Thông tin trên được đại diện TP.HCM báo cáo tại Hội nghị trực tuyến sơ kết và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài năm 2020, do Bộ Tài chính tổ chức sáng nay, 25.6.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đô thị số 1 (Metro số 1 đoạn Bến Thành - Suối Tiên) có tổng mức đầu tư (đã điều chỉnh) hơn 43.757 tỉ đồng; thời gian hoàn thành công trình đưa vào khai thác quý 4/2021; tổng chiều dài khoảng 19,7 km với 3 ga ngầm và 11 ga trên cao.
Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 (Metro số 2) có tổng mức đầu tư 47.890 tỉ đồng giai đoạn 1 (Bến Thành - Tham Lương); giai đoạn 2 khoảng 1,482 tỉ USD và giai đoạn 3 là 2,714 tỉ USD; tổng chiều dài toàn tuyến 48 km. Hai dự án này được vay vốn của JICA (Nhật Bản), Ngân hàng châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB)… Tuy nhiên, cả 2 dự án đều đang bị chậm tiến độ, vốn vay không thể giải ngân.
Trước đó, báo cáo về tình hình giải ngân chung về vốn vay nước ngoài, Bộ Tài chính cho biết, riêng đối với TP.HCM, tỷ lệ giải ngân hiện mới đạt 4,13% so với kế hoạch. Thành phố đang có vướng mắc về việc hoàn ứng cho 3 dự án gồm: Metro 1 đoạn Bến Thành - Suối Tiên; Cải thiện môi trường nước giai đoạn 2; Vệ sinh môi trường TP.HCM trị giá 4.600 tỉ đồng.
Trường hợp UBND TP, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp giải quyết dứt điểm việc xác định giá trị cấp phát cho tuyến đường sắt số 1 Bến Thành - Suối Tiên và hoàn thành các thủ tục hoàn ứng thì tỷ lệ giải ngân chung sẽ nâng lên mức khoảng 40%.
|
Chưa thể đưa chuyên gia sang làm việc vì Covid-19
Tại hội nghị, bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, cho biết tính đến tháng 6.2020 TP.HCM đang triển khai 9 dự án sử dụng vốn vay nước ngoài với tổng vốn 122.000 tỉ đồng. Luỹ kế giải ngân kiểm soát chi mới đạt 1.601 tỉ đồng, bằng 10,31% kế hoạch vốn được giao. Tốc độ giải ngân này được TP.HCM đánh giá còn chậm, thấp hơn giải ngân vốn đầu tư công nói chung.
“Nguyên nhân do TP.HCM đang trình Thủ tướng điều chỉnh thời gian triển khai dự án, thẩm định điều chỉnh lại thiết kế cơ sở của tuyến Metro số 1 và 2. Hiện nay mới được phê duyệt kế hoạch lựa chọn và tổ chức đầu thầu, một số gói thầu phải huỷ đấu lại. Ngoài ra, do thời gian thực hiện kéo dài nên thành phố phải đàm phán lại hợp đồng đã ký cho phù hợp thực tế giải quyết tranh chấp liên quan tới hợp đồng”, bà Hà nói.
Về yếu tố khách quan, theo Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, do ảnh hưởng của Covid-19 nên các dự án trên vẫn chưa thể đưa chuyên gia nước ngoài vào làm việc. Bên cạnh đó, tại tuyến Metro số 2 công tác giải phóng mặt bằng diễn ra chậm.
Về giải pháp xử lý, theo lãnh đạo Sở Tài chính TP.HCM, vừa qua thành phố đã làm việc với đoàn công tác của Bộ Tài chính. Đối với dự án Metro số 1, đề nghị Bộ Tài chính sớm có văn bản gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư để thống nhất lại giá trị vốn vay ODA; Bộ Tài chính chấp thuận để TP.HCM được hoàn vốn đã ứng trước cho dự án hơn 4.419 tỉ đồng.
Đối với Metro số 2 giai đoạn 1 (Bến Thành - Tham Lương), đề nghị gia hạn thời gian giải ngân 30.12.2016 và điều chỉnh khoản vay; thẩm định hồ sơ cho vay lại ký hiệp định bổ sung cho vay...
Bình luận (0)