Hương vị tết quê

04/02/2019 09:30 GMT+7

Ngày cuối năm, nhiều bạn trẻ cũng như tôi, dù bận rộn với công việc nhà nhưng vẫn không thể quên những cảm xúc của một thời ấu thơ với hương vị tết quê.

Mùi ngò gai chiều cuối năm

Có những dạo như thế, có những năm như thế, là hương mùi ngò gai cứ phảng phất như được ướp lạnh vào tay suốt cả mấy ngày cận tết, khi ngày nào chúng tôi cũng được mẹ đưa lên những luống rau để phụ nhặt rau đi bán chợ cuối năm.

Mới tờ mờ sáng, những đứa trẻ chỉ ở khoảng độ lên 8, lên 9 đã được ba mẹ cho vào gánh lên ruộng rau. Ngày ấy có lẽ còn thiếu ăn nên dù ở độ tuổi ấy nhưng chúng tôi vẫn còn nhỏ xíu, bỏ vào gánh mà ba mẹ gánh đi cảm giác nhẹ tênh.

Những luống rau thơm ngày cuối năm HOA NỮ

Sương sớm xuống ướt đẫm tóc, luồng tay vào những luống rau, từng giọt sương đọng trên lá cứ nhỏ giọt ướt lạnh cả 2 tay, rồi từ đầu hàng này đến cuối hàng rau kia mà quần ướt từ lúc nào không hay. Vậy là lạnh từ đầu đến chân nhưng nhổ xong những luống rau thì mồ hôi đã toát ra vì cái tay cứ phải nhanh thoăn thoắt để mẹ kịp buổi chợ sớm ngày cuối năm.

Nhiều bạn trẻ lớn lên từ mùi thơm của những luống rau được ướp lạnh vào tay như chúng tôi đều không thể nào quên được và cùng ngồi ôn lại kỷ niệm ấy những ngày cuối năm như thế này.

“Ướp lạnh vào tay”, cụm từ mà đến khi lớn lên chúng tôi mới dùng để hình tượng hóa lại mùi thơm của ngò gai hay rau húng quế,… lưu lại trên tay suốt những ngày tết còn hơn cả mùi nước hoa ngày nay xài.

Tất bật với những gánh rau kịp phiên chợ 30 tết HOA NỮ

Vì nhớ, nên được về nhà sau một năm, thậm chí nhiều năm bon chen nơi xứ người, những người trẻ như chúng tôi lại hối hả, háo hức để được mẹ dẫn lên ruộng rau như ngày ấu thơ.

Nguyễn Thị Quỳnh Như (cựu sinh viên Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) kể: “Vừa về đến nhà hôm 28 tết là mình đã theo mẹ lên ruộng rau. Hôm trước mình đăng dòng trạng thái lên Facebook và bạn bè vào hỏi tại sao là dịp cuối năm mà không phải những dịp khác. Có lẽ chỉ có dịp tết thì lượng rau tiêu thụ mới nhiều và công suất một ngày lết qua các hàng rau cũng đỉnh điểm nhất. Suốt ngày cứ hết nhổ rồi lại bó rau, nên mùi thơm của nó cứ ám vào tay suốt mấy ngày liền. Vì vậy, tết không cần tốn tiền mua nước hoa (cười)”.

Phảng phất hương đồng gió nội

Tết về không chỉ là dịp để đoàn tụ với gia đình, ngày nay, nhiều bon chen nơi thành thị khiến mỗi dịp tết được về nhà còn là cơ hội để mỗi người trẻ sống lại với hương đồng gió nội, với những kỷ niệm thời ấu thơ lớn lên cùng đồng ruộng.

Minh chứng cho điều này là đi kèm những dòng trạng thái đi chơi vui vẻ dịp cuối năm, hay hình ảnh chuẩn bị đón tết của gia đình thì nhiều người trẻ còn đăng tải hình ảnh mộc mạc, thân thương của những luống rau, ruộng lúa, đường quê,…

Đăng lên hình ảnh của con đường quê ngày cuối năm, Phan Thị Hoàng Dung (cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học Huế) chia sẻ: “Hai năm đón tết xa quê, năm nay công việc thuận lợi nên được về quê ăn tết. Chỉ mới hai năm xa nhà mà mọi thứ đổi thay rất nhiều. Đoạn đường đất đỏ dẫn vào nhà tôi nay đã được bê tông hóa. Còn nhớ hồi xưa cũng con đường này, nếu tết mà đúng ngày mưa lũ thì khi bước chân ra đường là mang đôi giày bẩn về. Mẹ tôi sợ nhất là điều này, bởi chúng tôi mỗi đứa chỉ có một đôi giày đẹp trong ngày tết”.

Những cánh đồng lúa được giới trẻ chia sẻ nhiều mỗi dịp tết về nhà HOA NỮ

Hoàng Dung kể thêm: “Mấy năm đi làm, toàn gọi điện thoại, chat qua mạng xã hội với gia đình. Tết được về nhà, thỏa sức thức đêm nấu bánh tới sáng với mẹ. Còn nhớ, lúc chưa đi làm, nồi bánh chưng, bánh tét năm nào cũng là chị em chúng tôi thức canh lửa, hai năm nay, vắng bóng chị em chúng tôi, mẹ cũng chỉ làm ít, nấu vào ban ngày. Mẹ bảo, ngồi nấu bánh nhớ chúng mày ghê gớm. Đấy, về nhà ăn tết, không chỉ là nấu bánh, mà là tình cảm chan chứa của khoảng trời thơ. Nấu bánh kèm nướng khoai mới hết buồn ngủ, năm nay đã khác, ngồi nấu bánh chúng tôi bưng cả bàn trà để uống cả nhà. Không khí thật là thích”

Về quê nhìn thấy đồng ruộng, Dung mới sực nhớ, cũng nhiều năm rồi không còn đụng tay vào làm việc của nhà nông. “Hồi trước, vụ gieo sạ trước tết, thời tiết mùa đông rất lạnh nên cả nhà chúng tôi, ai cũng phải góp sức để làm. Vừa gieo sạ xong, lại bắt tay vào làm cỏ cho cánh đồng ruộng. Đứng trên bờ đê, dòng nước trên mương trong vắt mới thấm thía những ngày xưa rất xưa, những ngày tết mùa đông của Huế, cứ lạnh, cứ bận rộn. Còn phát quang đường xóm nữa, là điều mà mấy năm đi làm tôi không còn thấy ở thành phố. Chỉ khi tết đến bố tôi mới cầm cái rựa chặt mấy bụi chè, tàu dừa không yên phận, mọc lung tung ra bên ngoài. Hồi đó, thấy ba dọn dẹp là mấy anh em tui chạy theo sau đùa nghịch. Đứa thì kéo cành cây bị chặt vào sau vườn, đứa thì quét đường xóm, đứa thì lau nhà…”.

Anh chàng Đinh Quang Thắng (cựu sinh viên Trường CĐ Công thương TP.HCM) thì đăng hình ảnh cánh đồng lúa ngay trước sân nhà và gãy gọn dòng trạng thái: “ôi nhớ!”

Thắng cho biết dù là con trai nhưng cả một ký ức tuổi thơ là men theo các bờ ruộng để cắt cỏ nuôi bò. “Ngày xưa nhà nghèo, nên trai hay gái chi cũng đảm đang hết. Sáng đi học là chiều về cắt cỏ nuôi bò, lội ruộng cấy lúa các kiểu. Giờ xa rồi, mỗi lần tết về nhìn thấy những cánh đồng lúa mênh mông này lại nhớ, nhớ chi lạ. Hương đồng gió nội cứ phảng phất khiến bao ký ức lại hiện về, nhất là dịp tết, chiều cuối năm lại lết mấy bờ ruộng muốn mòn cả mông quần để cắt thật nhiều cỏ trữ lại cho bò ăn mấy ngày tết. Có như thế tết mới được đi chơi, giờ tết chẳng còn làm gì nữa lại thèm cảm giác được đi lết mòn mông quần như ngày xưa”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.