Trong nhiều lý do thì có lý do nó hợp với phong tục du cư. Sau khi vấn vít với nhau một thời gian thì vĩnh viễn xa nhau, không thờ cúng thăm nom gì nữa. Ta làm cái nhà mồ và những pho tượng sẽ thay ta đi với người. Qua gió qua mưa, một thời gian những cái tượng này cũng sẽ mối mọt, thế là xong.
Nhưng giờ thì khác.
Trước hết là người Tây nguyên không du canh du cư nữa. Chính sách định canh định cư đã kết thúc những cuộc phiêu du chân trần (Có mấy bài hát của chính các nhạc sĩ Tây nguyên viết về những bước chân trần du cư rất hay). Rồi chính sách kinh tế mới đã đưa rất nhiều người Kinh đồng bằng lên sinh sống cùng với bà con Tây nguyên. Và lối sống người Kinh cũng được du nhập về buôn làng, trong đó có cả việc tang ma.
Tác giả bên mộ họa sĩ Xu Man, làng (Plei) Bông, H.Mang Yang, Gia Lai |
NVCC |
Năm nào đó, cách đây khá lâu rồi, giáp tết, chúng tôi nhận được tin họa sĩ Xu Man mất.
Ông là họa sĩ nổi tiếng người Bahnar, là “cánh chim đầu đàn” của nền mỹ thuật Tây nguyên, tới 2 khóa được bầu vào Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật VN. Về hưu, ông về làng sống. Một trong những thứ ông chuẩn bị là... 2 cái hòm gỗ, đục từ thân 2 cây rừng khá lớn, để ngay gầm nhà sàn. Một cái cho ông, một cái cho vợ ông.
Tôi được cử xuống đưa tang ông. Dân làng đánh chiêng mấy đêm liền quanh nơi ông nằm, bò và heo được mổ, khá nhiều. 28 tết, quan tài được khiêng lên cái xe bò, kéo ra nghĩa địa. Té ra ông cũng đã cho xây sẵn huyệt mộ cho mình. Một cái huyệt xi măng có sẵn, thả quan tài cây gỗ xuống, đậy nắp, lấp đất.
Tất cả đã xi măng và tôn hóa. Và nữa, hình như người ta cũng chôn cất người chết và thờ vĩnh viễn như người Kinh chứ không bỏ mả nữa. Tất cả các ngôi mộ đều tăm tắp một kiểu: huyệt xi măng, thành mộ, và gắn ảnh người chết. Phía trên lợp tôn phỏng mô hình nhà rông, mái dốc vút cao, mộ càng mới thì tôn càng nhiều màu sắc. Trong ngôi mộ của họa sĩ Xu Man có 3 người nằm: Xu Man, vợ ông và con trai thứ.
Và cũng có ảnh, thắp hương, trái cây cúng như người Kinh. Tôi đi thắp hương các ngôi mộ xung quanh, tuyệt không thấy ngôi mộ nào đã bỏ, tức là có tượng mồ.
Có thể tạm thời lý giải như thế này chăng: Ngoài việc học theo người Kinh một cách tự phát việc xây mộ kiên cố, còn một yếu tố rất quan trọng nữa chi phối là không còn gỗ để làm. Điều này phù hợp với việc bảo vệ rừng hiện nay. Và cũng như đã trình bày, đẽo tượng hoàn toàn không phải là nghề, nó không thể là nghề chuyên nghiệp như mấy ông thợ mộc người Kinh cũng như không phải nghiệp như mấy anh họa sĩ điêu khắc... Nó hết sức nghiệp dư và ngẫu hứng, nó hoàn toàn tự phát...
Một khu nhà mồ đã Pơ thi |
VĂN CÔNG HÙNG |
Vả nữa, đất ngày càng thu hẹp, nghĩa địa của làng không như ngày xưa để có thể làm nhà mồ rộng rãi, mà giờ nghĩa địa cũng “quy chuẩn” từng “nhân khẩu” diện tích nên cái việc đẽo tượng đặt không thể khả thi.
Nhưng có lẽ cái chính là giờ tang ma theo đời sống mới, rồi học theo người Kinh (gắn ảnh lên mộ, làm bia, thắp hương, trái cây...) nên ít người nghĩ tới việc phải làm tượng mồ cho người chết.
Nhà văn Phạm Đức Long, một người cũng khá am hiểu về văn hóa Tây nguyên, cho rằng: “Tượng mồ là một trong số những “bí tích” của người Tây nguyên như: Vua Lửa, hiến sinh trâu, tục cà răng, ma lai, tâm trạng làng… lạ lùng và bí hiểm!
Người Tây nguyên quan niệm con người có ba trạng thái dạng thức: Thể xác, bóng hình và linh hồn. Tượng mồ có lẽ là hình thức bóng hình nào đó của con người!
Trong lễ bỏ mả, người Tây nguyên nhất thiết phải tạo dựng những bức tượng mồ. Tượng sẽ thay người đưa hồn ma đi suốt chặng đường về cõi Mang Lung cô đơn mờ mịt. Một đi không trở lại…
Đó có thể là những hình nhân thế mạng đi theo người chết.
Bây giờ, tất cả phơi ra dưới chân lý khoa học, dẫu cái chết vẫn đầy bí ẩn, nhưng không gian sống đã khác, rừng đã khác (chính xác là không còn cả gỗ và chỗ để làm khu nhà mồ), con người cũng đã khác, quan niệm khác (có thời có hẳn những cuộc vận động bà con không làm lễ Pơ thi vì tốn kém, và cả vì mất vệ sinh, là nơi phát sinh dịch bệnh, nhất là dịch tả. Từng có cả làng bị dịch tả sau một Pơ thi)... thì cái việc thay đổi thể thức ma chay của người Tây nguyên cũng là việc không lạ lắm.
Và chưa kể có thời, có những người buôn tượng mồ. Người Tây nguyên rất kiêng việc lấy tượng mồ từ khu nhà mồ đã bỏ. Nhưng có thời có cả một chiến dịch thu mua tượng, và thế là có những người vào các khu nhà mồ ăn trộm tượng về bán. Một số trót lọt, một số bị dân làng bắt, và phạt khá nặng. Chính quyền cũng bắt một số vụ, dù nói thật, cũng không hiểu cái việc lấy trộm tượng mồ, thứ để cho mục nát trong rừng, có phải phạm luật không?
Và tượng mồ đang mất là điều không thể cưỡng. Nó như một tất yếu khách quan...
(còn tiếp)
Huyền bí nhà mồ Tây nguyên
Bình luận (0)