Tháng 4.2023, tên tuổi Hồng Đào phủ khắp báo chí và mạng xã hội Việt Nam, dù chị chỉ xuất hiện hơn 4 phút ở series Beef - một dự án của Netflix. Điểm thú vị chính là, đính kèm với tên tuổi của nữ diễn viên gạo cội là hình ảnh bát canh chua mà nhân vật của chị nấu để thết đãi chồng con trong bữa cơm nhà.
Vì sao bát canh chua được nói nhiều đến vậy?
Có lẽ là vì, bát canh ấy gợi rõ hình dung về một bữa cơm nhà điển hình, được nấu nướng, xếp đặt bởi bàn tay người mẹ trong căn bếp nhỏ. Thế nên, người Việt ở khắp nơi trên thế giới, nhìn thấy ở bát canh chua hương vị quê hương, và nhìn thấy ở đó, cả bóng hình một người mẹ thân thương và gần gũi.
Là người từng tham gia xây dựng nội dung những bộ phim truyền hình Việt Nam trong thời gian gần đây (Thương ngày nắng về; Hướng dương ngược nắng; Hoa hồng trên ngực trái; Về nhà đi con; Zippo, Mù tạt và em…), tôi nhận ra rằng, càng những gì gần gũi, sẽ lại càng dễ chạm đến khán giả.
Mà, nói về sự gần gũi thân thuộc, còn gì hơn là một bữa cơm? Có bộ phim nào, khi tái hiện đời sống, mà thiếu vắng những bữa cơm cơ chứ?
Nhiều khán giả nữ đã chia sẻ với tôi rằng, khi xem Về nhà đi con, họ rất nhớ bữa cơm bố Sơn và ba cô con gái cùng nhau uống rượu mơ. Ấy là vào hôm sinh nhật của Thư, lúc các cô con gái đang ngồi bên mâm cơm đợi bố, thì chính mắt ông Sơn nhìn thấy Vũ, chồng của Thư ở bên người khác. Quay về nhà, ông gắp cho Thư món ăn cô yêu thích nhất và nói: "Ăn đi con, món con thích nhất đấy! Con ở bên ấy chắc toàn ăn theo nhà chồng, món mình thích có khi chẳng mấy lúc được ăn. Ăn nhiều vào!".
Và, khi không biết có cách nào nén nước mắt, ông rót bình rượu mơ, uống, khi bằng chén, khi dốc cả bình, và rưng rưng chùng giọng trước các con: "Ngày xưa các cụ vẫn nói con gái quý như rượu mơ. Cuộc đời bố chẳng có gì, chỉ có ba đứa con gái, có thể xem là ba bình rượu mơ quý. Nhưng rượu ngon thì chỉ dành cho người xứng đáng thôi các con ạ!".
Thật ra, khi viết những dòng ấy, tôi đã khóc trước nhân vật. Quả là, có những nỗi thương yêu, sự xót xa, mà nếu không phải trong bữa cơm, thì cũng khó bày tỏ ở bất cứ nơi nào khác.
Có câu "trời đánh tránh miếng ăn", với hàm ý: sự quan trọng của bữa ăn, cái không khí ấm áp kết nối từ nó, khiến cho mọi vấn đề cuộc sống đều có thể tạm thời bỏ qua một bên. Còn khi đã không thể bỏ qua một bên, thì có nghĩa, là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng.
Nếu xem tập 47 của Gia đình mình vui bất thình lình, hẳn khán giả vẫn còn nhớ bữa ăn "nổi sóng" của nhà ông Toại khi lần đầu tiên vắng bóng Phương - cô con dâu hiền thảo vừa bị chồng "bạc đãi".
Chứng kiến Công (chồng Phương) vẫn lạnh lùng bình thản ngồi ăn, trong khi cả nhà không ai nuốt nổi, lại còn khăng khăng cho rằng giờ Phương chỉ là người ngoài, người dưng, ông Toại đã cho Công một cái tát điếng người. Cái tát chất chứa nỗi đau của một gia đình bỗng chốc thiếu vắng đi một người thân thuộc, của một người cha bất lực và thất vọng với đứa con trai mình tin tưởng nhất, và cả của Công cùng bí mật anh cất nén trong lòng.
Vậy nên, khi bí mật mở ra, biết về bệnh tình của Công, cái tát cũng là nỗi day dứt khôn nguôi của ông Toại. Bởi ông biết mình đã đánh con trai trong khi nó đau đớn nhất, yếu đuối nhất, trước mặt cả nhà, ngay trong bữa cơm còn dang dở.
Có bữa cơm vừa hài vừa bi, cay đắng, nghẹn lòng
Cuộc đời vẫn đẹp sao là dự án phim nổi đình đám trong năm qua, cũng là bộ phim có những bữa cơm đặc biệt nhất. Nhân vật của phim là những thân phận xa lạ dạt trôi, gặp gỡ nhau ở xóm gầm cầu, thế nên, trong phim có rất ít bữa cơm gia đình ấm áp mà là những bữa cơm tưởng như lạ lùng kỳ dị.
Đó là bữa cơm bà Tình và Luyến cùng ăn mừng sau khi hai mẹ con đã trả hết nợ. Là bữa cơm bất lực của Luyến, khi hết cách với thằng em báo đời, cô đã đãi Bát một bữa cơm thịnh soạn và sau đó dọa em rằng cô đã bỏ thuốc chuột vào đồ ăn. Bữa cơm ấy vì thế mà vừa hài vừa bi, cay đắng, nghẹn lòng khó tả.
Một bữa cơm khác cũng kỳ thú và ấn tượng không kém, là bữa cơm bà Lục mời cả xóm gầm cầu liên hoan. Lý do của bà là, cả một đời đi ăn chực, vậy nên, khi có điều kiện (nhặt được phong bì tiền), bà nhất định phải khao cả xóm một chầu. Không ai ngờ được, đó chính là bữa cơm cuối cùng của bà, sau khi đã kịp sắm cho mình chiếc quan tài cùng bộ quần áo đẹp để khi mất không lo lạnh lẽo. Một kiếp người cô đơn, nghèo khổ, nhưng vẫn sống nghĩa tình và nỗ lực đàng hoàng nhất có thể, dẫu chỉ qua một bữa cơm với chiếc chiếu trải trên nền đất.
Còn biết bao những bữa cơm đáng nhớ đã được "bày mâm" trong những tập phim Việt. Là bát cháo tía tô giải cảm mà cô Khuê của Hoa hồng trên ngực trái đã nấu cho Bảo để từ đó, Bảo mượn cớ tỏ tình; là bát cháo hoa mà cô con gái nhỏ đã nấu cho người mẹ vừa bị đánh đập thương tâm, để nó mãi hằn sâu trong ký ức của người mẹ xa con trong Thương ngày nắng về; là gánh bún riêu của mẹ Nga, đã quẩy lên để gồng gánh nuôi đàn con thơ khi chồng mất sớm...
Có bao nhiêu bữa cơm, bao nhiêu nỗi lòng như thế đã gieo vào lòng khán giả những vui buồn, thương yêu, xót xa…, gợi nhắc nhớ về những người giữ lửa dưới nếp nhà, và những kết nối mang hương vị tình thân.
Ở một khía cạnh nào đó, chúng tôi, những người làm phim, cũng là những người ngày ngày vào bếp làm nên những món ăn phục vụ khán giả. Món ăn có thể ngon dở, mặn nhạt, thế nhưng chừng nào khán giả còn muốn ăn cơm, thì chắc hẳn, chúng tôi cũng sẽ vẫn còn khát khao vào bếp…
Bình luận (0)