Huyền bí đảo Lý Sơn: Phạm Quang Ảnh và tập tục mộ chiêu hồn

06/02/2023 06:53 GMT+7

Phạm Quang Ảnh quê ở P.An Vĩnh (nay thuộc xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi), là người kiến lập dòng họ Phạm (Quang) trên đất đảo.

Tương truyền, Phạm Quang Ảnh là người có sức vóc cường tráng và giỏi nghề đi biển, được bổ chức Cai đội Hoàng Sa dưới triều Nguyễn. Năm 1815 (Gia Long thứ 14), theo lệnh triều đình, Cai đội Phạm Quang Ảnh đã dẫn đầu Hải đội Hoàng Sa làm nhiệm vụ tuần phòng trên biển, đo đạc thủy trình từ đất liền đến quần đảo Hoàng Sa và vùng biển phụ cận. Sách Đại Nam thực lục (Chính biên, đệ nhất kỉ, quyển 50) chép: "Ất Hợi chính nguyệt, khiến Hoàng Sa đội Phạm Quang Ảnh đặng vãng Hoàng Sa thám độ thủy trình", nghĩa là: "Tháng giêng năm Ất Hợi (1815), sai đội trưởng Phạm Quang Ảnh và đội Hoàng Sa đến Hoàng Sa để xem xét, đo đạc thủy trình".

Huyền bí đảo Lý Sơn: Phạm Quang Ảnh và tập tục mộ chiêu hồn - Ảnh 1.

Nhà thờ Phạm Quang Ảnh

Lê Hồng Khánh

Đến năm 1816, vua Gia Long lại tiếp tục sai Phạm Quang Ảnh ra Hoàng Sa thêm một lần nữa. Sau này Phạm Quang Ảnh còn đi nhiều chuyến ra Hoàng Sa, mỗi năm khởi hành vào tháng hai và về đến cửa Eo (Thuận An - Huế) để vào kinh thành trình diện vào tháng tám âm lịch. Trong một lần giong buồm ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ, Phạm Quang Ảnh cùng hải đội của mình đã gặp bão, mất tích giữa biển khơi. Xót thương những người vì nước quên thân, triều đình sai phái quan quân ra tận đảo làm lễ chiêu hồn cho các tử sĩ. Một vị pháp sư nổi tiếng phụng mệnh theo đoàn người ấy. Ra đến đảo, ông sai người lên núi Giếng Tiền lấy đất sét đem về, rồi tự mình nhào nặn khối đất thành hình nhân 25 người đã chết. Cứ theo lời kể của thân nhân mà vị pháp sư nặn tượng hình người quá cố, đến khi nào người thân bảo rằng đã giống mới thôi.

Nặn xong 25 tượng đất, pháp sư lập đàn cúng chiêu hồn ròng rã suốt nhiều ngày đêm, gọi linh hồn các tử sĩ nhập vào tượng rồi sai dân làng đưa đi an táng như người chết bình thường. Hình nhân Phạm Quang Ảnh được chôn đầu tiên, kế tiếp là 24 hình nhân những người lính thuộc nhiều miền quê khác nhau. Tất cả gồm 25 ngôi mộ gió, xếp thành một hàng dài. Kể từ đó người dân đảo Lý Sơn có tục làm hình nhân và đắp mộ chiêu hồn (mộ gió) cho người đi biển không may bị chết mất xác.

Phạm Quang Ảnh được vua nhà Nguyễn phong làm Thượng đẳng thần. Người dân quê đảo truyền đời hương khói tại đền thờ ông, thành kính cầu xin ông phù hộ cho họ làm ăn no đủ, lớp lớp hùng binh noi gương ông giong thuyền ra khơi, giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Huyền bí đảo Lý Sơn: Phạm Quang Ảnh và tập tục mộ chiêu hồn - Ảnh 2.

Núi lửa Giếng Tiền (Lý Sơn) - nơi người dân lấy đất sét để nặn hình người trong nghi thức lập mộ chiêu hồn

T.L

Để ghi nhớ công lao của người cai đội tài năng, quả cảm có công với đất nước, đời sau đã lấy tên Phạm Quang Ảnh đặt tên cho một hòn đảo trong quần đảo Hoàng Sa - đảo Quang Ảnh.

Theo các bộ chính sử triều Nguyễn, đội Hoàng Sa hoạt động liên tục từ thế kỷ 17 thời các chúa Nguyễn đến thời Tây Sơn, với những cai đội nổi tiếng như Phú Nhuận hầu Võ Văn Phú, Hội Nghĩa hầu Võ Văn Khiết. Sang thời nhà Nguyễn, ngay từ thời Gia Long đã cho thành lập các hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải và cử Phạm Quang Ảnh làm Cai đội Hoàng Sa tuyển chọn các binh phu đi Hoàng Sa và Bắc Hải (Trường Sa) làm nhiệm vụ tuần phòng trên biển, thu lượm sản vật, đo đạc hải trình, cắm mốc và dựng bia minh định chủ quyền đối với các quần đảo này.

Huyền bí đảo Lý Sơn: Phạm Quang Ảnh và tập tục mộ chiêu hồn - Ảnh 2.

Nghi thức thả thuyền trong lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa

Lê Hồng Khánh

Trên những vùng biển thuộc chủ quyền từ lâu đời của đất nước ta, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, không chỉ có Phạm Quang Ảnh mà còn đó máu xương của biết bao thế hệ người Việt đã đổ xuống, khắc ghi và gìn giữ các thành quả khai phá lãnh thổ, các giá trị tinh thần đời đời truyền lại cho thế hệ mai sau. Đó cũng chính là chứng cứ xác thực và sinh động nhất về chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sự hy sinh của Phạm Quang Ảnh cùng những "hùng binh" Trường Sa là những trang sử bi tráng trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Thân thể ông và những con người ấy mãi mãi gửi lại nơi biển cả mênh mông, chỉ còn lại những ngôi mộ gió hiện diện với thời gian và trở thành biểu tượng của những con người sẵn sàng xả thân vì nước.

Mộ và đền thờ Phạm Quang Ảnh đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Tại TP.Quảng Ngãi hiện có một con đường mang tên ông. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.