Huyện Chư Păh phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa

20/06/2023 07:05 GMT+7

Với những lợi thế lớn khi sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh và bề dày văn hóa của các dân tộc bản địa Jrai, Ba Na, H.Chư Păh (Gia Lai) đã và đang chú trọng phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Nhiều điểm đến hấp dẫn

Hai thắng cảnh nổi tiếng của H.Chư Păh là điểm đến của hàng chục ngàn lượt du khách trong và ngoài tỉnh. Ấy là núi lửa Chư Đăng Ya và hồ Chư Nâm ở xã Chư Đăng Ya. Ngôi làng Ia Gri nằm sát chân núi lửa cùng các cộng đồng làng lân cận của đồng bào Jrai định cư từ bao đời nay cũng vào hội với sắc hoa dã quỳ. Ở đó, hoa rải vàng rực trên các lối đi, trên ngọn núi lửa triệu năm tạo nên cảnh sắc tuyệt đẹp.

Huyện Chư Păh phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa - Ảnh 1.

Nhà rông ở xã Hà Tây

Ảnh: Trần Hiếu

Thường lệ, cứ vào độ này, Lễ hội hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đăng Ya được tổ chức. Du khách đổ về đây thưởng lãm cảnh sắc hiếm có của vùng cao nguyên để được hòa mình vào thiên nhiên, thưởng thức các đặc sản địa phương như gà nướng, cơm lam… Dĩ nhiên, với một vùng văn hóa còn đậm đặc các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng Jrai, Ba Na thì những ché rượu cần, là xoang, là những giai điệu cồng chiêng hẳn không thể thiếu.

Đến với vùng đất này, du khách đừng quên ghé qua xã Hà Tây. Nơi đây có những ngôi nhà rông truyền thống có lẽ là đẹp nhất Tây nguyên. Cách hàng trăm mét, du khách đã nhìn thấy những mái nhà rông hình lưỡi rìu cong cong, vút lên trời xanh. Khu vực này cũng còn giữ được những rừng trắc quý giá. Những giá trị văn hóa truyền thống cũng được cộng đồng Jrai chú ý giữ gìn khiến nơi đây trở thành một điểm đến hấp dẫn…

Huyện Chư Păh đã và đang mở rộng các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, xây dựng thêm những cộng đồng làng làm du lịch theo dạng homestay để quảng bá những sản phẩm văn hóa bản địa, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.

Nhiều điểm đến khác ở Chư Păh như hàng thông cổ thụ trăm tuổi, chè Biển Hồ ở xã Nghĩa Hưng cũng thu hút nhiều du khách mỗi năm. Đây là hai trong nhiều thắng cảnh có giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc của vùng đất này. Đồn điền chè Biển Hồ có từ thời Pháp, cùng với hai đồn điền chè B’lao (Lâm Đồng) và Bàu Cạn, H.Chư Prông (Gia Lai) nổi tiếng của cao nguyên lúc bấy giờ. Người Pháp đã trồng nên hàng thông từ thời ấy, với tuổi đời hơn 100 năm.

Huyện Chư Păh phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa - Ảnh 2.

Nghề dệt thổ cẩm được giữ gìn, phát huy ở Chư Păh.

Ảnh: Trần Hiếu

Cùng với đó là chùa Bửu Minh - ngôi chùa được xây dựng rất sớm ở Gia Lai đã hình thành cụm danh lam thắng cảnh này. Dấu cũ, chuyện xưa khiến thắng cảnh này luôn được du khách tìm đến khi đặt chân đến Gia Lai. Hay Thủy điện Ia Ly, thủy điện lớn thứ 3 ở VN sau Sơn La và Hòa Bình với công suất 720MW cũng là một điểm đến hấp dẫn…

Phát triển du lịch cộng đồng

Để thu hút du khách, nhiều khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cũng đã được xây dựng ở Chư Păh. Ngoài ra, huyện cũng đang từng bước hình thành mô hình du lịch cộng đồng ở các làng Kép, xã Ia Mơ Nông; làng Kon Sơ Lăh, xã Hà Tây; làng Ia Gri, xã Chư Đăng Ya; làng Mrông Yố 2, xã Ia Ka. Tại các địa điểm này, huyện Chư Păh khai thác du lịch văn hóa trên cơ sở phát huy các giá trị của di sản phi vật thể không gian văn hóa cồng chiêng, nhà rông Tây nguyên.

Huyện Chư Păh phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa - Ảnh 3.

Dã quỳ vùng núi lửa Chư Đăng Ya

Ảnh: Trần Hiếu

Các nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm... cũng được chú trọng, khôi phục để phối hợp với các loại hình văn hóa khác tổ chức các lễ hội truyền thống tại làng. Đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm, cùng tham gia đan lát, dệt thổ cẩm, thưởng thức văn hóa cồng chiêng, ẩm thực Tây nguyên... Nhiều nghệ nhân đã được kêu gọi, khuyến khích truyền dạy những kỹ năng cho thế hệ trẻ, tâm huyết với văn hóa bản địa. Huyện đã khuyến khích và tạo điều kiện giúp đỡ các nghệ nhân xây dựng các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, nghề kim hoàn với những sản phẩm truyền thống độc đáo nhằm cung ứng sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng ở Chư Păh ngày càng được nâng cấp. Hiện đường bê tông đã được xây dựng đến tận các thôn làng, thuận lợi cho việc di chuyển. Nhiều sản phẩm nông nghiệp tại địa phương đạt tiêu chuẩn OCOP cũng là tín hiệu tốt góp phần quảng bá sản phẩm địa phương, đặc biệt trong hoạt động dịch vụ, du lịch. Hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn H.Chư Păh giai đoạn 2023-2025 được triển khai mạnh mẽ.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nay Kiên, Chủ tịch UBND H.Chư Păh chia sẻ: Huyện đã có kế hoạch, định hướng cụ thể để thúc đẩy, phát triển và quảng bá các sản phẩm du lịch địa phương nhằm tăng sự thu hút đối với du khách trong và ngoài tỉnh. Đấy là đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư du lịch, thu hút nhà đầu tư vào các dự án khu, điểm du lịch; hoàn thiện các điểm du lịch đang khai thác, hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch. Việc nâng cao chất lượng tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch của địa phương cũng được chú trọng. Huyện đã và đang đẩy mạnh công tác quảng bá và nâng cao nhận thức về công tác du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.

"Vấn đề phát triển du lịch phải đi đôi với việc bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa, nâng cấp cảnh quan thiên nhiên, môi trường du lịch, nâng cao trình độ dân trí, nâng cao vị thế du lịch Chư Păh - Gia Lai đối với cả nước cũng như quốc tế. Hoạt động này cũng nhằm thúc đẩy tiêu dùng, xuất khẩu tại chỗ và phát triển nhiều loại hình sản phẩm dịch vụ, tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số", ông Nay Kiên nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.