Huyện nghèo quyết xóa cầu treo

13/11/2015 09:03 GMT+7

Theo lộ trình đến năm 2020, H.Đông Giang (Quảng Nam) sẽ xóa hết cầu treo, thay vào đó là những chiếc cầu kiên cố vì sự an toàn tuyệt đối cho người dân.

Theo lộ trình đến năm 2020, H.Đông Giang (Quảng Nam) sẽ xóa hết cầu treo, thay vào đó là những chiếc cầu kiên cố vì sự an toàn tuyệt đối cho người dân.

Cầu xây kiên cố tại xã Sông Kôn - sẽ dần thay thế cầu treo xuống cấp ở H.Đông Giang - Ảnh: D.H
Cầu xây kiên cố tại xã Sông Kôn - sẽ dần thay thế cầu treo xuống cấp ở H.Đông Giang - Ảnh: D.H
Xóa cầu treo đầu tiên
Hiện tỉnh Quảng Nam có gần 140 cây cầu treo, hầu hết đều hư hỏng, xuống cấp nặng nề. Bộ GTVT mới đây đã hỗ trợ cho địa phương 60 tỉ đồng để xây dựng 14 cầu treo, đã đưa vào sử dụng hơn 10 chiếc. Hiện còn 53 cầu treo cần xây mới. Quan điểm của ngành GTVT tỉnh là với những địa phương không có nhu cầu xây cầu treo, sẽ nghiên cứu đầu tư xây đường hoặc cầu kiên cố từ nguồn vốn ODA.

Cùng với chủ trương đặt ra, H.Đông Giang đã chính thức xóa cây cầu treo đầu tiên và đầu tư xây cầu kiên cố từ đường chính vào thôn K8 (xã Sông Kôn) đang bước vào giai đoạn hoàn thiện. Đây là cây cầu thay thế cho cầu treo đã hư hỏng nặng bắt qua con suối sâu. Chiếc cầu này dài 33m, tổng kinh phí đầu tư hơn 4 tỉ đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và các nguồn vốn khác. Cây cầu không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại của người dân 5 thôn ở xã Sông Kôn mà còn đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, lưu thông nông sản của đồng bào Cơ Tu cả vùng này. Ông Arất Bình, Trưởng thôn K8 vui mừng: “Thấy cây cầu kiên cố người trong thôn vui lắm. Trước đây, đi cầu treo hư hỏng, bà con ai cũng lo nhưng bấm bụng đi vì đây là đường độc đạo dẫn vào thôn. Mùa mưa cũng có nhiều người bị trôi, may mà cứu được, nên không ai dám đi qua cầu treo vào mùa mưa. Giờ thì vui rồi, có cầu kiên cố, đời sống của người dân cũng đỡ cực!”. Còn chị Arất Thị Út cười giòn: “Có cây cầu rồi, con cái đi học mùa mưa lũ mình cũng yên cái bụng, chứ đi cầu treo lắc lẻo mình lo lắm”.
Hiểm nguy lơ lửng...
Thực tế này đang diễn ra tại một số huyện miền núi của Quảng Nam, mà điển hình nhất chính là H.Đông Giang. Những cây cầu treo bắt qua sông, giúp đỡ người dân miền núi Quảng Nam rất lớn trong đi lại. Tuy nhiên, người dân luôn cảm thấy bất an, thiếu an toàn khi đi cầu treo, đặc biệt là vào mùa mưa lũ. Bà con đồng bào vùng cao Quảng Nam thường đặt cho cầu treo cái tên là cầu “3 không”, nghĩa là không có giới hạn tải trọng, không có biển báo và đặc biệt không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng hằng năm. Ông Nguyễn Tấn Tuân, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng H.Đông Giang cho hay Đông Giang hiện có 16 cây cầu treo, thì có 15 cây cầu đã được xây dựng cách đây 10 năm. Những cây cầu này không hề được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên do thiếu kinh phí; không có quy định tải trọng nên người dân mặc sức chở nặng, khuân vác nặng qua cầu, khiến cầu càng nhanh xuống cấp. “Để sửa một cây cầu treo mỗi năm cần khoảng 200 triệu đồng, 16 cây cầu thì số tiền mỗi năm là vô cùng lớn, nhất là với một huyện nghèo như Đông Giang”, ông Tuân chia sẻ.
Chính vì vậy, mục tiêu xóa cầu treo và thay bằng việc đầu tư đường, xây cầu kiên cố được đặt ra cấp thiết hơn. Và chính quyền H.Đông Giang đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ xóa hết cầu treo, thay cầu treo bằng cầu bê tông kiên cố, vừa đảm bảo an toàn cho người dân, vừa là điều kiện để người dân phát triển kinh tế xã hội khi di chuyển an toàn trong cả mùa nắng lẫn mùa mưa bão. Còn lãnh đạo Sở GTVT Quảng Nam cũng quyết định hỗ trợ làm đường hoặc cầu kiên cố đối với những địa phương không đề xuất làm cầu treo ở những địa điểm trước đây đã xác định xây dựng cầu treo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.