Metro số 2 'vượt ải' giải phóng mặt bằng

24/08/2020 06:12 GMT+7

Dù chưa đạt tiến độ theo đúng kỳ vọng nhưng nhiều tín hiệu khả quan trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng hứa hẹn tuyến metro số 2 có thể khởi công đúng hẹn vào năm 2021.

Người dân tự nguyện dỡ nhà, bàn giao mặt bằng

Từ đầu năm đến nay, dù dịch bệnh Covid-19 liên tục gây khó khăn nhưng các quận, huyện cùng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) vẫn ráo riết thực hiện công tác vận động giải phóng mặt bằng (GPMB) cho tuyến metro số 2 (tuyến Bến Thành - Tham Lương). Trên hơn 11 km dọc tuyến đi ngang khu vực Q.10, Q.Tân Bình, đặc biệt là đoạn Trường Chinh giáp ngã tư Bảy Hiền (Q.Tân Bình) lúc nào cũng cấp tập hình ảnh kỹ sư, cơ quan chức năng đo, vẽ, thống kê diện tích bàn giao mặt bằng.
Giữa mùa dịch, nhiều công trình, hộ gia đình đã tự thuê công nhân, máy móc về tháo dỡ nhà để bàn giao mặt bằng cho UBND quận. Nhà dân sau khi giải tỏa sẽ xây lùi vào khoảng 10 m so với lộ giới hiện hữu. Một số hộ đã lập tức sửa chữa lại nhà theo quy hoạch mới, trong khi một số khác vẫn còn ngổn ngang gạch, đá.
Theo thông tin từ MAUR, tuyến số 2 đi qua địa bàn 6 quận gồm 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú. Tổng diện tích thu hồi mặt bằng là 251.136 m2, với 603 trường hợp bị ảnh hưởng. Đến nay, các quận đã cơ bản hoàn tất thủ tục ban hành quyết định bồi thường 590/603 trường hợp (đạt 97,84%), trong đó, Q.1, Q.Tân Bình, Q.Tân Phú đạt 100%. Tỷ lệ bàn giao mặt bằng đạt 43,95% (265/603 trường hợp). Mới đây, UBND Q.10 và MAUR đã tiến hành kiểm tra thực địa, thực hiện các thủ tục bàn giao mặt bằng xây dựng nhà ga S5 - Lê Thị Riêng. Mặt bằng bị ảnh hưởng có diện tích hơn 2.300 m2 đã được giải phóng xong, sẵn sàng để UBND Q.10 bàn giao cho MAUR di dời hạ tầng kỹ thuật, triển khai thực hiện dự án.
Tại Q.12 có 11 trường hợp bị ảnh hưởng và hiện các hộ dân này đã đồng thuận và nhận quyết định bồi thường đã ban hành. UBND Q.12 đang làm các thủ tục để bàn giao mặt bằng.
Là địa phương có số hộ dân “dính” GPMB nhiều nhất, UBND Q.Tân Bình đã giao mặt bằng 2/6 nhà ga, gồm nhà ga S10 (Phạm Văn Bạch) và S11 (Tân Bình) cho MAUR. Đại diện UBND Q.Tân Bình cho biết để có được sự đồng thuận của người dân, yếu tố quyết định là chính sách của nhà nước. Ngoài chi phí đền bù hợp lý, cần giải thích rõ cho người dân về ý nghĩa của dự án và những lợi ích mà bản thân các hộ dân sẽ được hưởng sau khi tuyến metro số 2 hình thành. Hiện UBND quận đang gấp rút hoàn thành các thủ tục để tiếp tục bàn giao thêm một mặt bằng nhà ga nữa cho MAUR trong tháng này.
Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc tuyến metro số 2 (MAUR), cho biết do quá trình thông qua thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư diễn ra quá lâu, tuyến metro số 2 đã buộc phải tiếp tục điều chỉnh mốc thời gian về đích của dự án từ năm 2024 - 2026 cho phù hợp với thực tế. Vấn đề pháp lý vướng mắc nhất là công tác điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án đã được cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương và phê duyệt vào cuối năm 2019. Trở ngại lớn nhất hiện nay vẫn là công tác GPMB.

Nhiều bài học từ tuyến số 1

Được đánh giá là lời giải cho bài toán giao thông của TP.HCM hiện nay, mỗi động thái của tuyến metro số 1 nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân TP. Tuy nhiên, tuyến số 1 liên tục lùi đích, chật vật gần 15 năm chưa thể về đích khiến không ít lo ngại tuyến số 2 cũng sẽ không thoát khỏi vòng luẩn quẩn ì ạch trễ tiến độ.
TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức, cho rằng dự án tuyến metro số 2 là một trong những dự án quan trọng trong hệ thống giao thông của TP nói chung cũng như hệ thống đường sắt đô thị nói riêng. Với đặc điểm hướng tuyến trong giai đoạn 1 đi từ Bến Thành đến Tham Lương, khi đi vào hoạt động, tuyến metro số 2 sẽ giải tỏa lượng lớn các phương tiện lưu thông trên đường Cộng Hòa, Trường Chinh, QL22..., những tuyến đường vốn đang là điểm nóng ùn tắc.
Kết nối cùng tuyến metro số 1, 2, tuyến đường sắt đô thị này sẽ tạo ra 1 hành lang giao thông công cộng sức chở lớn đi từ tây bắc qua trung tâm TP về phía đông bắc, hỗ trợ rất nhiều cho mạng luới giao thông hiện hữu của TP.HCM.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, có rất nhiều bài học từ tuyến metro số 1 mà MAUR cần rút kinh nghiệm nếu muốn đảm bảo tiến độ của tuyến metro số 2. Ngoài vấn đề GPMB, quy trình duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công cần dự toán thật kỹ. Tuyến metro số 1 phải điều chỉnh tổng vốn đầu tư gấp 2,5 lần không chỉ do thời gian triển khai thi công kéo dài, đơn giá thay đổi mà còn do trong quá trình thi công phát sinh thêm nhiều hạng mục mới, buộc phải thêm vào nếu muốn tuyến này hoạt động hiệu quả. Trong khi đó, đây đều là những công trình lớn, trọng điểm quốc gia, muốn điều chỉnh vốn phải thông qua Chính phủ, Quốc hội, thủ tục rất nhiêu khê. Do đó, tuyến số 2 cần rất cẩn trọng, kỹ lưỡng trong mọi tính toán để tránh phát sinh thêm các hạng mục dẫn đến “đội vốn”.
“Ngoài ra, thiếu sót rất lớn của tuyến số 1 là không tính toán mô hình phát triển xung quanh nhà ga dọc hành lang theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng), đến khi gần hoàn thành mới bắt đầu xem xét, thực hiện từng phần. Đối với tuyến số 2, ngay từ đầu phải tính toán kết nối các phương tiện giao thông công cộng khác như xe buýt, taxi... kết nối cả phương tiện cá nhân như xe máy, xe đạp... Đồng thời, quy hoạch phát triển đô thị dọc hành lang, đặc biệt là kết nối các cao ốc, văn phòng, nhà ở, khu trung tâm thương mại... xung quanh khu vực nhà ga”, TS Vũ Anh Tuấn lưu ý.

[FLYCAM] Dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên nhìn từ trên cao

Cơ bản hoàn tất GPMB trong năm 2020

Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc tuyến metro số 2, thông tin: “Các đơn vị đang liên kết cùng nỗ lực phấn đấu cơ bản hoàn tất công tác GPMB trong năm 2020, song song với việc chuẩn bị và triển khai việc thiết kế di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi ảnh hưởng của dự án. Công tác đấu thầu các gói thầu thi công và tư vấn giám sát sẽ được tổ chức từ cuối năm nay, ký hợp đồng và khởi công dự án trong năm 2021 theo đúng chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP”. 

Hoàn lại hơn 4.100 tỉ đồng tạm ứng tuyến metro số 1 cho ngân sách TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.