(iHay) Ngày tôi đến Lý Sơn, hòn đảo này hãy còn hoang sơ lắm. Mọi thứ ở đây đều dân dã và thô sơ đến độ tưởng chừng như nằm ngoài quy luật phát triển chung của cuộc sống vậy. Sau hơn 1 giờ đi tàu từ xã Tịnh Khê, tôi đặt bước chân đầu tiên lên Lý Sơn với tâm trạng phấn chấn và hào hứng chưa từng có.
|
Nằm cách đất liền chưa đầy 25 km, huyện đảo Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi, có diện tích chưa đầy 10 km vuông, bao gồm cả hai hòn đảo với tên gọi vô cùng đơn giản: Đảo Lớn và Đảo Bé. Sau hơn một giờ lênh đênh trên biển thì tàu cập cảng Lý Sơn. Lý Sơn thanh bình và yên tĩnh đến nỗi bạn sẽ dễ dàng quên đi những khái niệm về thời gian bởi khung cảnh thiên nhiên và con người nơi đây cứ mãi cuốn hút bạn vào những điều tuyệt diệu nhất.
Yên bình Đảo Lớn
Tôi thuê phòng ở một nhà nghỉ nhỏ trên đảo Lớn với hướng nhìn thẳng ra cánh đồng tỏi bạt ngàn, xa xa là mênh mông biển cả. Những buổi chiều tôi thường mở toang cánh cửa sổ để tận hưởng không khí trong lành và hít lấy hít để cái mùi hoa tỏi thơm nồng nhưng thật dễ chịu. Đến giờ, tôi vẫn không sao quên được cảm giác bình yên khi chạy xe vòng quanh những cánh đồng tỏi, xa xa là những hàng dừa cao vút đung đưa trong gió.
Tôi thích cảm giác nhìn đâu cũng thấy biển. Cứ chạy một đoạn thì trước mặt là biển, cứ thế tôi lang thang khắp các ngã đường và ghé thăm gần hết những điểm tham quan trên đảo. Buổi sáng tôi dậy thật sớm để đón bình minh trên đỉnh núi Thới Lới, ngọn núi cao nhất Lý Sơn. Từ đây, có thể phóng tầm mắt ra xa và ngắm nhìn toàn đảo với những ngôi làng chài bé nhỏ nép mình bên sườn núi hay đỉnh núi Giếng Tiền nằm đối diện. Núi Giếng Tiền nổi tiếng bởi loại đất đỏ dùng để làm phân bón tỏi. Người dân Lý Sơn thường lấy đất đỏ trên đỉnh núi hòa với cát biển để rải trên những ruộng tỏi. Chính hỗn hợp này đã làm nên hương vị tỏi trứ danh của hòn đảo xinh đẹp mang tên Lý Sơn.
|
Tôi ghé chùa Hang vào một buổi chiều muộn khi ánh hoàng hôn bắt đầu dát những tia sáng đỏ au trên mặt biển càng làm cho ngôi chùa vốn trầm mặc càng trở nên huyền bí. Nép mình trong một hốc đá với chiều cao trần hang hơn 3 m, chiều rộng cửa hang hơn 20 m, ăn sâu vào lòng núi gần 25 m, Chùa Hang chính là “Thiên Khổng thạch tự” đã tồn tại hơn 300 năm và không chỉ là nơi thờ Phật Di Đà hay sư tổ Đạt Ma mà còn thờ các vị thủy tổ phụng sự chùa và 7 vị tiền hiền làng An Hải.
Chùa còn được biết đến với tên gọi chùa Không sư bởi từ khi thành lập, ngôi chùa này chưa có vị sư nào trụ trì được trong thời gian dài, chỉ vài tháng rồi lặng lẽ ra đi không ai hiểu lý do. Ngày ngày, chùa được người dân địa phương thay nhau trông nom, quét dọn và hương khói. Vì lẽ đó, mà những giai thoại về chùa Hang vẫn luôn là những câu chuyện đầy bí ẩn mà ai cũng một lần muốn nghe. Tôi ngồi đó, dưới những cây bàng cổ thụ hàng trăm năm tuổi trước cửa hang và nhìn ra hồ sen trắng muốt, phía xa là mênh mông biển cả để tận hưởng cảm giác yên bình chưa bao giờ có. Đảo Lớn còn có chùa Bục cổ kính với tượng Quán Thế Âm cao 27m hay Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa Bắc Hải, nơi triển lãm các tư liệu về chủ quyển biển đảo Hoàng Sa và Đội Hoàng Sa Bắc Hải khi xưa.
Hoang sơ Đảo Bé
Mỗi ngày đều có chuyến tàu sang Đảo Bé vào buổi sáng và về lại Đảo Lớn vào buổi chiều cùng ngày. Khi tàu còn chưa cập cảng Đảo Bé, tôi thật sự xúc động với hình ảnh những chiếc tàu neo xung quanh đảo với những lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió đỏ rợp cả một góc trời để rồi tôi gần như lặng người: “Ôi, Tổ quốc có bao giờ đẹp hơn thế?”
Đảo Bé chỉ vỏn vẹn hai con đường không tên được tráng xi măng và cắt nhau tại vị trí trung tâm đảo. Đi bộ từ cầu cảng đến cuối đường bạn chỉ mất vỏn vẹn chưa đầy 10 phút, con đường sẽ dẫn bạn đến một bãi tắm nhỏ với cát trắng mịn và nước trong xanh thấu đáy. Hình như trong đời, tôi chưa từng thấy một bãi tắm nào hoang sơ và đẹp nao lòng đến như thế. Lúc tôi đến đảo Bé, bà con trên đảo đang thu hoạch tỏi, tôi cũng nhanh tay tham gia và rất hào hứng với công việc của một người nông dân chính hiệu.
|
Ở đảo Bé hai ngày, tôi gặp và nói chuyện với hầu hết người dân trên đảo. Họ thật hiền hậu và mến khách. Tôi thích những bữa ăn trên đảo với thực đơn toàn đặc sản biển khơi. Nếu có dịp đến đây, bạn phải thử cho bằng được món gỏi tỏi trứ danh bởi phải là tỏi chính gốc Lý Sơn trộn với mực tươi vừa bắt lên thì món ăn mới ngon và đúng điệu. Chia tay Đảo Bé khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống. Cả đảo bắt đầu nhuốm một màu đỏ nổi bật trên nền biển xanh biếc. Lạ lắm, biển vẫn xanh! Tôi chần chữ mãi mới quyết định bước lên tàu vì còn mãi tiếc nuối chưa được nằm bên bờ biển và đọc một quyển truyện yêu thích của riêng mình.
Chuyến tàu buổi sáng khởi hành từ Đảo Lớn Lý Sơn chở tôi về mang theo những kỷ niệm khó quên về một vùng đất của thiên nhiên hoang sơ và những con người nồng hậu.
Thông tin thêm: - Từ TP.HCM có nhiều cách để đến Lý Sơn. Bạn có thể đi máy bay, tàu hay xe đến Quảng Ngãi, rồi đi taxi vào cảng Sa Kỳ mua vé ra đảo Lý Sơn. - Mỗi ngày có 2 chuyến tàu khởi hành từ cảng Sa Kỳ. Tàu khách xuất bến lúc 8 giờ giá vé là 115.000 đồng. Tàu chợ xuất bến lúc 9 giờ , giá vé là 55.000 đồng. - Khi mua vé tại cảng Sa Kỳ, bắt buộc bạn phải xuất trình CMND. Nếu đi đoàn đông có thể fax danh sách đặt vé trước. Khi trở về từ cảng Lý Sơn, bạn phải đến sớm mua vé nếu muốn có ghế ngồi. |
Quốc Duy
>> Ngỡ ngàng với clip tuyệt đẹp ở 'thiên đường' Lý Sơn
>> Hoa hậu Ngọc Hân áo xanh bộ đội ra thăm đảo Lý Sơn
Bình luận (0)