Hương vị quê hương: Cháo sườn

29/12/2022 20:36 GMT+7

Cái thời tóc còn để chỏm, chân đất đầu trần, những thức quà ở tiệm chạp phô với tôi là những thứ xa xỉ.

Tôi chỉ cần được “Mẹ cho ta một xu bánh đa vừng” như thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo là đã nhảy cẫng lên, mừng vui như tết, reo hò như những cầu thủ vừa ghi bàn thắng.

Gia đình tôi hồi ấy có lò gốm lớn nhất nhì trong vùng, thợ thầy rất đông. Ngày xưa, chưa khoán công như bây giờ, nên cứ nửa buổi hay xế xế là thím tôi mang bánh trái ra cho mọi người lót dạ. Những lúc đó, tôi đi theo và được hưởng ké. “Thực đơn” cho thợ có rất nhiều món, trong đó sung sướng nhất với tôi là món cháo sườn.

Những bữa có món cháo sườn thường là những bữa lò gốm nhiều việc hơn ngày thường. Sáng sớm, trong nhà tôi có một người đi mua sườn heo để nấu cháo. Sườn phải chọn những miếng có xương dẹt, xương không quá to và không quá nhỏ, vì xương to thì thịt ít. Còn xương nhỏ thì có thể là xương mổ từ lợn nhỏ, thịt không ngon. Chọn sườn có xương dẹt, xương to vừa phải thì thịt mới nhiều.

Cháo sườn

NGUYỄN NHẬT THANH

Với gia đình tôi, cháo sườn thường được chế biến theo nguyên tắc “ba một tiếng”. Đầu tiên, sườn mua về được rửa sơ, sau đó ngâm trong nước vo gạo để khử mùi tanh trong khoảng 1 tiếng. Tiếp đó, hầm trong nồi với lửa nhỏ khoảng 1 tiếng. Cứ một chặp, bà tôi hoặc mẹ hay thím tới vớt bọt trong nồi để giữ nước sườn được trong. Sau đó, sườn được vớt ra, lóc thịt; nước sườn được vớt hết xương vụn. Cuối cùng, gạo được cho vào nấu trong 1 tiếng nữa để nở bung ra như những cánh hoa ban mùa xuân. Cứ một chốc, cháo được khuấy để đảm bảo không bị khê. Cuối cùng, cho phần sườn lúc nãy “bơi” vào nồi cháo và nêm nếm cho vừa ăn.

Khi đã “đánh hơi” được ngày hôm đó sẽ có cháo sườn, nhà bếp trở thành “khu vui chơi” của tôi và mấy đứa nhóc trong nhà. Mùi thơm ngây ngất của món cháo sườn tràn ngập trong gian bếp, thấm cả vào người tôi. Cảm giác háo hức chờ đợi được kích hoạt. Vì cứ mỗi lần nồi cháo sườn bắc xuống, tôi cũng sẽ có phần. Và ai bưng mâm cháo ra lò cho thợ, tôi sẽ tò tò đi theo.

Trên mâm, ngoài cháo còn có cả tiêu, ớt, hành lá, ngò mùi… để phụ họa thêm cho món cháo. Mọi người nghỉ tay. Như một hàng ăn tự phục vụ, ai muốn ăn thì lại múc. Rồi mọi người ngồi cùng ăn với nhau. Tiếng nói cười níu ngày dài thêm một chút. Cháo được múc ra tô còn nóng hổi, khói bốc lên nghi ngút mang theo hương thơm đặc trưng. Nóng thì nóng, nhưng vì ngon và vì cháo phải ăn nóng nên ai cũng húp xì xụp. Tô cháo sườn nguyên bản đã ngon. Cho thêm tí hành lá, ngò mùi và thêm tí tiêu vào lại càng làm tăng thêm độ thơm ngon.

Đặc biệt, quê tôi thường ăn cháo với bánh tráng mè nướng. Thực ra chẳng qua là bẻ vào ăn cho no. Nhưng đó cũng đã trở thành một nét văn hóa ẩm thực vùng miền (như một số vùng khác người ta ăn cháo với bánh quẩy vậy). Mà ăn cháo với bánh tráng thực là ngon. Tôi còn nhớ như in có những chú thợ không ăn cháo bằng muỗng mà lấy bánh tráng để múc. Tôi cũng bắt chước, nhưng “thiếu kinh nghiệm” nên chẳng tài nào ăn được.

Mấy hôm nay, trời trở rét. Đi về trên phố khuya, ngó qua thấy xe cháo sườn bên vỉa hè còn bày bán. Cái lạnh hối thúc chiếc xe máy chạy về luôn để sớm được cuộn mình trong chăn ấm. Nhưng thực ra, khi ấy, lòng tôi đã dừng chân bên lề ký ức.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.