"Tôi tin tưởng rằng tất cả cán bộ y tế toàn ngành cùng nêu cao tinh thần đoàn kết, càng khó khăn càng phải thống nhất, đoàn kết, nêu cao y đức, tinh thần quyết tâm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ toàn ngành", Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ khi toàn ngành đang triển khai những công việc trọng tâm trong năm 2023 và thời gian tới.
CẦN SỚM ĐIỀU CHỈNH NHIỀU CHÍNH SÁCH
Chia sẻ về mức thu nhập của nhân viên y tế (NVYT), giám đốc một bệnh viện (BV) đầu ngành thuộc Bộ Y tế cho rằng môi trường làm việc của NVYT phải tiếp xúc với mầm bệnh; hoặc có thể là công việc nặng nhọc và các bác sĩ (BS) điều trị, các phẫu thuật viên chịu áp lực lớn, đặc biệt với các ca bệnh khó. Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ dành cho họ còn chưa phù hợp.
"Đơn cử như phụ cấp mổ hiện khoảng 300.000 đồng/kíp mổ với ít nhất là 2 người (không bao gồm kíp gây mê), như vậy mỗi người chỉ khoảng 150.000 đồng. Nếu so với "nghề" mổ gà thì thật khó hình dung nổi. Ngày tết, tiền công mổ gà cũng phải 100.000 đồng/con, trong khoảng 10 phút. Hoặc với những kíp trực, phụ cấp cho thầy thuốc hiện cũng rất thấp", vị giám đốc này nói.
Mới đây, tại hội nghị giám đốc các BV khu vực phía bắc, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng chia sẻ về những thách thức ngành y tế đang gặp phải hiện nay. Đó là thực hiện tự chủ BV tại một số đơn vị, cơ chế tài chính, giá dịch dịch vụ y tế, chế độ đãi ngộ cho NVYT, năng lực quản trị BV, đầu tư máy móc trang thiết bị để phát triển kỹ thuật cao, chuyên sâu...
"Chế độ tiền trực, phụ cấp cho NVYT hiện nay còn chưa phù hợp với cơ chế thị trường. Chế độ tiền trực của NVYT rất thấp, được xây dựng từ nhiều năm trước, đến nay đã không còn phù hợp", Bộ trưởng Đào Hồng Lan trăn trở.
Theo Bộ Y tế, làn sóng chuyển dịch nhân lực ngành y tế của VN, bên cạnh những đặc điểm tương đồng với thế giới, cũng có những đặc điểm đặc biệt hơn; bởi VN có tỷ lệ NVYT trên quy mô dân số thấp hơn so với tỷ lệ trung bình của thế giới, hiện có khoảng 10 BS và 13 điều dưỡng/1.000 dân. NVYT nghỉ việc khu vực công sang khu vực tư ở nhiều cấp, nhiều tuyến. Thực tế đó cho thấy sự thiếu hụt nhân lực y tế công, gồm cả nhân lực giỏi, giàu kinh nghiệm.
Tháo gỡ khó khăn về thuốc, trang thiết bị cho ngành y tế
Nhân dịp Ngày thầy thuốc Việt Nam 27.2, sáng 26.2, quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đến thăm y bác sĩ tại BV Y học cổ truyền và phục hồi chức năng Bình Thuận (thành lập từ năm 1978). Cùng đi có Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An; Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy...
Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân khẳng định ngành y tế hiện đã và đang đóng góp rất lớn vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó có đóng góp của BV Y học cổ truyền và phục hồi chức năng Bình Thuận.
Tuy nhiên, quyền Chủ tịch nước cho rằng ngành y tế còn đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Các khó khăn đó đến từ bên ngoài nhưng cũng có những khó khăn từ nội tại. Hệ lụy của dịch bệnh Covid-19 để lại cho toàn xã hội là rất lớn. Quyền Chủ tịch nước khẳng định Đảng, Nhà nước và Chính phủ đang kịp thời có những chính sách điều chỉnh phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn về tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ KCB.
Quế Hà - Nhật Thịnh
"Dù làm việc tại BV công hay tư, các thầy thuốc cũng trị bệnh cứu người. Nhưng với bệnh nhân (BN) bảo hiểm y tế (BHYT), người thu nhập thấp nếu điều trị tại y tế tư nhân thì vẫn là quá khả năng chi trả, đặc biệt với các ca bệnh khó, bệnh nặng, bệnh chi phí lớn, điều trị dài ngày", PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai, đánh giá.
Trước thực tế trên, Bộ trưởng Đào Hồng Lan xác định một trong những công việc trọng tâm của ngành, đó là nghiên cứu đề xuất ban hành chính sách, chế độ đãi ngộ, tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nghiên cứu khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế. Tiếp tục rà soát, thực hiện giá dịch vụ y tế và giá vắc xin theo lộ trình tính đúng, tính đủ; nghiên cứu hoàn thiện phương thức chi trả dịch vụ y tế...
Người đứng đầu ngành y tế cũng nhìn nhận hiện phân bổ y tế chưa hợp lý giữa các vùng, các tuyến, chất lượng nguồn nhân lực còn yếu ở tuyến y tế cơ sở. Tình trạng nghỉ việc của NVYT, nhất là nhân lực có kinh nghiệm tại các cơ sở y tế công lập tăng.
Trong khi đó, hệ thống văn bản pháp luật đang được hoàn thiện từng bước nhưng còn nhiều vướng mắc, chưa đầy đủ, đặc biệt là mua sắm, đấu thầu, xã hội hóa, tự chủ, quản trị BV công. Giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh, chưa tính đủ chi phí thực tế là khó khăn cho một số BV công lập trong cân đối thu chi, ảnh hưởng đời sống NVYT.
Cùng với đó, năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế. Cơ chế, chính sách khuyến khích y tế tư nhân chưa đủ mạnh cũng là vấn đề tồn tại cần tiếp tục được giải quyết trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng xác định ngành y tế cần tiếp tục phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo nhân lực y tế, xây dựng các chuẩn năng lực nghề nghiệp, chuẩn chương trình đào tạo lĩnh vực sức khỏe. Nghiên cứu hoàn thiện gói dịch vụ y tế cơ bản, xây dựng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (KCB) theo yêu cầu.
Đặc biệt, nghiên cứu đề xuất các chế độ, chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế, trình Chính phủ điều chỉnh chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40 - 70% lên 100% theo Kết luận số 25-KL/TW ngày 30.12.2021 của Bộ Chính trị. Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch Covid-19.
ĐẢM BẢO KHÔNG CHÊNH LỆCH CHẤT LƯỢNG
Lãnh đạo Bộ Y tế cho hay về nguyên tắc, Bộ Y tế xác định việc nâng cao chất lượng KCB là nhiệm vụ chung của cả hệ thống; đặc biệt trong khi chúng ta thực hiện mục tiêu bao phủ sức khỏe toàn dân, trước hết qua bao phủ BHYT toàn dân (hiện đạt 92% dân số tham gia BHYT).
Trong thời gian tới, để tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng KCB nói chung và BHYT nói riêng, Bộ Y tế tập trung các nhiệm vụ ưu tiên. Đó là tiếp tục nâng cao chất lượng KCB trên quan điểm lấy người bệnh là trung tâm, mọi hoạt động trong BV phải hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế), cho biết thêm tại các đơn vị điều trị đang và sẽ tích cực triển khai về cải tiến chất lượng KCB như: cải tiến quy trình khám bệnh, xét nghiệm, thăm dò chức năng; cải tiến thủ tục vào viện, chuyển viện, ra viện, thanh toán viện phí BHYT; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm kê đơn thuốc điện tử, phần mềm tương tác thuốc; nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, xử lý kịp thời thông tin phản hồi của người dân.
Đáng lưu ý, lãnh đạo Bộ Y tế cũng chia sẻ trong BV công, việc so sánh về cung cấp dịch vụ cũng khó tránh khỏi giữa khu vực KCB thông thường và khu vực dịch vụ theo yêu cầu. Vì vậy, theo quan điểm của Bộ Y tế, nhất thiết phải đảm bảo chất lượng KCB không chênh lệch nhau; chỉ có phần khác về điều kiện hậu cần, như: phòng bệnh và một số tiện ích khác, giữa KCB BHYT và dịch vụ theo yêu cầu.
HÌNH THÀNH NỀN Y TẾ THÔNG MINH
Theo Bộ Y tế, với định hướng tới năm 2030 công nghệ số được ứng dụng trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành y tế, hình thành nền y tế thông minh với 3 nội dung chính: phòng bệnh thông minh, KCB thông minh và quản trị y tế thông minh. Bộ Y tế cùng các bộ, ngành đang tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo thuận lợi cho các đơn vị trong ngành y tế triển khai chuyển đổi số.
Trong năm 2023 nói riêng và cả giai đoạn 2023 - 2025, Bộ Y tế sẽ thúc đẩy triển khai: hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy; hệ thống lưu trữ và chẩn đoán hình ảnh y khoa tiến tới không sử dụng phim nhựa; đăng ký và tư vấn, KCB từ xa; thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. 100% các cơ sở KCB hạng 1 trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở. Tất cả dữ liệu sức khỏe người dân sẽ được kết nối và chia sẻ với các kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe.
Thông tin về triển khai bệnh án điện tử, lãnh đạo Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho hay hiện đã có các quy định về giá trị pháp lý của bệnh án điện tử, các nguyên tắc thực hiện bệnh án điện tử, việc quản lý hồ sơ bệnh án điện tử tại các cơ sở KCB; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân khi triển khai. Theo lộ trình thực hiện bệnh án điện tử, các BV hạng đặc biệt và hạng 1, chậm nhất đến 31.12.2023 phải hoàn thành triển khai bệnh án điện tử. Các BV còn lại trên toàn quốc đến 2028 phải hoàn thành.
NGHỀ Y BAO GIỜ CŨNG LÀ MƠ ƯỚC CỦA TÔI
Các thầy thuốc chúng tôi hết sức cố gắng trong những năm vừa qua để áp dụng các phương pháp mới trong điều trị. Bên cạnh đó, ở mỗi vị trí công tác, chúng tôi cũng tự mình cố gắng trau dồi kinh nghiệm trong nước, học hỏi; cử cán bộ ra nước ngoài học, tiếp nhận các kỹ thuật mới nhất để trở về áp dụng lại cho BN.
Trong bối cảnh mà chúng ta đang rất thiếu NVYT ở nhiều nơi trên cả nước, thì mỗi BS, điều dưỡng, mỗi NVYT vẫn luôn làm việc không mệt mỏi để có thể điều trị tốt nhất cho BN trong điều kiện có thể.
Cá nhân tôi, đã làm BS rất lâu, tôi thích làm nghề y. Nghề y bao giờ cũng là mơ ước của tôi, và tôi hy vọng là trong thời gian tới tôi vẫn tiếp tục làm nghề mà mình lựa chọn, yêu thích.
Với ngành của mình, những khó khăn sẽ chỉ là thời điểm. Tôi tin rằng mọi thứ sẽ tốt hơn trong thời gian tới. Và tôi hiểu rằng, đó là niềm tin của đa số BS hiện nay.
PGS-TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư
GIỮ CHÂN NHÂN VIÊN Y TẾ, GỠ VƯỚNG MẮC MUA SẮM
Sau đại dịch Covid-19, dưới tác động của nhiều nguyên nhân, số NVYT nghỉ việc, đặc biệt ở BV công có tăng so với những năm trước dịch. Vậy làm như thế nào để NVYT an tâm công tác, cống hiến, đặc biệt là nhóm điều dưỡng, NVYT cơ sở. Thủ tướng vừa có chính sách tăng thu nhập cho hệ thốngy tế dự phòng, đó là sự động viên rất lớn.
Với BS ở các BV, để giữ chân họ thì ngoài lương trong khả năng của mình, trách nhiệm các đơn vị là tạo điều kiện và môi trường làm việc tốt. Chủ tịch UBND TP.HCM cũng từng nói các BV tự chủ không có nghĩa là ngân sách sẽ không hỗ trợ. Do đó, TP sẽ đầu tư tiếp tục để phát triển cơ sở hạ tầng cho các BV còn khó khăn.
Thời gian qua, các BV bị tâm lý, do đó ảnh hưởng đến đầu tư trang thiết bị. Mong sắp tới Bộ Y tế có những tháo gỡ về cơ chế, chính sách rõ ràng để các BV đầu tư trang thiết bị y tế, đặc biệt là kỹ thuật mới. Đây là phương tiện kích thích BS làm việc, cống hiến.
Ngoài ra, chính sách phối hợp công - tư trong ngành y tế cần có hướng dẫn cụ thể để triển khai, góp phần hiện đại cơ sở vật chất KCB, giữ chân BS...
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM
MONG CÓ CHÍNH SÁCH CHO BÁC SĨ TRẠM Y TẾ HỌC TẬP NÂNG CAO TAY NGHỀ
Tôi đã quyết học ngành BS y học dự phòng thì ra trường phải làm việc đúng ngành, cống hiến cho ngành dù trước đó có cơ hội ra làm lĩnh vực khác kiếm tiền nhiều hơn.
Công việc rất nhiều, đặc biệt là thời điểm dịch Covid-19 ập đến, rất cực vì trạm chỉ có 4 người. Nhưng lương hệ số 2,34 và các chế độ lúc mới làm chỉ hơn 5 triệu đồng, giờ thì hơn 6 triệu đồng. Tôi được ba mẹ hỗ trợ cho ăn, ở, chứ còn những người ở quê lên mà đồng lương như vậy thì sẽ khó trụ nổi.
Tôi mong muốn sau này sẽ có thêm những chính sách hỗ trợ thu nhập cho NVYT nói chung và anh chị em NVYT công tác tại trạm y tế nói riêng. Ở góc độ cá nhân, tôi mong muốn được đi học thêm nâng cao kiến thức chuyên môn để phục vụ người dân. Khi có đủ nhân lực thì cơ sở vật chất của y tế cơ sở cần đầu tư khang trang hơn, có máy móc thiết bị để chăm sóc sức khỏe người dân địa phương tốt hơn.
BS Cù Nguyễn Quang Minh, Phó trưởng trạm Y tế P.8, Q.10, TP.HCM (một trong 3 người đạt giải nhất cuộc thi Trưởng, phó trạm y tế giỏi năm 2022)
ỔN ĐỊNH TÀI CHÍNH CHO ĐIỀU DƯỠNG YÊN TÂM CÔNG TÁC
Điều dưỡng là một nghề đặc biệt. Hơn ai hết, những người thường xuyên phải chịu đau đớn vì bệnh tật, sức khỏe yếu cần được chăm sóc bằng cả tình yêu thương, sự thấu hiểu.
Trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua, những điều dưỡng quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh mà chấp nhận rời xa gia đình nhỏ để vào công tác tại các BV dã chiến điều trị Covid-19.
Tại các BV công lập, hầu hết các bạn điều dưỡng đều có thu nhập theo các khoản chi của nhà nước. Tuy nhiên, do đa số BV được giao tự chủ về tài chính nên việc chi trả các thu nhập tăng thêm còn hạn chế. Rất mong nhà nước quan tâm nhiều hơn đến ngành điều dưỡng. Nên tăng lương cơ sở sớm, cải thiện thu nhập vì hiện tại, sau dịch Covid-19, nhiều NVYT đã bỏ việc, chuyển việc…
Điều dưỡng Võ Thị Khuyên, Điều dưỡng trưởng BV H.Củ Chi, TP.HCM
Bình luận (0)