Hướng về Sài Gòn tấm lòng Huế yêu thương

29/08/2021 19:38 GMT+7

Phải nói rằng chưa bao giờ nhân loại chịu một thảm họa mất mát đau thương như trong đại dịch thế kỷ Covid-19 suốt gần 2 năm qua. Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Trong những ngày này, những tin dữ từ TP.HCM liên tục là những tin tức làm nhói lòng hàng triệu người dân Việt Nam khi hay người anh em ruột thịt đang oằn mình chống chọi với cơn dịch bệnh quái ác. Dù nhủ lòng cố lạc quan để chung tay đẩy lùi dịch bệnh nhưng không thể tránh khỏi những giọt nước mắt rơi khi hay tin đồng bào của mình vẫn đang từng ngày đối diện với bao hiểm nguy vây bủa.
Nhưng trên hết với tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, lại một lần nữa dân tộc ta lại cùng nhau xây dựng truyền thống tốt đẹp ấy bằng rất nhiều những việc làm thể hiện sợi dây đoàn kết ấy mà Huế là một ví dụ. Điều Sài Gòn cần hôm nay không chỉ là những lời động viên an ủi mà người anh cả đứng đầu đoàn tàu kinh tế của đất nước hôm nay đang lâm vào tình cảnh thiếu thốn khó khăn trầm trọng.
Không thiếu thốn sao được khi đã gần 3 tháng Sài Gòn lâm trọng bệnh, người dân không thể sống bằng không khí, mọi nguồn tích trữ đã đến lúc cạn kiệt nhất là với bộ phận dân nghèo. Vậy là, người Huế lại nắm tay nhau, kêu gọi nhau vào cuộc gửi tình yêu, chia sẻ khó khăn cùng Sài Gòn. Thật sự chưa bao giờ Huế lại có một không khí rầm rộ khẩn trương như lúc này. Như những đàn kiến cần mẫn và đoàn kết, các bếp ăn bắt đầu được nhóm lên những ngọn lửa tình thương. Họ kêu gọi, rủ nhau đi làm thiện nguyện.
Người Huế không bao giờ quên hình ảnh người Sài Gòn khi trong những lúc miền Trung gặp thiên tai lũ lụt, trong cơn ngặt nghèo, người Sài Gòn đã vì một tình thương không vụ lợi, vô tư nhân ái và phóng khoáng đã rầm rộ không quản đường sá xa xôi hiểm trở, thời tiết xấu, để băng mình trong mưa lũ đem những phần quà giá trị đến bà con miền Trung.
Những ngôi chùa vốn trầm mặc, không bận lòng chuyện thế sự chốn hồng trần nay trước nỗi đau chung không thể làm ngơ, cũng đã tham gia vào gánh vác, chia sẻ phần nào cùng Sài Gòn. Đã có những ngôi chùa trong dịp vía Quan Âm đã dự định tổ chức lễ thắp nến cầu nguyện với quy mô lớn, nhưng sau cùng những dự tính thiện lành ấy đành phải tạm gác lại và các chùa đành tổ chức âm thầm trong nội bộ nhưng không kém sự trang nghiêm tâm thành nguyện cầu dịch Covid-19 sớm tiêu trừ.
Ngày 17.7, hai chiếc xe của Tổng Giáo phận Huế chứa đầy thực phẩm và cây trái Huế lặng lẽ xuất phát từ Tòa tổng giám mục Huế cũng là một hình ảnh đẹp giữa đời thường. Qua đó để thấy rằng khi câu “bầu ơi thương lấy bí cùng…” luôn có sẵn trong từng tế bào dân Việt thì bất kể là ai, nam hay nữ, trẻ hay già, tôn giáo có khác nhau không còn quan trọng nữa. Giờ chỉ có những nhịp đập hòa chung trong một trái tim nhân ái, hướng về đồng bào đang gặp nạn đau thương.
Tầng lớp văn nghệ sĩ trí thức Huế cũng không thể ngồi yên trước nỗi đau của nhân loại. Trước khi Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật tỉnh Thừa - Thiên Huế phát động cuộc sáng tác về đề tài phòng chống Covid-19, tập thơ Tứ tuyệt Covid-19 của nhà thơ Võ Quê do nhà xuất bản Thuận Hóa cấp phép và ấn hành vào những ngày đầu thế giới bùng phát dịch năm 2020 đã tạo nên một hiệu ứng lớn, được đông đảo người dân đón nhận trong bất ngờ thán phục vì là một sự tiên phong trong phong trào sáng tác văn học nghệ thuật về đề tài phòng chống Covid. Và năm 2021 đồng cảm, muốn sẻ chia cùng nhà thơ trước nỗi đau nhân loại, nhà thơ - nhà giáo Ths. Võ Thị Như Mai hiện đang công tác và định cư tại Tây Úc đã chuyển ngữ thành Tứ tuyệt Covid-19 song Ngữ Anh - Việt. Tập thơ đã để lại một dấu ấn đẹp và đến nay vẫn luôn là một đề tài mang tính thời sự mới mẻ trong giai đoạn cuộc chiến chống Covid vẫn từng ngày diễn ra và chưa biết đến lúc nào kết thúc. Bằng ngòi bút, tài năng sáng tạo và tình cảm của mình những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhiếp ảnh đã đóng góp một lượng tác phẩm không nhỏ góp phần xoa dịu, động viên nhau trong nỗi đau do Covid mang lại.
Đặc biệt, người dân Huế không bao giờ quên hình ảnh đoàn cán bộ y tế Huế một sáng giữa tháng 7 năm 2021 đã từ biệt gia đình, đồng nghiệp để lên đường vào Sài Gòn tiếp sức. Hình ảnh đó thật sự là một hình ảnh đẹp gây niềm xúc động lớn trong tôi. Những thiên thần áo trắng thành những chiến binh đầy quả cảm, đã quyết tâm gạt bỏ nỗi sợ hãi, sự xa cách nhớ thương gia đình khiến người dân Huế dù không ai có họ hàng thân thuộc chứng kiến cuộc chia ly này cũng đã rơi nước mắt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.