Hút khách quốc tế 'cứu' du lịch: Cuộc cạnh tranh điểm đến

17/02/2023 06:37 GMT+7

Thị trường khách lớn nhất thế giới đã mở cửa, tiếp tục thổi bùng lên cuộc đua cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia du lịch. VN không thể đứng ngoài.

QUYẾT LIỆT GIÀNH THỊ TRƯỜNG

Hôm qua (16.2), các doanh nghiệp du lịch VN vui mừng trước thông tin Bộ VH-TT-DL vừa gửi thư tới Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc đề nghị phía bạn sớm đưa VN vào danh sách thí điểm đón khách đoàn.

Hút khách quốc tế “cứu” du lịch: Cuộc cạnh tranh điểm đến   - Ảnh 1.

Khách du lịch quốc tế tham quan TP.HCM những ngày đầu năm 2023

HÀ MAI

Theo Bộ VH-TT-DL, hợp tác du lịch thời gian qua là điểm sáng trong hợp tác song phương. Trung Quốc là thị trường gửi khách lớn nhất của VN và ngược lại, VN luôn chiếm vị trí top 5 quốc gia hàng đầu gửi khách đến Trung Quốc. Đây là mối quan hệ cùng có lợi, cùng thắng. Vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hai bên duy trì liên lạc thường xuyên, tích cực phòng chống dịch bệnh. Tháng 9.2022, theo lời mời của phía Trung Quốc, VN đã tham dự Hội chợ Du lịch ASEAN - Trung Quốc với tư cách là khách chính. Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đã phát biểu chúc mừng tại lễ khai mạc hội chợ. Mặt khác, du lịch VN đã chính thức mở cửa đón khách du lịch quốc tế trở lại từ 15.3.2022 và năm ngoái đón hơn 3,66 triệu lượt khách quốc tế; luôn được ghi nhận là điểm đến an toàn, hấp dẫn.

"Gần đây, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc công bố danh sách 20 quốc gia thí điểm tổ chức du lịch theo đoàn gồm 7 nước ASEAN và một số quốc gia mà không có VN. Với mong muốn thúc đẩy hợp tác, đưa du lịch hai nước phát triển lành mạnh, thực hiện đúng nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, Bộ VH-TT-DL VN trân trọng đề nghị Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc xem xét và sớm đưa VN vào danh sách các quốc gia thí điểm du lịch theo đoàn, tạo điều kiện cho hai nước phục hồi và phát triển du lịch", công hàm của lãnh đạo ngành du lịch VN nêu rõ.

Lần đầu tiên trong lịch sử ngành du lịch, VN có công hàm gửi trực tiếp đến một thị trường để "đòi" khách. Với các doanh nghiệp hàng không và du lịch, đây là tín hiệu mang tính trấn an quan trọng, bởi Trung Quốc là thị trường khách quốc tế lớn nhất của VN giai đoạn trước dịch Covid-19. Là hãng hàng không khai thác nhiều đường bay kết nối giữa VN và Trung Quốc, đại diện Hãng hàng không Vietjet nhận định: "Trung Quốc là một trong những thị trường khách quốc tế lớn nhất đến VN, có vai trò lớn giúp ngành du lịch đạt mục tiêu 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế của năm nay. Vì thế, Vietjet rất trông đợi vào sự trao đổi, đàm phán với nước bạn từ Chính phủ và các cơ quan quản lý nước ta để có thể nhanh chóng nối lại hoạt động du lịch giữa hai quốc gia. Chúng tôi rất mong muốn khai thác ổn định các đường bay Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, du khách".

Trung Quốc vẫn còn rất nhiều dư địa và nếu không phải thị trường "ngon ăn" thì Thái Lan, Campuchia, Indonesia… cũng không phải giành nhau đón khách Trung Quốc ào ào như vậy.


Ông NGUYỄN VĂN THÀNH, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa

Ông Nguyễn Văn Thành, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, cũng đánh giá đây là tín hiệu tích cực, cho thấy Chính phủ đã nhanh chóng quan tâm, tìm phương án để VN sớm đón được dòng khách Trung Quốc. Ngành du lịch không chủ trương chỉ phụ thuộc vào một nguồn khách. Thậm chí, có quan điểm cho rằng khách Trung Quốc tới VN chủ yếu theo các tour charter dưới dạng tour 0 đồng, du lịch không được hưởng lợi nhiều nên không cần quá "tha thiết" thị trường này. Tuy nhiên, đối với Nha Trang - Khánh Hòa và một số tỉnh, thành khác, mọi ngành, mọi cấp đều có lợi khi khách Trung Quốc tới. Chỉ riêng không khí sầm uất họ đem lại cũng đủ giúp địa phương hồi sinh. Rồi từ chú xích lô đến bác cắt tóc, chợ búa, nhà hàng, khách sạn..., mọi người, mọi nhà đều được hưởng lợi từ du lịch.

"Họ sát bên mình, là thị trường lớn tới 1,4 tỉ dân. Vừa qua, mình mới chỉ khai thác 3 tỉnh thôi, chưa đụng tới những TP lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải mà đã có được lượng khách lớn tới như vậy. Trung Quốc vẫn còn rất nhiều dư địa và nếu không phải thị trường "ngon ăn" thì Thái Lan, Campuchia, Indonesia… cũng không phải giành nhau đón khách Trung Quốc ào ào như vậy", ông Thành nhấn mạnh.

ĐA DẠNG "VŨ KHÍ" CẠNH TRANH

Đúng như nhận định của ông Nguyễn Văn Thành, cuộc cạnh tranh điểm đến giữa các quốc gia du lịch đang ngày càng "nóng", đặc biệt sau khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại. Rõ nhất phải kể đến màn "quay xe" ấn tượng của Thái Lan. Khi Trung Quốc thông báo dỡ bỏ các hạn chế đi lại của người dân, Chính phủ Thái Lan lập tức ban hành quy định "siết" du lịch, yêu cầu du khách nhập cảnh phải cung cấp chứng chỉ tiêm vắc xin hoặc xét nghiệm nhanh tại sân bay nước này. Tuy nhiên, chính sách chưa kịp áp dụng, Thái Lan đã tuyên bố hủy bỏ quy định này vì cho rằng gây bất tiện cho du khách, sẵn sàng mở rộng cửa đón khách Trung Quốc.

Thực tế, ngay từ khi Trung Quốc còn đang theo đuổi chính sách Zero-Covid, Thái Lan đã đẩy mạnh đàm phán về thỏa thuận đi lại song phương với nước này nhằm giúp ngành du lịch phục hồi. Theo đó, các du khách đi theo chương trình bong bóng du lịch giữa Thái Lan với Trung Quốc sẽ không phải thực hiện cách ly, có thể được cấp thị thực đặc biệt và địa điểm lưu trú. Những nỗ lực đó đã được đền đáp xứng đáng. Đặt mục tiêu đón 300.000 khách Trung Quốc mùa Tết Nguyên đán nhưng xứ sở chùa vàng đã xuất sắc thu hút tới 1,38 triệu lượt du khách Trung Quốc dịp tết năm nay, đem lại 45 tỉ baht, tương đương 1,37 tỉ USD, cho ngành công nghiệp không khói của nước này. Ngoài ra, trong bối cảnh khó đón khách quốc tế, Thái Lan đang cố gắng giữ khách lâu hơn bằng chính sách visa 45 ngày với những thị trường được miễn visa.

Tương tự, Tổng thống Indonesia Joko Widodo khi phát biểu tại sự kiện quảng bá du lịch ở trung tâm thương mại Karisma mới đây đã nhấn mạnh năm 2023 sẽ là thời điểm thích hợp để phục hồi và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch nước này với hàng loạt sự kiện du lịch nổi bật mang tầm quốc tế được tổ chức ở khắp nơi trên cả nước. Mục tiêu của nước này năm 2023 là thu hút 7,4 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Các sự kiện tầm cỡ quốc tế như Đường đua xuồng máy F1, Giải vô địch bóng đá thế giới U.20, Đại hội thể thao bãi biển thế giới (ANOC), Đua mô tô quốc tế (WSBK)… được kỳ vọng sẽ là "thỏi nam châm" thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến Indonesia. Dự kiến, trong năm 2023 sẽ có 110 lễ hội và 65 sự kiện thể thao văn hóa được tổ chức trên khắp Indonesia.

Trong năm 2023, câu chuyện xúc tiến, quảng bá du lịch, liên kết giữa các địa phương để tạo nên hệ thống sản phẩm mới hấp dẫn sẽ là những vấn đề cần phải quyết liệt tháo gỡ nhanh chóng để tạo sức bật cho du lịch VN.

Đại diện Bộ VH-TT-DL

Trong khi đó, Chính phủ Malaysia đã công bố sẽ phân bổ khoản ngân sách "khủng" lên tới 1,16 tỉ RM (tương đương hơn 263 triệu USD) để quản lý, phát triển ngành du lịch, nghệ thuật, văn hóa trong nỗ lực không ngừng nhằm khôi phục và củng cố nền kinh tế của đất nước. Malaysia cũng đặt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách du lịch từ Trung Quốc trong năm 2023, tăng gấp rưỡi so với 3,1 triệu lượt vào năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Áp đặt trở lại một số biện pháp kiểm soát y tế tại biên giới như tiến hành xét nghiệm RT-PCR đối với mẫu nước thải từ các máy bay đến từ Trung Quốc…, song Cục Nhập cư Malaysia lại cho vận hành các làn đường nhập cảnh đặc biệt dành cho du khách đến từ Trung Quốc, giúp việc làm thủ tục của dòng khách từ thị trường này được nhanh chóng hơn.

Mặc dù đang vấp phải nhiều thách thức, song ngành du lịch VN đã xác định áp dụng mạnh mẽ hơn các nhóm biện pháp chính nhằm đạt được mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế năm 2023. Đại diện Bộ VH-TT-DL cho biết Bộ đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan, kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi về chính sách visa. Đồng thời, tăng cường năng lực vận tải hàng không thông qua việc khai thác thêm các đường bay mới; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực quản lý du lịch có chất lượng; tập trung đầu tư cho điểm đến…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.