Chia sẻ rủi ro doanh thu với BOT: 'Không cẩn thận nhà nước thành con nợ'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
24/03/2020 17:00 GMT+7

Nhiều ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình với quy định cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu với doanh nghiệp dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong dự luật về hình thức đầu tư này.

Chiều 24.3, tiếp tục phiên họp 43, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn của luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Vấn đề được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm là cơ chế chia sẻ tăng, giảm doanh thu đối với các doanh nghiệp đầu tư dự án PPP.
Là người chủ trì phiên thảo luận, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm, ông đồng tình là phải chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp, song phải xác định rõ rủi ro tới mức độ nào thì nhà nước mới cần can thiệp, hỗ trợ chứ không thể hỗ trợ khi doanh nghiệp giảm doanh thu như dự thảo Luật.
“Nếu nhà nước chia sẻ rủi ro khi doanh nghiệp giảm doanh thu thì nguy hiểm. Không cẩn thận thì nhà nước thành con nợ. Nhất là khi không xác định chặt chẽ giá ban đầu. Rộng tay một chút thì sẽ rất khó khăn cho ngân sách nhà nước”, ông Hiển nói.
Từ đó, ông Hiển đề nghị nhà nước chỉ chia sẻ rủi ro khi doanh nghiệp lỗ, mất vốn, còn giảm doanh thu thì là rủi ro khi đầu tư, doanh nghiệp phải chấp nhận chứ không thể đòi hỏi nhà nước chia sẻ. “Tôi không đồng ý với việc chia sẻ rủi ro khi giảm doanh thu”, Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng cùng quan điểm. Theo ông Hải, nhà nước không nên bao sân quá nhiều. “Anh đầu tư thì anh phải tính toán. Nhà nước có trách nhiệm nhưng chủ đầu tư cũng phải có trách nhiệm. Những chủ đầu tư lớn, dài hạn thì thường họ cũng tính toán rủi ro rồi”, ông Hải nêu.
Tương tự, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, doanh nghiệp khi tham gia đầu tư bị giảm doanh thu lại được nhà nước chia sẻ rủi ro thì "không ổn". Bà Nga cũng đề nghị xác định rõ các căn cứ hỗ trợ của nhà nước trong giải phóng mặt bằng, tái định cư, công trình tạm khi triển khai các dự án.
Theo dự thảo Luật, nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP 50% phần giảm thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng đối với dự án PPP. Các loại hợp đồng áp dụng bao gồm: BOT, BTO, BOO.
Điều kiện chia sẻ rủi ro là khi quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi làm doanh thu thực tế thấp hơn mức doanh thu cam kết tại hợp đồng. Đồng thời, khi đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ hoặc điều chỉnh thời hạn hợp đồng PPP theo quy định, mà vẫn chưa bảo đảm được mức doanh thu quy định.

"Tôi là doanh nghiệp thì tôi chưa bỏ tiền ra đâu"

Một vấn đề khác cũng được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm là các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP quy định tại dự thảo Luật.
Cụ thể, dự thảo quy định 6 lĩnh vực gồm: giao thông vận tải; nhà máy điện, lưới điện; cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải; trụ sở cơ quan nhà nước; y tế, giáo dục - đào tạo; và hạ tầng công nghệ thông tin.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định trường hợp phát sinh dự án ngoài các lĩnh vực nêu trên thì báo cáo Thủ tướng quyết định với điều kiện cụ thể.
Về vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, lĩnh vực đầu tư đã thu gọn so với tờ trình của Chính phủ, nhưng vẫn rộng.
"Nếu làm rộng thế này thì e rằng, ta sẽ đi theo hướng ngân sách tham gia nhiều lĩnh vực hoạt động của tư nhân", ông Hiển nói. Ngược lại, ông Hiển cho rằng, dự thảo quy định lĩnh vực đầu tư trụ sở cơ quan nhà nước được đưa vào để thực hiện theo hình thức đầu tư PPP là “vẫn rộng”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, cần xác định rõ căn cứ nào để lựa chọn 6 lĩnh vực cho phép đầu tư theo phương thức đối tác công tư như dự Luật quy định

Ảnh Gia Hân

Tương tự, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga băn khoăn không hiểu căn cứ nào để lựa chon 6 lĩnh vực trong dự thảo. “Tôi đồng tình với Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển là các lĩnh vực đầu tư quá rộng. Điều quan trọng là căn cứ nào để lựa chọn. Thêm nữa, lại có ngoại lệ, giao Chính phủ quyết định, trong đó có điều kiện là "khả thi hơn đầu tư công". Căn cứ nào để nói là nửa công nửa tư thì khả thi hơn đầu tư công để quyết định?”, bà Nga nêu một loạt câu hỏi.
Cho ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, có nhiều vấn đề của dự thảo Luật cần phải được rà soát, xem xét lại. Bà Ngân phân tích, luật này ra đời là để khuyến khích doanh nghiệp tự nhân tham gia vào đầu tư các dự án đối tác công tư. Trước khi có luật này, chúng ta đã thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia các dự án BOT, nhưng sau đó do quản lý yếu kém dẫn đến nhiều vướng mắc.
“Ra luật này có thu hút được khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào các dự án đối tác công tư hay không, đó mới là vấn đề. Nhưng nếu tôi là doanh nghiệp, tôi đọc dự thảo luật này thì tôi chưa bỏ tiền ra đâu”, bà Ngân nói.
Do còn nhiều vấn đề cần xem xét, rà soát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đưa vấn đề này ra thảo luận tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sắp tới, đồng thời sẽ cho ý kiến một lần nữa vào phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 4, trước khi trình ra Quốc hội vào kỳ họp tháng 5.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.