Huyền bí đảo Lý Sơn: Giếng nước ngọt bên mé biển

01/02/2023 07:58 GMT+7

Xó La là tên một giếng cổ nằm ở thôn Đông, xã An Hải (huyện đảo Lý Sơn). Giếng còn có các tên gọi: giếng Vua, giếng Vương, giếng Chàm, giếng Gia Long, giếng Tiên…

Tuy chỉ cách mé biển lúc triều lên cao nhất khoảng 5 - 7 m, nhưng nước giếng Xó La luôn ngọt và thanh mát bốn mùa, không thua bất cứ giếng nước ngọt nào trong đất liền và là giếng ăn ngon nhất, có mạch nước ngầm ổn định nhất ở huyện đảo. Hầu như các quán cà phê, nước giải khát, hàng ăn uống trên huyện đảo, kể cả những người thích uống trà, đều sử dụng nước lấy từ giếng này.

Huyền bí đảo Lý Sơn: Giếng nước ngọt bên mé biển - Ảnh 1.

Lòng giếng Xó La

Lê Hồng Khánh

Tục truyền, sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã đi thăm các hòn đảo dọc bờ biển miền Trung và ghé thăm đảo Lý Sơn. Đúng vào thời điểm đó, hòn đảo gặp kỳ khô hạn đến thiếu cả nước uống. Nhà vua bèn cho lập đàn tế trời đất cầu mưa. Đêm ấy ngài nằm mộng và được thần nhân chỉ báo về địa điểm đào giếng lấy nước ngọt. Sáng ra vua sai người đào giếng ở chỗ đó. Tả hữu và cả dân làng bán tín bán nghi, vì cho rằng nơi đây nằm sát mé biển, nước giếng sẽ bị nhiễm mặn. Nhưng vua đã quyết, chẳng ai dám cãi lời. Những người thợ đào giếng, mọi người hồi hộp đợi chờ. Khi đào giếng đến độ sâu chừng 5 sải tay, gặp mạch nước vùng, nước tràn ra ào ạt, những người thợ vội vàng thoát lên bờ. Vua sai lấy nước nếm thử, quả nhiên nước ngọt, thanh và rất mát. Từ đó, người dân ở đảo nhớ ơn vua và đặt tên cho giếng là "giếng Vua".

Sự thật, Nguyễn Ánh - Gia Long chưa hề đến Lý Sơn, cả trước và sau khi lên ngôi. Tuy nhiên, đừng vội mà cho rằng lời truyền này hoàn toàn vô lý. Truyền thuyết không phải là lịch sử, dù có mang trong đó các yếu tố lịch sử hoặc hồi quang từ lịch sử. Chủ đích ẩn đằng sau những câu chuyện truyền tụng trong dân gian là thể hiện một thái độ, một cách đánh giá, hoặc một niềm tin. Gọi là "giếng Vua" vì cho rằng giếng ấy đứng đầu trong các giếng nước ngọt ở quê đảo. Đứng đầu vì nước ngọt và thanh, đứng đầu vì vị trí nằm ở gần giữa đảo, thuận lợi cho dân chúng cả hai làng của Lý Sơn sử dụng, đứng đầu vì chỉ nằm cách mé biển chưa đầy 10 m mà nước giếng không hề nhiễm mặn. Gọi là "giếng Vua" hay "giếng Gia Long" cũng là cách bách tính thể hiện sự tôn kính đối với người đứng đầu sơn hà, xã tắc.

Nghiên cứu về hệ thống nước ngầm trên đảo Lý Sơn, các nhà khoa học cho biết: Hầu hết các giếng trên đảo đều có hai dòng nước ngầm, một dòng thấm ra từ lòng đảo và một dòng thấm từ biển vào nên các giếng đều bị nhiễm mặn, nhưng ở giếng Xó La chỉ có một mạch nước ngầm thấm từ trong lòng đảo, nên giếng được cung cấp nguồn nước ngọt quanh năm và không bị nhiễm mặn.

Về thời điểm xuất hiện của giếng Xó La, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng giếng nước này xuất hiện muộn nhất là vào thời vương quốc Chăm còn tồn tại trên vùng đất nay là huyện đảo Lý Sơn và tỉnh Quảng Ngãi, tức là khoảng thế kỷ 15 về trước. Khi người Việt đến, các giếng nước của người Chăm, trong đó có giếng Xó La, vẫn được tiếp tục sử dụng và duy trì cho đến ngày nay. Như vậy giếng Xó La có "tuổi" ít nhất là 5 thế kỷ.

Huyền bí đảo Lý Sơn: Giếng nước ngọt bên mé biển - Ảnh 2.

Giếng Xó La

Giếng cổ Xó La hiện còn tương đối nguyên vẹn. Giếng có chiều sâu 8 m, tính từ mặt đất xuống đáy giếng. Lòng giếng hình tròn, đường kính 2 m, được kè bằng đá cuội, đá phún xuất thạch, xen lẫn đá vôi. Đá ở đây được lựa chọn kỹ lưỡng về kích cỡ và hình dạng, kè vào nhau khá công phu, vừa đẹp mắt, vừa rất chắc chắn, lại có khe hở vừa phải để nước mạch có thể thoát ra dễ dàng. Có lẽ người xưa đã nhặt những viên đá này trên núi hòn Vung và san hô dưới biển. Theo lời kể của các bậc cao niên, trước đây đáy giếng hình vuông, có bốn súc gỗ lim lớn chèn xung quanh, nhưng về sau, khi nạo vét, người dân đã thay những súc gỗ đó bằng đá. Việc sử dụng vật liệu xi măng gia cố thành giếng xuất hiện rất lâu về sau, và bởi người Việt.

Phần nước trong lòng giếng chiếm khoảng 1,5 m; nước trong xanh, khi mặt trời rọi xuống có thể nhìn thấy đáy.

Nhìn bao quát không gian rộng, có thể thấy giếng Xó La nằm trên dải đất thoai thoải từ chân núi Hòn Vung ở phía bắc chạy dài ra phía biển, giáp với một doi cát hẹp lượn vòng cung (phần lõm ăn vào phía chân núi), ngay phía tây chân dốc phân chia 2 xã An Vĩnh và An Hải. Toàn bộ nền giếng nằm trên rẻo đất thấp nhất của chân núi và là nơi lõm sâu nhất của hình cánh cung bờ biển. Đây có thể là lý do xuất hiện của từ tố "Xó" (khoảng không gian hẹp và tối) trong tên gọi Xó La.

Giếng cổ Xó La có nhiều nét tương đồng về kết cấu, vật liệu, hình dáng, vị trí với các giếng Chăm hiện còn sử dụng hoặc mới phát hiện ở miền Trung VN. Các nhà nghiên cứu hầu hết thống nhất ý kiến cho rằng đây là loại hình giếng cổ, do người Chăm đào để lấy nước ăn và nước sinh hoạt; một số giếng ở ven biển, hải đảo (cù lao Chàm, cù lao Ré) còn kết hợp bán nước ngọt cho các thương thuyền.

Người Việt đặt chân đến Quảng Ngãi nói chung, đảo Lý Sơn nói riêng, vào khoảng thế kỷ 15, định cư lâu dài ở đảo vào cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, tiếp quản vùng đất vốn là địa bàn sinh tụ của người Chăm. Một số công trình của người Chăm đã được người Việt tiếp quản và sử dụng, mà trong đó các giếng lấy nước ngọt ở vùng ven biển và trên đảo Lý Sơn, gồm giếng cổ Xó La, là những ví dụ sinh động.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.