hóa Óc Eo

ẢNH: BÙI MINH TRÍ

TS Nguyễn Khánh Trung Kiên cho biết những loại hạt gia vị khác nhau tìm thấy ở Óc Eo đã cho thấy món cà ri Ấn Độ đã lan tỏa sang Đông Nam Á. Phát hiện này cũng đồng thời xác nhận việc trao đổi buôn bán gia vị giữa hải đảo Đông Nam Á đến thương cảng Óc Eo thời kỳ vương quốc Phù Nam. "Ngày nay, việc chế biến món cà ri ở Việt Nam đã trở nên đơn giản hơn rất nhiều đối với hầu hết các gia đình, do bột cà ri được bán rộng rãi trong các siêu thị. Tuy nhiên, điều thú vị cần lưu ý là công thức cà ri được sử dụng ngày nay không khác biệt đáng kể so với thời kỳ Óc Eo cổ đại. Gia vị cà ri vẫn bao gồm sự kết hợp của các thành phần tự nhiên, với các thành phần chính như nghệ, đinh hương, quế và nước cốt dừa được giữ nguyên theo thời gian. Sự liên tục này làm nổi bật bản chất lâu dài của hương vị cà ri trong ẩm thực Việt Nam", TS Nguyễn Khánh Trung Kiên nói.

Hương thơm và vàng ròng từ thương cảng Óc Eo- Ảnh 3.

Bảo vật quốc gia bộ sưu tập vàng lá Bình Tả

ẢNH: TƯ LIỆU CỤC DI SẢN VĂN HÓA

TS Nguyễn Khánh Trung Kiên cho biết sau khi phân tích các hạt tinh bột của gia vị, chúng ta biết được có một số loài rất phổ biến ở bản địa. Nhưng chúng ta cũng thấy có một số loại gia vị lại chỉ có ở một số vùng khác nhau trên thế giới; ví dụ một số đảo phía đông Indonesia như Maluku, nơi vẫn được gọi là "quần đảo gia vị". "Tại quần đảo này có nhiều loại gia vị rất quý, thậm chí đến thế kỷ 19, người Anh và Hà Lan vẫn còn phải đến đó để mua bán, chứ không phải chúng phổ biến khắp nơi trên thế giới. Và giờ đây, những nhà khảo cổ lại tìm thấy nó ở trong bề mặt những bàn nghiền với các loại như nhục đậu khấu, đinh hương. Một gia vị khác cũng cho thấy đã được nhập về từ Sri Lanka là quế", TS Kiên cho biết.

CON ĐƯỜNG GIA VỊ VÀ RẤT NHIỀU VÀNG…

Kết quả nghiên cứu món cà ri của TS Nguyễn Khánh Trung Kiên đã cho thấy có một con đường gia vị chảy qua Óc Eo, vương quốc Phù Nam. Con đường này, theo TS Kiên là con đường thương mại thời cổ đi từ Ấn Độ băng qua eo Kra nơi miền Nam Thái Lan rồi sang thương cảng Óc Eo. Điều này, theo TS Kiên, rất thuận lợi cho việc làm hồ sơ UNESCO để ghi danh văn hóa Óc Eo. "Nếu chứng minh được có một tuyến đường mua bán gia vị cách vài nghìn cây số như thế thì tiêu chí hồ sơ di sản sẽ được củng cố thêm về yếu tố quan hệ văn hóa liên vùng. Đó là một yếu tố rất độc đáo. Dĩ nhiên, trước đây các nhà nghiên cứu cũng đã từng nói về chuyện các thương gia phương xa tới Óc Eo để mua bán gia vị, hoặc lịch sử chép là người La Mã thích gia vị nhập từ Nam Á, nhưng chưa xác thực bằng tư liệu khảo cổ. Giờ đây, với nghiên cứu này, chúng ta đã có bằng chứng thực tế", TS Kiên cho biết.

Hương thơm và vàng ròng từ thương cảng Óc Eo- Ảnh 4.

Mảnh vỡ của đồ trang sức, văn hóa Óc Eo

ẢNH: BÙI MINH TRÍ

Hương thơm và vàng ròng từ thương cảng Óc Eo- Ảnh 5.

Hạt chuỗi vàng của văn hóa Óc Eo

ẢNH: BÙI MINH TRÍ

Nhưng Óc Eo không chỉ có câu chuyện gia vị. Hành trình nghiên cứu di sản này cho thấy một nền văn hóa với rất nhiều hiện vật để lại bằng vàng - điều hiếm thấy ở các nền văn hóa khác trên đất nước Việt Nam. Những hiện vật này đều mau chóng được ghi danh trong danh sách các bảo vật quốc gia, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngay trong đợt ghi danh bảo vật quốc gia đầu tiên hồi năm 2011, đã có một bộ sưu tập hiện vật vàng của văn hóa Óc Eo được tặng danh hiệu này. Đó là một sưu tập gồm những lá vàng có minh văn hoặc hình vẽ, được tìm thấy khi khai quật khảo cổ học ở Bình Tả (Gò Xoài, H.Đức Hòa, Long An), rồi chuyển về lưu giữ tại Bảo tàng Long An. Trong bộ sưu tập này, hiện vật được đánh giá cao nhất là lá vàng có minh văn, còn được giới khảo cổ học gọi là "bản minh văn vàng Bình Tả". Theo bản dịch của cố GS Hà Văn Tấn, chữ trên minh văn là: "Các pháp đều do nhân duyên sinh ra, đấng Như Lai đã thuyết về nguyên nhân cũng như sự tiêu diệt chúng, chính Người, đức Đại Sa Môn đã nói như vậy". Cũng trên minh văn này có các thần chú Mật tông và những đoạn kinh Phật.

Hương thơm và vàng ròng từ thương cảng Óc Eo- Ảnh 6.

Cảnh trong nhạc kịch Công nữ Anio, vở diễn lấy cảm hứng từ chuyện có thật giữa công nữ Ngọc Hoa và chàng thương gia Araki Sotaro đến từ Nagasaki (Nhật Bản). Cả hai gặp nhau ở thương cảng Hội An, được chúa Nguyễn ban hôn, rồi công nữ theo chồng về Nhật. Lễ rước kiệu đón công nữ Anio vẫn tiếp tục được tái hiện trong phân cảnh Châu Ấn thuyền được tổ chức 7 năm một lần tại lễ hội Nagasaki Kunchi ở Nagasaki

ẢNH: BTC

Xung quanh bảo vật quốc gia này còn có một tranh cãi nhỏ. Đó là việc trên lá vàng có in hình hoa sen hay hoa sứ. Điều này đã thu hút ông Trịnh Vương Hồng, khi đó là Giám đốc Bảo tàng Long An, cũng là người tham gia làm hồ sơ bảo vật quốc gia cho các lá vàng Bình Tả này. Ông cho biết từng có nhiều nhà nghiên cứu gọi hình trên một lá vàng Bình Tả là "bông sứ tám cánh", trong khi trên thực tế bông sứ chỉ có 5 cánh, còn trên các lá vàng khác đều vẽ sen 12 cánh. Tuy nhiên, sau đó ông Hồng đã tìm được cách lý giải: "Bông sen trắng thường có 8 cánh ứng với Bát chính đạo. Nó là đặc trưng của phái Mật tông và là đóa sen của các vị Phật. Còn hai bông sen có mười hai cánh lại biểu trưng cho giáo lý Thập nhị nhân duyên".

Hương thơm và vàng ròng từ thương cảng Óc Eo- Ảnh 7.

Cảnh trong nhạc kịch Công nữ Anio, tái hiện những hải trình buôn bán qua thương cảng Hội An

ẢNH: BTC

Hiện vật vàng của văn hóa Óc Eo trong đợt công nhận bảo vật quốc gia mới nhất là một chiếc nhẫn có hình bò Nadin. Chiếc nhẫn này mới tìm thấy trong đợt khai quật Óc Eo - Ba Thê (TT.Óc Eo, H.Thoại Sơn, An Giang) vào năm 2020, ngay sau đó đã được "thần tốc" làm hồ sơ bảo vật, rồi được công nhận vào năm 2022. PGS-TS Bùi Chí Hoàng, thành viên Hội đồng Di sản quốc gia, cho biết trước đây cũng từng phát hiện khoảng 8 chiếc nhẫn có hình bò thần, tuy nhiên chúng không thể so sánh với chiếc nhẫn bảo vật này về độ tinh xảo. Cùng với lượng đồ thủy tinh lớn, các trang sức như chiếc nhẫn này cho thấy cư dân ở Óc Eo - Ba Thê là một cộng đồng đạt đỉnh cao của các nghề thủ công mỹ nghệ như tạc tượng, đồ trang sức, thổi thủy tinh…

Thêm vào đó, PGS-TS Hoàng cho biết, chiếc nhẫn cho thấy cùng lúc cả giao lưu thương mại lẫn giao lưu văn hóa và tôn giáo của cả vùng đất Nam bộ Việt Nam và các vùng xa hơn như Trung Cận Đông, Ấn Độ… "Đó là những quan hệ giao thương cực mạnh của cộng đồng cư dân vùng Óc Eo, vùng Nam bộ. Ngoài những sản phẩm xuất đi từ Óc Eo, còn có từ vùng khác đến. Điều đó chứng tỏ thương cảng Óc Eo đã rực rỡ thế nào", PGS-TS Hoàng nói.

Thương cảng Hội An và cuộc tranh cãi về chiếc bình thiên nga

Cũng trong đợt đầu công nhận bảo vật quốc gia hồi năm 2011, có một hiện vật gây tranh cãi trong giới nghiên cứu gốm sứ. Đó là chiếc bình gốm có hình chim thiên nga, hiện là hiện vật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Trong hồ sơ bảo vật của hiện vật này, có nêu chiếc bình là bình gốm Chu Đậu. TS Nguyễn Đình Chiến, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia khi đó, cho biết đây là chiếc bình độc bản tìm thấy khi khai quật tàu cổ Cù Lao Chàm, gắn với thương cảng Hội An. Thời điểm khai quật con tàu đắm đó, thỏa thuận với chuyên gia nước ngoài quy định mọi hiện vật quý, độc bản sẽ thuộc về Việt Nam. Chiếc bình cũng được đánh giá là thuần Việt với cách thể hiện "từ chối" những tích cổ Trung Hoa.

Mặc dù vậy, PGS-TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, lại cho rằng đây là chiếc bình được làm ra tại các lò quan ở Hoàng thành Thăng Long. Ở lò quan, các loại gốm tinh xảo được sản xuất cho giới quý tộc, vua chúa Thăng Long và xuất khẩu ra nhiều nước. Là người khai quật và cũng tham gia viết hồ sơ UNESCO cho Hoàng thành, ông Trí cho biết khai quật ở Hoàng thành Thăng Long tìm thấy rất nhiều mảnh gốm có hoa văn tương tự. Chúng có các vân mây uyển chuyển mà vẫn có quy chuẩn, đi kèm với chất lượng gốm tuyệt hảo.

Việc chiếc bình gốm xuất hiện trên tàu cổ Cù Lao Chàm cũng cho thấy gốm Việt, đặc biệt là gốm hoa lam, đã chiếm lĩnh được thị trường và có khả năng cạnh tranh với gốm sứ Trung Hoa. Theo PGS-TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, trên bản đồ gốm sứ thương mại thế giới, chúng ta có thể thấy gốm Việt Nam có mặt ở một số quốc gia Đông Á và Đông Nam Á, thế giới Hồi giáo và đến tận phương Tây. Bên cạnh chiếc bình gốm thiên nga, còn có những hiện vật khác cho thấy cung đường trên biển của các tàu buôn. Có con tàu xuất khẩu phục vụ Công ty Đông Ấn (Hà Lan) với gốm mang hình vẽ theo mẫu hoa in nổi trên vải của Hà Lan, thế kỷ 17; có con tàu lại có nhiều hiện vật Thái Lan cho thấy gốm Việt xuất khẩu sang đây.

Hương thơm và vàng ròng từ thương cảng Óc Eo- Ảnh 8.

Bảo vật quốc gia chiếc bình gốm có hình thiên nga

ẢNH: TƯ LIỆU CỤC DI SẢN VĂN HÓA

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.