Bệnh viện BOT ở Cà Mau bị ngân hàng đòi nợ, đứng trên bờ vực... phá sản

06/09/2019 16:33 GMT+7

Cà Mau thu hồi 1.706 m 2 đất nằm trong khuôn viên Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Cà Mau cho Bệnh viện 200 giường thuê nhưng hiện bệnh viện này đang trước nguy cơ phá sản, mất khả năng trả nợ ngân hàng .

Ngày 6.9, theo nguồn tin của PV Thanh Niên, ông Lưu Anh Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty dịch vụ 200 giường (Bệnh viện 200 giường), có văn bản gửi đến UBND tỉnh Cà Mau và Sở Y tế tỉnh này nêu rõ về tình hình hoạt động của Bệnh viện 200 giường bị ngân hàng kiện đòi nợ, đứng bên bờ vực phá sản.

Bệnh viện hình thức BOT đầu tiên của Cà Mau bên bờ vực phá sản

Thời điểm xây dựng đi vào hoạt động Bệnh viện 200 giường, ông Lưu Anh Tài là Giám đốc BVĐK tỉnh Cà Mau đồng thời kiêm nhiệm Chủ tịch HĐQT Công ty CP dịch vụ 200 giường (chức vụ theo sự phân của cấp trên).

Ông Tài trình bày trong văn bản, ông thôi chức giám đốc BVĐK tỉnh Cà Mau vào năm 2016 nên ông không hỗ trợ điều hành Bệnh viện 200 giường như trước. "Tuy nhiên nợ gốc và lãi của Ngân hàng Vietcombank tôi phải liên tục đối phó. Trong khi đó, hoạt động của Bệnh viện 200 giường thu không đủ trả cho ngân hàng nên Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Cà Mau đã kiện ra tòa", văn bản của ông Tài nêu.

Theo đó, ngày 27.2.2019, Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh tỉnh Cà Mau kiện Công ty CP dịch vụ 200 giường đòi số nợ gốc và lãi 16,6 tỉ đồng. Sau đó tại TAND TP.Cà Mau, Ngân hàng Vietcombank và Công ty CP 200 giường có thỏa thuận đến ngày 31.8.2019 BV 200 giường phải trả số nợ trên.

Đứng trước tình hình phá sản của Bệnh viện 200 giường, ngày 30.8, Bệnh viện 200 giường tổ chức họp cổ đông. Đa số cổ đông đề nghị cổ đông lớn đứng ra chịu trách nhiệm phần nợ gốc và lãi ngân hàng; tái cơ cấu lại bệnh viện để hoạt động hiệu quả hơn, có thể đảm bảo quyền lợi của cổ đông. Đồng thời đề nghị Sở Y tế, Giám đốc BVĐK tỉnh Cà Mau xem xét giải quyết vướng mắc của Bệnh viện 200 giường.

Ngày 6.9, trao đổi qua điện thoại, ông Trần Hồng Quân, Phó chủ UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: "UBND tỉnh đã có chỉ đạo các sở ngành liên xem xét lại các điều khoản trong hợp đồng đã ký trước đây giữa BVĐK tỉnh Cà Mau và Bệnh viện 200 giường. Do có những điều khoản không hợp lý, xem xét ký lại, điều chỉnh lại rồi thực hiện tiếp thôi. Đây là doanh nghiệp tư nhân, họ vay ngân hàng là chuyện của họ, UBND tỉnh không can thiệp".

Ông Quân cũng cho biết thêm, trước đây, tỉnh có ý là mua lại Bệnh viện 200 giường vì BVĐK tỉnh Cà Mau quá tải nhưng có vài ý kiến cho rằng đơn vị tư nhân làm ăn không hiệu quả.

Còn ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau, cho biết: "Chúng tôi đã hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho Bệnh viện 200 giường rồi. Còn việc nợ của đơn vị đó là câu chuyện khác, Sở Y tế và BVĐK tỉnh Cà Mau không tham gia".

Thu hồi đất của bệnh viện công cho 'Bệnh viện BOT' thuê

Tháng 7.2012, UBND tỉnh Cà Mau có quyết định thu hồi 1.706 m2 đất nằm trong khuôn viên BVĐK Cà Mau, thuộc quyền quản lý của Sở Y tế cho Bệnh viện 200 giường thuê. Và Bệnh viện 200 giường được xây dựng ngay trong khuôn viên BVĐK tỉnh Cà Mau. 

Ngày 7.10.2013, UBND tỉnh Cà Mau ký quyết định phê duyệt Đề xuất dự án đầu tư xây dựng Khu điều trị theo yêu cầu theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Và công ty này được miễn tiền thuê đất đến năm 2042. 

Bệnh viện 200 giường được xây dựng với vốn đầu tư gần 40 tỉ đồng, trong đó huy động cán bộ công nhân viên BVĐK tỉnh Cà Mau góp vốn 15,4 tỉ đồng; vốn vay ngân hàng trên 24 tỉ đồng bằng tài sản thế chấp là Bệnh viện 200 giường. Bệnh viện được đưa vào sử dụng từ ngày 30.9.2014.

Bệnh viện 200 giường ký hợp đồng với BVĐK tỉnh Cà Mau ăn chia theo tỷ lệ 9:1 (Bệnh viện 200 giường 90%, BV đa khoa Cà Mau 10%) được thanh toán 3 tháng/lần. Trong hợp đồng ký kết cũng được nêu, dịch vụ khám chữa bệnh ở Bệnh viện 200 giường do Giám đốc BVĐK tỉnh Cà Mau đề xuất thành lập khoa dịch vụ đồng thời chịu trách nhiệm phụ trách và thu theo quy định. Chuyên môn, con người và trang thiết bị cũng do BVĐK tỉnh Cà Mau đảm trách. Còn Bệnh viện 200 giường có trách nhiệm cung ứng dịch vụ giường bệnh và chỉ được thu giá dịch vụ giường bệnh theo quy định; thời gian khai thác là 30 năm.

Theo báo cáo ngày 8.2.2018 của BVĐK tỉnh Cà Mau, từ năm 2014 đến năm 2017, tổng doanh thu trước thuế của Bệnh viện 200 giường là 26,6 tỉ đồng, trong đó, năm 204 là 4,4 tỉ đồng; năm 2015 là 8,2 tỉ đồng, năm 2016 là 8,4 tỉ đồng, năm 2017 là 5,4 tỉ đồng. Số tiền mà BVĐK tỉnh Cà Mau nhận trong năm 2014 là 4,3 triệu đồng, năm 2015 là 222 triệu đồng, năm 2016 là 184 triệu đồng và năm 2017 là 12 triệu đồng.

Được biết, ông Lưu Anh Tài cũng xin thôi chức Chủ tịch HĐQT công ty CP dịch vụ 200 giường khi ban quản trị mới đi vào hoạt động.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.