Trong 30 năm, Trung tâm hành chính huyện miền núi Nam Giang (Quảng Nam) được di dời và xây mới 3 lần gây lãng phí hàng trăm tỉ đồng.
Trung tâm hành chính H.Nam Giang hiện tại còn rất khang trang - Ảnh: Hoàng Sơn |
Ai cũng nói, ai cũng thấy lãng phí
Chính quyền H.Nam Giang đang triển khai giải phóng mặt bằng để chuẩn bị di dời trung tâm hành chính (TTHC) từ Bến Giằng (xã Cà Dy) về lại TT.Thạnh Mỹ, chỉ sau hơn 10 năm sử dụng.
Ông Zơ Râm Pháo (nguyên Chủ tịch HĐND H.Nam Giang) kể, TTHC huyện trước đây đặt tại Bến Giằng. Sau ngày giải phóng, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) thống nhất di dời về TT.Thạnh Mỹ để thuận tiện cho việc phát triển kinh tế vào năm 1985. Tuy nhiên, theo ông Pháo, sau khi chia tách tỉnh, năm 1997, huyện nhận được thông báo sẽ xây dựng nhà máy xi măng tại Thạnh Mỹ. “Lúc này, chính quyền huyện lấy ý kiến người dân để tiếp tục di chuyển TTHC huyện vì sợ nhà máy gây ô nhiễm. Và vị trí được chọn là trở về lại Bến Giằng”, ông Pháo nói.
Từ năm 2000 - 2003, TTHC H.Nam Giang chính thức chuyển về Bến Giằng. Các trụ sở của UBND huyện, Huyện ủy, Ủy ban MTTQ huyện... đồng loạt xây mới đã “ngốn” cả trăm tỉ đồng. Đó là chưa kể, khu vực Bến Giằng nằm ngay ngã ba sông thường xuyên bị sạt lở buộc chính quyền phải đổ hàng chục tỉ đồng vào xây dựng bờ kè. Thế nhưng, đến nay khi các trụ sở còn khang trang thì chính quyền địa phương lại xin chủ trương cho di dời về lại TT.Thạnh Mỹ.
Theo ông A Lăng Mai, Chủ tịch UBND H.Nam Giang, Tỉnh ủy Quảng Nam đã nhất trí việc di dời và đến tháng 2.2015, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết khu TTHC mới. Theo đó, trong giai đoạn từ 2016 - 2020, TTHC H.Nam Giang sẽ lần lượt xây dựng tại Thạnh Mỹ trên diện tích 85 ha với tổng kinh phí đầu tư 100 tỉ đồng - dùng để xây dựng 3 trụ sở của UBND huyện, Huyện ủy và Ủy ban MTTQ, giải phóng mặt bằng và mở đường. Ngoài ra, để chuyển nhiều cơ quan khác như: công an, huyện đội... về cũng tiêu tốn thêm hàng trăm tỉ đồng. “100 tỉ đồng để xây dựng lại TTHC với 3 trụ sở như thế là quá lớn. Trong khi các trụ sở cũ vẫn tốt và mới chỉ sử dụng hơn 10 năm. Chuyển đi chuyển lại tốn kém, ai cũng nói, ai cũng thấy lãng phí”, ông Pháo bày tỏ và cho biết thêm, khi có chủ trương chuyển TTHC huyện về lại Thạnh Mỹ nhiều người rất bức xúc.
“Nhiệm kỳ này không làm thì con cháu cũng làm...”
Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND H.Nam Giang khi nói về chủ trương di dời TTHC huyện. Ông Mai cho rằng, các trụ sở của địa phương đóng tại Bến Giằng đã tồn tại bất cập từ hơn 10 năm qua; vị trí TTHC hiện nay tại Bến Giằng nằm trong khu vực quá chật hẹp không thể quy hoạch mở rộng để phát triển dân cư, kinh tế. Ngoài ra, do nằm tại ngã ba sông nên khu vực này bị ngập lụt khi có lũ lớn. Bên cạnh đó, do dịch vụ không phát triển nên người dân hoặc các đơn vị đến làm việc với huyện phải đi lại nhiều lần vì không có chỗ lưu trú. “Cán bộ, công chức huyện đều có nhà cửa ở Thạnh Mỹ, trong khi đó nhà công vụ thì không đủ chỗ nên hằng ngày đi làm mất nhiều thời gian...”, ông Mai nói và cho rằng cần thiết phải di dời để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Nói về phương án xử lý cơ sở hạ tầng của TTHC cũ, ông Mai cho hay, UBND xã Cà Dy sẽ tiếp quản các trụ sở. Một số công trình khác sẽ được ngành giáo dục sử dụng để bố trí làm trường học từ cấp THCS xuống mầm non... Các đơn vị thuộc ngành dọc nếu không sử dụng sẽ thanh lý để lấy kinh phí cho việc xây dựng trụ sở mới tại Thạnh Mỹ. Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng, với một xã miền núi chỉ có 3.000 dân như Cà Dy sẽ không sử dụng hết. Và việc bán các trụ sở của nhiều đơn vị khác cũng khó khả thi khi TTHC không còn đóng tại Bến Giằng. Trả lời câu hỏi: “Chính quyền địa phương nhìn nhận việc chuyển trụ sở có gây ra sự tốn kém quá lớn trong khi Nam Giang vẫn là một huyện khó khăn?”, ông Mai nói: “Huyện không đặt vấn đề lãng phí ở chỗ này mà vấn đề là TTHC không còn hợp lý nữa. Nhiệm kỳ này không làm thì con cháu sau cũng làm...”.
Ông Mai cũng nhìn nhận, xây dựng TTHC vào thời điểm này “cũng nhạy cảm” vì Chính phủ đã có chỉ đạo tạm dừng xây dựng các TTHC ngàn tỉ ở các tỉnh, thành. Tuy nhiên, theo ông Mai, số kinh phí để xây dựng TTHC 100 tỉ là “không phải lãng phí và không nên kéo dài chủ trương này”.
Theo ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, việc di dời TTHC Nam Giang xuất phát từ chủ trương của Tỉnh ủy cũng như UBND tỉnh. Ông Thu cho biết sẽ chỉ đạo các bên liên quan có báo cáo rõ ràng sự việc, sau đó sẽ giao cho Văn phòng UBND tỉnh có thông tin cụ thể, trong đó sẽ có giải thích rõ ràng vì sao phải xây dựng TTHC Nam Giang như chủ trương. Ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết đã yêu cầu UBND H.Nam Giang có báo cáo về sự việc và sẽ thông tin lại.
Nam Giang là một huyện còn nhiều khó khăn của Quảng Nam, với 80% là đồng bào dân tộc thiểu số (tổng số 25.000 dân) sống phụ thuộc vào nương rẫy.
Bình luận (0)