TNO

Hụt hẫng

04/09/2011 01:02 GMT+7

Từ kêu gọi sự chia sẻ đến phân tích lý lẽ và cuối cùng là bức xúc đòi hỏi quyền lợi chính đáng, cuối cùng xăng dầu cũng đã giảm giá. Nhưng thay vì thở phào nhẹ nhõm, cảm xúc của hầu hết người tiêu dùng là thở dài chán nản trước mức giảm "cho có" của Bộ Tài chính.

Cảm giác dễ nhận thấy nhất là sự hụt hẫng của hầu hết mọi người khi biết xăng dầu chỉ giảm từ 300 đồng - 500 đồng/lít. Càng hụt hẫng hơn bởi chỉ một ngày sau khi chúng ta công bố giảm 500 đồng/lít xăng, Thái Lan đã giảm tới 5.500 đồng/lít xăng cho người dân nước này, gấp 11 lần so với mức giảm của ta. Tất nhiên, mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng ngay cả khi không "trông người" thì "ngẫm ta" thôi, cũng thấy rõ sự thiếu sòng phẳng trong cơ chế tăng - giảm của giá xăng dầu. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, xăng dầu đã tăng giá 2 lần với tổng mức tăng xấp xỉ 5.000 đồng/lít xăng. Có nghĩa là, mức giảm 500 đồng/lít mà Bộ Tài chính vừa công bố, chỉ bằng 1/10 so với mức tăng. Chưa nói đến chuyện thiếu minh bạch, chưa nói đến những khuất tất lời lỗ mà dư luận lên tiếng lâu nay, chỉ những con số này thôi đã cho thấy sự thiếu trung thực của ngành xăng dầu VN, sự thiệt thòi của người tiêu dùng trong nước cũng như tâm trạng hụt hẫng, thất vọng của nhiều người như nói trên.

Giảm 500 đồng/lít xăng, nếu đổ đầy một bình xăng cho một xe gắn máy thông thường khoảng 6 lít, tiết kiệm được 3.000 đồng, giá trị tương đương với 1/2 kg rau muống, hay một lần gửi xe gắn máy. Đó là phép tính của không ít người dân khi biết mức giảm giá xăng dầu của Bộ Tài chính. Nghe thật chua xót. Mức giảm quá khiêm tốn này cũng "vô hiệu hóa" vai trò chi phí đầu vào của xăng dầu ở nhiều mặt hàng, ngành hàng nên có thể khẳng định chắc chắn, sẽ không có việc điều chỉnh giá của bất cứ sản phẩm, hàng hóa nào. Trong khi lúc xăng dầu tăng giá, do mức tăng mạnh, hàng loạt các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm, vận tải... đều đã được điều chỉnh tăng theo ngay sau đó. Như vậy, việc tăng nhanh, giảm chậm; tăng nhiều, giảm nhỏ giọt của ngành xăng dầu đã gây thiệt đơn, thiệt kép cho người tiêu dùng chứ không đơn thuần thiệt thòi trên mỗi lít xăng.

Chúng ta đã mất quá nhiều thời gian, công sức, sự kiên trì để đòi hỏi quyền lợi trong việc giảm giá xăng dầu thời gian qua. Nhưng nếu vẫn còn kiểu kinh doanh mà quyền lợi của người tiêu dùng bị đặt sau cùng, bị coi nhẹ thì những nghịch lý chua xót nói trên sẽ vẫn còn tồn tại.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.