Hủy diệt hệ sinh thái biển

05/04/2009 22:49 GMT+7

Một khối san hô đường kính 1 mét có thể đã trải qua cuộc đời hàng thế kỷ. Nếu một quả thuốc nổ trong chốc lát phá hủy một khối san hô như vậy, thì hàng trăm năm sau thiên nhiên chưa chắc đã kiến tạo lại được.

Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn, Phó viện trưởng Viện Hải dương học (Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết: Rạn san hô (còn được gọi là “rừng” dưới đáy biển) là một trong những hệ sinh thái đa dạng nhất, bao gồm nhiều loài đặc trưng đại diện cho hầu hết các nhóm động vật biển. Trong rạn san hô có hàng trăm loài sinh vật biển như: tảo, rong, cua, cá, tôm hùm, hải sâm, đồi mồi, động vật thân mềm... chúng sinh sống, trú ngụ, sinh sản, trốn tránh kẻ thù... Vì vậy, rạn san hô còn được coi là “kho dự trữ” gen của biển. Cũng như rừng ngập mặn, “rừng” san hô còn có tác dụng che chắn, chống xói lở bờ biển, hải đảo. Sự nguyên vẹn của các rạn san hô cho phép tiết kiệm nhiều kinh phí trong việc xây dựng các công trình chống xói lở ven biển... 

Hầu hết sinh vật trên rạn san hô là đặc sản, có giá trị xuất khẩu cao như: tôm hùm, hải sâm, đồi mồi; động vật thân mềm dùng làm thực phẩm và đồ mỹ nghệ như ốc Tù Và, ốc Kim Khôi, ốc Bàn Tay, ốc Sứ..., các loài rong có hàm lượng carrageenan (chất dùng trong công nghiệp thực phẩm, mỹ phẩm, dệt...) cao... Đặc biệt, rạn san hô có nguồn cá cảnh phong phú, có thể khai thác phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Chưa kể, rạn san hô với muôn hình muôn vẻ, màu sắc kỳ diệu, cùng hàng trăm loài sinh vật cảnh độc đáo còn là tiềm năng du lịch to lớn.

Sống chung với thuốc nổ

Trước đây các hệ sinh thái san hô, rừng ngập mặn, cỏ biển, bãi cát ven bờ… vừa là nguồn cung cấp thực phẩm cho con người, vừa là lá chắn bảo vệ con người trước hiểm họa thiên nhiên. Bây giờ, các hệ sinh thái này không còn như trước nữa…
PGS-TSKH Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang

Ở nước ta, rạn san hô phân bố ở hầu hết các vùng nước nông ven bờ, ven đảo có nền đáy chắc và rất giàu có ở các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Tuy nhiên, điều đáng buồn là hầu hết các rạn san hô vùng ven biển VN đã và đang bị đe dọa bởi hoạt động của con người; trong đó 50% số rạn xếp ở mức đe dọa cao, 17% ở mức rất cao. Kết quả nghiên cứu và giám sát tại 7 vùng trọng điểm ven bờ cho thấy, các rạn san hô đang diễn biến theo chiều hướng xấu và phần nhiều đang biểu hiện xu hướng suy thoái. Số rạn san hô trong tình trạng xấu hoặc rất xấu tăng lên theo thời gian: 14,8% (1994 - 1997), 50% (2000 - 2003)... Số rạn san hô chất lượng tốt giảm từ 33,3% (1994 - 1997) xuống 11,6% (2004 - 2007).

Trong số các nguy cơ hủy hoại hệ sinh thái rạn san hô, việc đánh bắt hủy diệt được coi là phổ biến và trầm trọng với trên 85% số rạn bị đe dọa ở mức trung bình và cao; khai thác quá mức được đánh giá là mối đe dọa lớn cho khoảng 50% số rạn; 47% số rạn bị đe dọa bởi lắng đọng trầm tích; 40% số rạn bị đe dọa do phát triển vùng ven biển...

Theo TS Võ Sĩ Tuấn, tình trạng khai thác quá mức sinh vật trên rạn dẫn đến nhiều loài cá, ốc ăn sao biển gai bị khai thác cạn kiệt. Vì vậy, sao biển gai (loài chuyên ăn san hô) phát triển rất nhanh, có nơi mật độ gấp vài chục lần so với bình thường; dẫn đến nguy cơ lớn đe dọa hủy diệt nhiều rạn san hô.  Đặc biệt nguy hiểm nhất là tình trạng khai thác hủy diệt (bằng chất nổ, chất độc) từng rất phổ biến ở nhiều tỉnh miền Trung như Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận. Theo các nhà nghiên cứu hải dương, khai thác sinh vật trên rạn san hô bằng thuốc nổ là cực kỳ nguy hiểm. Thuốc nổ chẳng những hủy diệt tất cả những gì có trong rạn, trong lòng đại dương, gây ô nhiễm môi trường, mà còn để lại hậu quả lâu dài đối với sự phục hồi và phát triển (vốn rất chậm) của san hô. 

Vỏ lon bia, đồ mỹ nghệ và... kè nuôi tôm  

 Trong khuôn khổ dự án khu vực “Ngăn chặn xu thế suy thoái môi trường biển Đông và vịnh Thái Lan”, mà VN là một trong 7 nước thành viên, nhóm làm việc quốc gia về rạn san hô VN đã soạn thảo kế hoạch hành động về quản lý rạn san hô đến năm 2015. Mục tiêu lâu dài của kế hoạch là ngăn chặn tình trạng suy thoái, bảo tồn, phục hồi và sử dụng hợp lý hệ sinh thái rạn san hô biển VN, nhằm bảo vệ đa dạng sinh học và nâng cao lợi ích từ việc sử dụng bền vững tài nguyên.

Một kiểu phá rạn san hô nữa là khai thác san hô chết (hay đá vôi san hô) để sản xuất vôi, xi măng, kè hồ nuôi tôm... Việc khai thác này không hợp lý làm mất ổ sinh thái của nhiều loài sinh vật sống dưới đáy biển, và làm xói lở rạn. Ở nhiều vùng, tình trạng khai thác san hô còn sống làm đồ mỹ nghệ (Khánh Hòa, Bình Thuận...) cũng làm giảm đáng kể độ che phủ của rạn cũng như số loài san hô. Ngoài ra, tình trạng tàn phá rừng trên đất liền kéo theo lượng nước ngọt và bùn đất trôi ra biển lớn hơn, xa hơn, cũng góp phần làm suy thoái nhiều rạn san hô. Một yếu tố khác gây suy thoái rạn san hô là ô nhiễm môi trường biển. Chất thải sinh hoạt (chai lọ, vỏ lon bia, rác thải...), chất thải công nghiệp... làm nước biển thiếu ô-xy, sinh sôi nhiều loài tảo độc và sinh vật có hại. Do tác động của chất thải, san hô sống kém phục hồi, thậm chí nhiều loài san hô kém thích nghi đã biến mất. Theo Ban quản lý Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang, các rạn san hô ở đây (được xếp vào loại đa dạng bậc nhất VN về thành phần giống loài san hô tạo rạn) đang bị đe dọa bởi chất thải từ sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, san lấp biển, cùng hơn 6.000 lồng bè nuôi hải sản. 

Ở góc độ khác, theo Viện Hải dương học Nha Trang, tình trạng suy giảm san hô ở Công viên biển Hòn Mun (vịnh Nha Trang) minh họa cho ảnh hưởng của hoạt động du lịch quá mức đối với rạn; khoảng 10% vùng rạn ở vịnh Nha Trang chịu tác động của neo tàu, chủ yếu ở những nơi có du khách bơi lặn. Theo tài liệu khoa học, có những khối san hô chỉ tăng trưởng khoảng 1 cm/năm, nghĩa là một khối san hô đường kính 1 mét có thể đã trải qua cuộc đời hàng thế kỷ. Nếu một chiếc neo, quả thuốc nổ phá hủy một khối san hô như vậy, thì hàng trăm năm sau thiên nhiên chưa chắc đã kiến tạo  lại được. 

 Rừng ngập mặn mất dần

Bụi cây rừng ngập mặn còn sót lại bên đìa tôm ảnh: Xuân Hòa

Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Đại, Trưởng phòng Thực vật biển thuộc Viện Hải dương học Nha Trang, rừng ngập mặn là hệ sinh thái đa dạng, có vai trò rất quan trọng, được ví như lá chắn xanh bảo vệ vùng cửa sông, cửa biển để chống xói lở, hạn chế tác hại của gió bão; mở rộng đất liền. Rừng ngập mặn còn được ví như một nhà máy lọc sinh học khổng lồ: nó không chỉ hấp thụ khí CO2 do hoạt động công nghiệp và sinh hoạt thải ra, mà còn sinh ra một lượng ô-xy rất lớn, làm cho bầu không khí trong lành. Về kinh tế, tài nguyên rừng ngập mặn rất đa dạng: gỗ, than, ta-nin, chim, thú và nhiều loài hải sản có giá trị xuất khẩu...

Thế nhưng, hơn 60 năm qua, rừng ngập mặn nước ta bị tàn phá rất nhiều do chiến tranh, khai thác gỗ, chất đốt; phá rừng ngập mặn để làm hồ nuôi tôm, cua, cá; làm đất nông nghiệp, đường sá, nhà cửa... Thậm chí có địa phương rừng ngập mặn đã “cơ bản bị xóa sổ”.

Rừng ngập mặn bị tàn phá đã làm suy giảm nghiêm trọng nguồn tài nguyên sinh học, nguồn lợi thủy hải sản bị suy kiệt. Việc phá rừng ngập mặn làm đìa tôm trước mắt có thể đem lại lợi nhuận hàng trăm tỉ đồng mỗi năm, nhưng hậu quả thì khôn lường. Mất rừng ngập mặn đẩy mạnh sự xâm nhập nước mặn vào đất liền, thúc đẩy quá trình xói lở, gây ô nhiễm đất và nguồn nước. Một thực tế dễ nhìn thấy là ở những nơi rừng ngập mặn bị tàn phá, lượng mưa giảm rõ rệt, không khí nóng bức hơn, bầu không khí bị ô nhiễm do lượng khí CO2 tăng.

Một nhà khoa học hải dương tính toán, ở nước ta, nếu xây hệ thống đê thay cho rừng ngập mặn bảo vệ bờ biển phải tốn kém khoảng... 10 tỉ USD, mà chưa chắc đã hiệu quả.

Xuân Hòa



PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo VN cho biết, cả nước hiện chỉ còn khoảng trên 155.290 ha rừng ngập mặn, giảm 100.000 ha so với trước năm 1990 và vẫn tiếp tục giảm nhanh. Tốc độ mất rừng ngập mặn do các hoạt động sản xuất trong giai đoạn 1985 - 2000 ước khoảng 15.000 ha/năm.

Trong khi đó, rạn san hô do bị khai thác quá mức đã suy thoái nghiêm trọng. Theo cảnh báo, 80% rạn san hô biển nước ta nằm trong tình trạng rủi ro, trong đó 50% ở tình trạng rủi ro cao. Tình trạng kể trên cũng diễn ra tương tự với với hệ sinh thái thảm cỏ biển. Tính liên kết chức năng hai chiều của hệ sinh thái biển - ven biển đang có chiều hướng bị phá vỡ.

Quang Duẩn

Xuân Hòa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.