Ông Nguyễn Văn Sinh, ngư dân ở vùng Long Thủy (H.Tuy An, Phú Yên), cho biết: "Ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dương không dám ăn thịt cá vì cá này có giá cao nên để dành lên bờ bán, chỉ dám ăn đầu, lòng cá. Xưa hay dùng đầu cá ngừ đại dương nấu mẳn (nấu canh hơi mặn) ăn với cơm, lâu dần mọi người chế biến thành nhiều món từ mắt cá rồi nâng lên thành đặc sản mắt cá ngừ chưng thố (hũ nhỏ)".
Chị Nguyễn Thị Hiện, nhân viên một quán bán mắt cá ngừ đại dương ở TP.Tuy Hòa, chia sẻ về cách chế biến mắt cá: "Mắt cá phải lựa những con mắt mỡ, to gần bằng trứng gà, nhiều thịt thì mới ngon, mới béo ngậy. Ướp quế hồi để khử vị, thêm ngũ vị hương, hành tiêu sả ớt, đặc biệt là thêm táo tàu cho ngọt nước, rồi bắc lên bếp cho sôi 3 lần là mắt cá chín, nêm nếm vừa miệng là có thể ăn". Mắt cá sau khi được nấu chín thì cho vào thố để giữ độ nóng. Nhúng ít cải cay, rau thơm thái nhỏ vào thố cá đang nóng, thêm chút mắm cay rồi thưởng thức. Vị béo trên đầu lưỡi, hậu vị ngọt thanh của táo tàu làm người ăn không thể dừng lại.
Cứ trời mưa, chị Nguyễn Mỹ Thư (ở TP.Tuy Hòa) lại chạy ra quán để ăn món mắt cá ngừ đại dương. "Trời mưa mát mẻ ngồi sát bệ đường thưởng thức món ngon, ngắm cảnh phố xá tấp nập. Ngoài độ tươi của mắt cá, cải cay chính là đặc trưng của món này, nó giúp khử vị, mùi hăng cay xộc lên mũi giống như mù tạt. Nhiều bạn đến đây không ăn được cải cay, hơi tiếc", chị Thư nói.
Cái thanh ngọt của nước dùng, vị béo ngậy của mắt cá, mùi hăng nồng của cải cay tuy đơn giản nhưng tạo nên sự độc đáo của món mắt cá ngừ đại dương - một đặc sản của Phú Yên.
Bình luận (0)