'Nông dân thua lỗ thì bảo ráng chịu mà BOT lại chia sẻ rủi ro doanh thu'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
16/09/2019 16:58 GMT+7

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình băn khoăn về cơ chế chia sẻ rủi ro mà Chính phủ đề xuất trong dự luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Nhà nước chia sẻ 50% hụt thu

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, thực tiễn triển khai các dự án PPP trong thời gian qua cho thấy việc đầu tư theo phương thức này PPP tại nước ta vẫn còn nhiều rủi ro.
Trong số đó, có những rủi ro của thị trường, nhưng cũng có nhiều rủi ro xuất phát từ các quyết định hành chính của phía nhà nước (quyết định bỏ trạm hoặc xả trạm, điều chỉnh quy hoạch, cơ chế giá, phí, chính sách ngoại tệ…) làm ảnh hưởng doanh thu dự án.
Từ đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng, việc xem xét có cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu, bao gồm rủi ro của thị trường và rủi ro có nguyên nhân từ các tác động của quyết định hành chính là cần thiết.
Theo ông Dũng, dự thảo luật thiết kế “cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu” mà qua thông qua cơ chế này, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được chia sẻ một phần rủi ro khi dự án hụt thu trong thực tế. Bên cạnh đó, cho phép Chính phủ được nhận lại phần chia sẻ khi dự án tăng thu.
Cụ thể, tờ trình của Chính phủ đề xuất cơ chế: Chính phủ cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện dự án không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Còn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.
Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, ủy ban này nhận thấy cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa hai bên (công và tư) trong thực hiện dự án PPP là giải pháp có thể xem xét áp dụng nhằm hài hòa lợi ích của các bên, cũng như nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên trong thực hiện dự án PPP với vai trò là các đối tác trong hợp đồng PPP.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư

Ảnh Gia Hân

Tuy nhiên, ông Thanh đề nghị, để xử lý các rủi ro liên quan đến cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu ngay tại dự thảo luật, bảo đảm tính công khai, minh bạch của dự thảo luật này, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về cơ chế chia sẻ rủi ro, cũng như quy định rõ hơn về cơ chế áp dụng đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

"Sao ký sai rồi lại chia sẻ rủi ro?"

Nêu ý kiến sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga băn khoăn, tại sao lại đặt vấn đề về cơ chế rủi ro về doanh thu trong lĩnh vực này. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, ở đây là vấn đề trong hợp đồng thôi nên nếu để cơ chế này là "rất dở". Dẫn ví dụ các dự án BOT, bà Nga cho rằng, bản chất các dự án BOT là hợp đồng, do đó, khi ký hợp đồng thì cơ quan nhà nước phải ký cho đúng, chứ không phải làm sai rồi lại chia sẻ rủi ro.
“Khi nhà nước ký hợp đồng với doanh nghiệp thì đồng ý đặt trạm BOT ở cái chỗ người ta không đi mà lại bắt người ta phải trả tiền thì phải điều chỉnh bằng cách phải ký cho nó đúng, chứ không phải đặt cái trạm không hợp lý, không được thu ở trạm đó nữa thì lại tính đi chia sẻ rủi ro”, bà Nga nêu, và cho rằng, quy định thế này không hợp lý vì từ khi làm hợp đồng đã không hợp lý rồi.
Cùng băn khoăn về cơ chế này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đề nghị cần phải đánh giá lại cơ chế chia sẻ rủi ro được đề xuất trong dự thảo luật.
“Chúng ta là nước nông nghiệp nhưng đối với nông dân chúng ta đã có chính sách chia sẻ rủi ro với nông nghiệp chưa mà bây giờ đến vấn đề PPP ta lại đặt ra vấn đề chia sẻ rủi ro? Trong khi nông nghiệp vẫn cảm thấy chưa chia sẻ rõ với nông dân về rủi ro. Hàng năm, khi nông dân gặp vấn đề xong thì ta nói tại thị trường như thế, nông dân ráng mà chịu”, ông Bình nêu, và cho rằng, đây là vấn đề cần phải lưu tâm.

Theo số liệu tại Báo cáo của Chính phủ về tổng kết tình hình thực hiện dự án PPP, tính đến thời điểm hiện tại, có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng (trong đó, 140 dự án áp dụng loại hợp đồng BOT, 188 dự án áp dụng loại hợp đồng BT và 8 dự án áp dụng các loại hợp đồng khác). Thông qua đó, huy động được khoảng 1.609.295 tỉ đồng vào đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia.

Những dự án PPP (loại hợp đồng BOT, BT...) trong thời gian đầu triển khai tuy còn có các hạn chế, tồn tại nhưng các công trình, dịch vụ có được từ các dự án PPP đã góp phần tích cực hoàn thiện số lượng, chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, hạ tầng đô thị, xử lý nước thải, rác thải..., kịp thời giải quyết các nhu cầu bức xúc về dịch vụ công của người dân và nhu cầu cấp bách về cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội đất nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kích cầu đối với sản xuất trong nước.  

Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thì năm 2017, chất lượng cơ sở hạ tầng tổng thể của Việt Nam đứng ở vị trí thứ 79, tăng 2 bậc so với năm 2014 (xếp thứ 81), tăng 16 bậc so với năm 2012 (xếp thứ 95), tăng 44 bậc so với năm 2010 (xếp thứ 123).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.