Hủy quyết định cấm ô tô qua cầu Đại Lộc

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
01/04/2020 07:33 GMT+7

Sáng 31.3, từ phản ảnh của người dân, PV Thanh Niên có mặt tại hiện trường ghi nhận thực tế cơ quan chức năng cắm nhiều biển cấm ô tô đi lên cầu Đại Lộc (bắc qua sông Thạch Hãn) nối TP.Đông Hà và H.Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Trước đó, tối 30.3, trên mạng xã hội nhiều người dân chia sẻ hình ảnh về các biển cấm trên ở khu vực cầu Đại Lộc và bày tỏ thắc mắc, bức xúc. Trong số đó, nhiều ý kiến cho rằng việc cấm ô tô đi qua cây cầu này sẽ "buộc" người dân khi di chuyển ra QL1 phải qua Trạm thu phí BOT Trường Thịnh (đóng ở xã Triệu Giang, H.Triệu Phong) và phải nộp phí.

Thực hư thông tin cấm ô tô qua cầu Đại Lộc làm người dân hoang mang

Trả lời PV Thanh Niên sáng cùng ngày, ông Lê Như Tiến, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Trị, xác nhận việc cơ quan chức năng cắm biển cấm ô tô lên cầu Đại Lộc là do ngay dưới chân cầu này có tuyến đường chạy dọc sông với 1 hầm chui để lưu thông nhưng nay tuyến đường tránh TP.Đông Hà sẽ đổ vào đường này nên cần phải làm thêm 1 hầm chui nữa (tạo thành 2 làn đường). Từ đề xuất của chủ đầu tư dự án (Sở KH-ĐT), Sở GTVT đã đồng ý cấm ô tô qua cầu Đại Lộc 3 tháng để đảm bảo an toàn giao thông. Theo tính toán của chủ đầu tư và đơn vị thi công, họ chỉ làm cầu tạm để xe máy có thể đi qua mà thôi.
Tuy nhiên, chỉ khoảng 30 phút sau cuộc trao đổi trên, ông Lê Như Tiến chủ động liên lạc lại với PV Thanh Niên cho biết đã chỉ đạo dừng việc “cấm ô tô qua cầu Đại Lộc” và dừng luôn việc thi công, sau khi rà soát kỹ lại các yếu tố nhận thấy việc cấm ô tô chưa phù hợp.
Ông Tiến yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị thi công phải nghiên cứu phương án khác để làm sao việc thi công hầm chui diễn ra nhưng ô tô vẫn được lưu thông qua cầu. Chiều cùng ngày, Sở GTVT và chủ đầu tư dự án đã họp khẩn để điều chỉnh phương án. Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc BQL Dự án phát triển đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê Kông (Dự án GMS, Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Trị, đơn vị trình phương án thi công “cấm ô tô qua cầu Đại Lộc”), lý giải muốn thi công hầm chui thứ 2 ở dưới chân cầu phải phá tung cả mặt đường bên trên. Phương án ban đầu được Sở GTVT đồng ý là sẽ cho làm 1 đường dẫn (cầu tạm) thô sơ ngay trên phần mặt đường bị phá tung, để người đi bộ và xe đạp có thể qua lại, ô tô bị cấm. “Tuy nhiên, sau cuộc họp khẩn giữa chúng tôi và Sở GTVT vào chiều nay (tức chiều 31.3 - PV), sẽ có sự điều chỉnh theo hướng đường dẫn nêu trên sẽ được làm kiên cố hơn để ô tô cũng qua được”, ông Dũng nói.
Như vậy, kế hoạch thi công làn thứ 2 bên dưới cầu (có thể hình dung là "đục" thêm một lối đi đang bịt kín dưới cầu) sẽ phải dừng lại, cho đến khi làm xong đường dẫn kiên cố bên trên. Việc làm đường dẫn cũng chỉ phần nào gây trở ngại cho xe cộ lưu thông chứ không phải cấm hẳn, dễ khiến dư luận địa phương "nghi ngờ" có sự liên quan đến trạm BOT.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.