Huyền thoại đường trên biển - Kỳ 3: Bác sĩ Đặng Thùy Trâm và tàu không số

16/09/2011 17:51 GMT+7

Tên tuổi liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã được cả thế giới biết đến. Nhưng một điều có lẽ nhiều người chưa biết, là bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã từng chữa bệnh cho các chiến sĩ tàu không số, theo tư liệu Lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển và Lữ đoàn Tàu vận tải quân sự hải quân (1961-2011).

>> Kỳ 2: Những chuyến tàu tuyệt mật 

Nửa đêm ngày 27.2.1968, tàu C43B rời cảng A3 (Hải Khẩu, Trung Quốc) chở 37 tấn vũ khí vô bến Ba Làng An, Quảng Ngãi. Trước đó, ngày 14.3.1967, trong chuyến chở hàng vào Sa Kỳ (Quảng Ngãi) thì đụng độ địch, các chiến sĩ tàu C43B đã chiến đấu anh dũng và buộc phải hủy tàu để giữ bí mật, sau đó họ theo đường Trường Sơn về đơn vị. Bây giờ cũng đội đó nhận tàu mới, cũng mang tên C43B trở lại Quảng Ngãi.

Khoảng 14 giờ ngày 29.2, một máy bay địch lượn mấy vòng phía trên tàu rồi bay đi. Anh em nghĩ chắc chúng chưa phát hiện ra. Ngờ đâu, đêm đến, tàu vào cách bờ 12 hải lý thì gặp 6 tàu đối phương đang hình thành thế bao vây. Địch nổ súng bắn tới tấp. Trên không trực thăng quần đảo, bắn rốc-két xuống tàu C43B. Thuyền trưởng Nguyễn Đức Thắng ra lệnh cho anh em tập trung hỏa lực vừa bắn trả vừa cơ động nhanh vào bờ. Các loại súng ĐKZ, súng phòng không 12,7 ly, AK 47 nổ giòn giã. Một máy bay lên thẳng  trúng đạn rơi xuống biển. Một chiếc khác bị thương lao vào bờ. Một tàu chiến địch tiến gần tàu ta bị trúng đạn ĐKZ bốc cháy. Thấy bị chống trả dữ dội, đối phương giãn ra.

Lợi dụng thời cơ, thuyền trưởng cho tàu chạy lên hướng bắc. Ngay lập tức 2 tàu địch lao tới đánh chặn. Tàu C43B quay ngoắt 180 độ, chạy về hướng nam. Vẫn bị tàu chiến và máy bay địch chặn lại. Không thể mở vòng vây, tàu C43B vừa tránh đạn, vừa bắn trả và tăng tốc chạy vào gần bờ. Suốt mấy tiếng đồng hồ đánh nhau với đối phương đông đảo, tàu C43B bị đạn địch găm thủng nhiều chỗ. Chiến sĩ Vũ Văn Ruệ và y tá Võ Nho Tòng hy sinh, nhiều người bị thương nặng. Vũ Văn Ruệ quê ở Tiền Hải, Thái Bình. Trước chuyến đi, anh được nghỉ phép 15 ngày để cưới vợ. Mới cưới được ba ngày, nghe tin đội tàu sắp xuất bến, anh đã ra đơn vị nằng nặc xin đi chuyến này cho bằng được…

 
14 chiến sĩ tàu C43B điều trị tại Bệnh xá Đặng Thùy Trâm Ảnh tư liệu của ông Vĩnh Mẫn

 
Bác sĩ Đặng Thùy Trâm

Chỉ huy tàu quyết định cho mọi người khẩn trương bơi lên bờ và hủy tàu. Thuyền trưởng Thắng phân công chính trị viên Trần Quốc Tuấn đưa thương binh, liệt sĩ vào bờ, hai thuyền phó Thơm và Đức cùng thuyền trưởng hủy tài liệu. Sau đó thuyền phó Thơm điểm hỏa ở khoang lái, máy trưởng Tài giật nụ xòe giây cháy chậm. Phạm Văn Rai vừa nhảy xuống biển thì trúng đạn địch hy sinh... Mười mấy phút sau, một khối lửa bùng lên kèm theo tiếng nổ lớn, con tàu C43B tan ra từng mảnh. Ba chiến sĩ hy sinh được chuyển vào bờ. Còn 14 người thì 12 là thương binh. Các anh được du kích và bà con xã Phổ Thiện cấp cứu, bảo vệ, đưa vào hầm bí mật từng gia đình che giấu, tránh được sự truy lùng rất gắt gao của địch. Hơn một tuần sau, du kích địa phương vừa chiến đấu vừa nghi binh, đưa 14 chiến sĩ tàu không số C43B vượt quốc lộ 1A lên vùng căn cứ Ba Tơ. Các thương binh được anh em du kích cáng lên bệnh xá, nhưng hai đêm liền đều gặp phục kích phải quay lại, đêm thứ ba mới thoát được. Hơn một ngày rưỡi xuyên rừng, vào chiều tối hôm sau các anh mới được đưa vào điều trị tại trạm xá dân y huyện Đức Phổ, ở giữa khu rừng thưa, cây cối loang lổ, khô héo vì địch rải chất độc hóa học.

Đây chính là bệnh xá của bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Đặng Thùy Trâm sinh ngày 26.11.1942 tại Huế, lớn lên ở Hà Nội. Tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Hà Nội năm 1966, vào bộ đội, là một bác sĩ quân y tại chiến trường Đức Phổ, Quảng Ngãi. Khám thấy anh em bị thương nặng và kiệt sức, bác sĩ Trâm quyết định các thủy thủ phải chữa trị ở bệnh xá một tháng. Ở đây thuốc men, dụng cụ cấp cứu thiếu thốn, ăn uống chủ yếu bằng củ mì (sắn). Mấy ngày sau, ba người của trạm xá phải đi ba bốn ngày đường xuống đồng bằng nhờ cơ sở mua gạo và thuốc mang về cứu chữa cho thương binh.

Thuyền trưởng tàu C43B Nguyễn Đức Thắng kể với nhà văn Nguyên Ngọc: “Riêng tôi, thật ra đến lúc đó, có dịp trôi dạt vô đó, tôi mới hiểu. Thì ra giữa chiến tranh, một vùng đất quá ác liệt... Nhưng một cái bệnh xá huyện thì không thể lánh đi đâu được cả, đơn giản chỉ vì nó là một cái bệnh xá. Nó phải có mặt ở đó bất cứ lúc nào, trụ bám ở đó, vì thương binh, vì những người dân bị thương, cả bị bệnh nữa, bất cứ lúc nào. Mà Đức Phổ lúc bấy giờ là một trong những huyện ác liệt nhất ở chiến trường Khu 5. Sư đoàn không vận số 1 Mỹ quần nát ở đó, rồi lữ 196 Mỹ, sư dù 101 Mỹ, có thời gian cả sư 25 Anh Cả Đỏ Mỹ cũng ra đó. Rồi Rồng Xanh, Bạch Mã Nam Triều Tiên… B52 dầm nát một vùng bán sơn địa ngang dọc chỉ vài chục cây số... Thế mà trên cái vùng đất ghê gớm, suốt hàng chục năm trời vẫn trụ bám một cái bệnh xá huyện nhỏ nhoi, gan lì, bất khuất. Chỉ huy bệnh xá ấy là một cô gái, một cô bác sĩ trẻ người Hà Nội...

2 giờ chiều hôm ấy 14 anh em thủy thủ xơ xác mới đến được bệnh xá của chị Trâm. Chị không nói gì nhưng biết chúng tôi là dân đường mòn bí mật biển Đông. Chị bảo: Các anh phải ở lại đây đã, chưa được đi đâu hết. Phải chữa cho lành các vết thương. Rồi bồi dưỡng cho lại sức để còn leo Trường Sơn. Bệnh xá đói, chị Trâm và các nhân viên của chị cũng đói. Nhưng chúng tôi vẫn được nuôi rất chu đáo”.

Sau một tháng điều trị, vết thương đã dần khỏi, anh em C43B được lệnh gấp rút lên đường vượt Trường Sơn ra Bắc. Trước khi anh em lên đường, bác sĩ Trâm và anh em trong trạm xá Đức Phổ đã khâu những mảnh dù của Mỹ thành ba lô, túi xách, ruột tượng và chuẩn bị áo quần, gạo, muối, thuốc men cho các thủy thủ đi đường. Ngày chia tay, chị Trâm nắn nót ghi vào cuốn sổ nhỏ của Lưu Công Hào ngoài những dòng lưu bút là địa chỉ của người em gái Đặng Phương Trâm, địa chỉ gia đình để anh lính trẻ khi về đến Hà Nội sẽ ghé thăm... Chia tay anh em, ngày 10.4.1968, bác sĩ Trâm ghi nhật ký: “Vậy là chiều nay các anh lên đường để lại cho mọi người một nỗi nhớ mênh mông giữa khu rừng vắng vẻ. Các anh đi rồi nhưng tất cả nơi đây còn ghi lại bóng dáng các anh: những con đường đi, những chiếc ghế ngồi chơi xinh đẹp, những câu thơ thắm thiết yêu thương...”.

Sau ba tháng vượt Trường Sơn, những người lính đã về đến hậu phương, nhưng công việc của những người lính tàu không số luôn bí mật nên anh Lưu Công Hào không thể đến thăm gia đình chị Trâm... 

Ngô Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.