Không chết liền nên không sợ
Tại VN số người hút thuốc lá cao, nhưng các quy định hạn chế thuốc lá lại rất thấp hoặc thực hiện kém. Người ta có thể hút thuốc trên tàu xe, trong công sở, nơi công cộng mà không cảm thấy e ngại cũng chẳng ai xử phạt.
Khác với các nước văn minh, người hút thuốc phải quan sát để biết mình có được phép hút thuốc hay không trước khi thoả mãn cơn ghiền. Nếu vi phạm thì sẽ bị mất toi vài trăm thậm chí cả ngàn đôla (như ở Hồng Kông). Nhưng ở VN thì cứ vô tư đi. Tại nhiều nơi, dù có treo biển cấm hút thuốc lá, nhiều người vẫn coi như không, đó là do thói quen chưa tôn trọng các quy định ở nơi công cộng.
Các nhà khoa học ước tính mỗi năm tại VN có 40.000 người chết do thuốc lá, cao gấp bốn lần số ca tử vong do tai nạn giao thông. Thông tin về tai nạn giao thông đưa liên tục, hình ảnh ghê rợn nhưng nhiều người vẫn cố tình vi phạm luật, ra đường phóng nhanh vượt ẩu. Còn báo chí chưa từng đưa tin cụ thể một người chết tại chỗ vì hút thuốc lá, nên chẳng ai sợ là phải.
Ai cũng có ý thức thuốc lá có hại cho sức khoẻ, nhưng không ai có ý thức bảo vệ sức khoẻ cho mình và cho người khác. Trong gia đình, các ông bố vẫn phì phèo thuốc lá và nhả khói cho vợ con ngửi. Trong công sở, các bậc này râu đốt thuốc nhả khói như tàu hoả cho đồng nghiệp hưởng.
Cái việc hút sách đó rất hồn nhiên, mặc dù nhiều người biết rằng khói thuốc lá cũng giết những người thụ động hít phải. Tính ra mỗi năm dân ghiền VN tiêu thụ cả tỉ gói thuốc lá, chỉ tính thuốc lá lậu cũng lên đến vài triệu gói.
Uống 1,5 tỉ lít bia
Tại cuộc hội thảo rượu bia và tai nạn giao thông, người ta đưa ra thông báo, năm 2010 Việt Nam sẽ tiêu thụ 1,5 tỉ lít bia. Việc tiêu thụ rượu bia trong nước tăng trung bình 8-10% mỗi năm và cùng với nó là tai nạn giao thông gia tăng. Bộ trưởng Bộ GT-VT Hồ Nghĩa Dũng cho biết, hằng năm, ngân sách và chi phí của người dân dành cho khắc phục hậu quả tai nạn giao thông là khoản tiền vượt xa kinh phí đóng góp của ngành đồ uống.
Theo nghiên cứu của Bệnh viện Việt Đức và Xanh Pôn (Hà Nội), 62% nạn nhân bị tai nạn giao thông nhập viện có cồn trong máu. Chưa kể, nhiều vụ án đâm chém nhau trên đường phố, chồng đánh đập hay giết chết vợ, anh em, cha con trong gia đình giết nhau là vì có tác động của rượu bia.
Còn một hậu quả khác, bia rượu là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật, để lại gánh nặng cho cả xã hội. Người dân chịu nhiều tốn kém khắc phục bệnh tật và cả thương tật do đâm chém vì rượu bia. Những tổn hại đó tính không hết được bằng tiền.
Về góc độ quản lý và xử phạt, Nghị định 45 của Chính phủ quy định cảnh cáo hoặc phạt tiền 50.000-100.000 đồng với hành vi hút thuốc lá, thuốc lào nơi công cộng, nhưng việc xử phạt rất hạn chế. Các đơn vị quảng cáo cũng lách nhiều cách để quảng cáo thuốc lá và bia rượu, trong đó có cách đưa lên phim ảnh, truyền hình. Với hai loại bia rượu và thuốc lá, cách hạn chế tốt nhất là đánh vào túi tiền. Nhiều ý kiến đề xuất đánh thuế thật cao vào hai mặt hàng này.
Biện pháp thứ hai là xử phạt thật nghiêm, người hút thuốc lá nơi công cộng có thể bị phạt vài triệu đồng, người lái xe có uống rượu bia có thể chịu mức phạt vài chục triệu đồng, đơn vị vi phạm quảng cáo bị xử phạt vài trăm triệu đồng. Hãy làm thật nghiêm như các nước văn minh thì dân mình mới văn minh.
Theo Lê Thanh Phong / Lao Động
Bình luận (0)