Theo đó, xét kiến nghị của Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã đồng ý hủy vay trước hạn số tiền 390 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để làm dự án metro số 2. Khoản vay này trước đó được đại diện Việt Nam và ADB ký kết tại hiệp định vay vốn 2956-VIE.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính làm việc với ADB để thống nhất việc hủy vay vốn trước hạn. UBND TP.HCM được yêu cầu bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để thanh toán các chi phí phát sinh liên quan đến việc hủy vay vốn trước hạn. Đồng thời, TP.HCM chịu trách nhiệm tính toán và huy động nguồn vốn bù đắp phần thiếu hụt cho dự án; rà soát, đánh giá khả năng, tiến độ thực hiện dự án nhằm bảo đảm triển khai đúng tiến độ, tránh việc phải trả nhiều phí cam kết hoặc hủy vốn nhiều lần làm giảm hiệu quả nguồn vốn vay.
Trao đổi với Thanh Niên về việc sắp xếp vốn cho dự án, ông Lê Văn Khoa, Giám đốc tuyến metro số 2 (Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM - MAUR), cho biết việc hủy vay trước hạn 390 triệu USD từ ADB không ảnh hưởng gì đến nguồn vốn cũng như tiến độ của dự án. Do khoản vay cũ đã kéo dài, thủ tục nội bộ của ADB không thể gia hạn thêm nên phải hủy khoản vay cũ. Điều này đã được tính toán trong tổng mức đầu tư điều chỉnh.
"ADB đã thống nhất tài trợ cho dự án bằng khoản vay mới và bổ sung thêm vốn tăng. Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã ký biên bản ghi nhớ với Ngân hàng này. Hiện nay UBND thành phố đang làm việc với Bộ Chính trị để báo cáo Chính phủ về thủ tục thẩm định để đàm phán khoản vay mới. MAUR sẽ sớm có thông tin chính thức về nội dung chi tiết liên quan việc ký kết khoản vay mới" - vị này nói.
Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 được xúc tiến từ khoảng năm 2010, với số vốn được duyệt ban đầu khoảng 1,3 tỉ USD, dự kiến 2020 hoàn thành. Sau đó, vì nhiều lý do, metro số 2 liên tục xin lùi đích tới năm 2024 và hiện đang "chốt" mốc thời gian hoàn thành vào năm 2026.
Do thời gian bị chậm trễ kéo dài, các nhà tài trợ gồm Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) đã xác định lại tổng mức đầu tư dự án tuyến metro Bến Thành - Tham Lương tăng lên gần 2,1 tỉ USD (khoảng 48.000 tỉ đồng). Công tác điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án đã được cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương và phê duyệt vào cuối năm 2019. Hiện nay, các đơn vị đang phấn đấu cơ bản hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2020, song song với việc chuẩn bị và triển khai việc thiết kế di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi ảnh hưởng của dự án. Song song, đẩy nhanh công tác đấu thầu các gói thầu thi công và tư vấn giám sát để có thể khởi công dự án trong năm 2021 theo đúng chỉ đạo của Thành ủy và UBND thành phố.
Bình luận (0)