>> Kỳ 3: Bác sĩ Đặng Thùy Trâm và tàu không số
Hạm đội 7 tung quân
Từ năm 1962 - 1965, những thủy thủ tàu không số đã thực hiện thành công 90 chuyến chở 4.919,636 tấn vũ khí, quân trang, thuốc men vào chi viện cho chiến trường. Sau vụ tàu 143 của thuyền trường Lê Văn Thiêm và chính trị viên Phan Văn Bảng chở 63 tấn vũ khí cập bến Vũng Rô bị địch phát hiện ngày 15.2.1965, con đường bí mật trên biển Đông đã bị lộ. Từ đó, Hạm đội 7 Mỹ tung 40% lực lượng tàu chiến, cùng máy bay và tàu của hải quân chính quyền Sài Gòn phong tỏa biển Đông rất gắt gao. Mỹ điều khu trục hạm Higbec D806, Alaele D666 và 40 tàu chiến khác vào vùng biển miền Nam làm nhiệm vụ “chống Việt Cộng thâm nhập”. Ở miền Bắc, Mỹ leo thang bắn phá bằng không quân rất quyết liệt.
Tháng 7.1967, ta tổ chức 5 tàu đưa hàng vào Khu 5. Cả 5 tàu đều bị địch phát hiện; 3 tàu phải quay ra, 2 tàu bị đánh phá, tổn thất lớn. Quý 4/1971, ta tổ chức 11 tàu trọng tải 50, 100, 200 tấn vượt biển vào Nam, nhưng tất cả đều bị ngăn chặn, phải quay lại. Năm 1972, ta tổ chức 12 chuyến tàu, nhưng 11 chuyến phải quay lại. Tình hình hết sức khó khăn. Chiến trường thì luôn thiếu súng ống, đạn dược. Các sư đoàn, trung đoàn liên tục điện về Trung ương Cục miền Nam xin vũ khí.
|
Trước tình thế khó khăn đó, Tư Mau (tức Phan Văn Nhờ) đề nghị Khu ủy Khu 9 báo cáo Quân ủy Trung ương cho chuyển hướng “vận tải công khai”. Quân khu 9 cử ngay Tư Mau ra Bắc để bàn với Quân ủy Trung ương về phương thức vận tải hợp pháp này. Tư Mau là một con người mưu trí, gan cóc tía, nhiều kinh nghiệm đi biển và có những sáng tạo hết sức táo bạo, nguyên Đoàn trưởng Đoàn vận tải 962 của Quân khu 9. Tư Mau nhờ bà Võ Thị Đảnh (cơ sở của ta) đứng tên mua một chiếc thuyền đánh cá, lắp máy Nhật 33 mã lực, với mã số đăng ký là 3308KG. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 11.3.1971, thuyền do Bí thư Chi bộ Tư Mau lái, Tám Sơn làm thuyền trưởng cùng 3 chiến sĩ rời cảng Rạch Giá ra Bắc. Trưa ngày 30.3, tàu cập bến Đồ Sơn. Sau khi nghe Tư Mau báo cáo, Cục Tác chiến, Bộ Tư lệnh Hải quân trình bày đề án, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Quân ủy đồng ý cho Quân khu 9 sử dụng phương thức vận chuyển “công khai”. Bộ Tư lệnh cung cấp mọi chi phí cho công tác này. Trước mắt gửi cho quân khu 20.000 đô la Mỹ và 2 triệu tiền Sài Gòn; đồng thời cho đóng 10 thuyền ở miền Bắc theo kiểu thuyền đánh cá Nam Bộ. Giao cho hải quân lo bến bãi ở miền Bắc, chọn các đồng chí là người miền Nam lớn tuổi, có kinh nghiệm đi biển ở Đoàn 125 tăng cường cho đội thuyền Quân khu 9. Quân ủy không đồng ý chọn đảo Nam Du làm điểm trung chuyển hàng vì ở đó dân qua lại làm ăn nhiều, dễ bị lộ. Giao cho Bộ Tư lệnh Hải quân chọn 5 điểm ở quần đảo phía vịnh Thái Lan và Malaysia, cho tàu chở hàng từ Bắc vào đó, rồi Quân khu 9 đưa thuyền hợp pháp ra chuyển vào bờ”.
Ngày 28.4.1971, thuyền đánh cá do Tư Mau làm chính trị viên cùng 4 thuyền viên rời vịnh Hạ Long mang theo vũ khí vào chiến trường. Đoàn 125 cử tàu V605 do thuyền trưởng Nguyễn Đình Phồn chỉ huy đi hộ tống. Đội thuyền qua đảo Hải Nam, rồi đến Hoàng Sa thì được lệnh quay lại để chuẩn bị thêm. Ngày 27.6 tiếp tục ra biển, lần này không có tàu hộ tống. Ngày 7.7, đội thuyền đã cập cảng Rạch Giá an toàn. Sau đó bằng phương thức địch không ngờ tới này, anh em còn đi nhiều chuyến thành công nữa.
Để hoạt động công khai, cuối tháng 7.1972, Tư Mau trong vai một nhà tư sản đến mua căn nhà số 27/20 đường u Dương Lân, phường Rạch Ông, quận 8, Sài Gòn. Lấy danh nghĩa là một gia đình chủ tàu đánh cá, Tư Mau xin giấy phép thành lập Công ty Việt Long, chuyên chở hàng thuê đi miền Trung, mua bán thuyền đi biển, máy cũ và cây cảnh. Đoàn 371 đã mua các thuyền SG66, SG67, SG158, SG159 để vận chuyển vũ khí và mua 3 thuyền vận tải VT235, VT254, 2674KG để đi làm kinh tế kết hợp nghi trang che mắt địch. Công ty còn mướn thợ đóng 2 chiếc tàu ở Biên Hòa trọng tải 120 tấn, 500 mã lực có gắn máy lạnh. Công ty có 10 kho cất giấu vũ khí, hàng hóa ở ngay Sài Gòn. Thời gian này Công ty Việt Long (tức Đoàn 371) thường xuyên tổ chức mỗi chuyến 2 thuyền, có lần 3 thuyền ra vịnh Hạ Long nhận vũ khí, mỗi lần từ 15 đến 27 tấn về bến an toàn. Bến giao hàng cũng được điều chỉnh. Ngoài bến Đông Cùn, Đoàn 371 mở thêm Bến Hố, Cà Mau, Trà Vinh. Cơ sở của đoàn mở rộng từ Rạch Giá đến duyên hải Trà Vinh, Vũng Tàu, Sài Gòn và Long Hải (Bà Rịa). Đoàn 125 ở Bắc có nhiệm vụ tiếp đón các đội công tác, sửa chữa tàu thuyền, chuyển giao hàng và hộ tống thuyền của đoàn qua các vùng biển phức tạp.
|
“Thay đổi hẳn gương mặt tôi”
Sau vụ phản bội của Ba Tam (tức Nguyễn Văn Rớt, một cán bộ của văn phòng công ty, vốn là em trai của một cán bộ Tỉnh đội Bến Tre), Đoàn 371 bị tổn thất nặng nề. 100 cán bộ và công nhân bị bắt, văn phòng ở Sài Gòn và một số thuyền bị địch tịch thu. May thuyền vẫn còn lại 5 chiếc, trong đó 4 chiếc đang ở miền Bắc với 23 người, trong đó có 3 cán bộ chỉ huy là Tư Mau, Mười Thượng, Mười Khanh; một thuyền ở Bến Hố không bị lộ, lực lượng ở các bến vẫn còn đầy đủ. Quân khu 9 điện cho biết, bọn phản bội đã cung cấp cho địch nhân dạng Tư Mau. Vì thế Tư Mau đề nghị: “Thay đổi hẳn gương mặt tôi”. Theo nhà văn Nguyên Ngọc thì Tư Mau phải đi phẫu thuật chỉnh hình ở Bệnh viện 108. Mổ chân mày từ cong, dài, làm cho thẳng và ngắn lại. Mũi bạnh ra, miệng cũng rộng hơn. Khi vết mổ đã lành, Tư Mau về gặp đồng chí Lê Đức Anh ở Bộ tổng tham mưu. Tư Mau hỏi: “Anh coi tôi có khác không?”. Ông Lê Đức Anh lắc đầu: “Mình vẫn nhận ra mà! Chưa được đâu”. Thế là Tư Mau lại vào Bệnh viện 108, cắt sườn non độn cho mũi cao lên. Bứng hết cả da đầu, xoay ngược mái tóc từ trước ra sau. Đốt má cho đầy tàn hương. Đốt cả đầu ngón tay để làm biến dạng dấu vân tay. Lần này về Bộ tổng tham mưu, ông Lê Đức Anh không nhận ra được, Tư Mau lên đường về Nam theo đường Trường Sơn... Một thời gian sau ở Sài Gòn xuất hiện một nhà tư sản mới, chủ vựa cá Sáu Thuận. Và những đoàn thuyền hợp pháp lại ra Bắc chở vũ khí vào cho Quân khu 9 cho đến năm 1975...
Bằng phương thức hoạt động công khai này, từ đầu năm 1972 đến cuối năm 1973, Đoàn 371 đã thực hiện 37 chuyến ra Bắc, chở 600 tấn vũ khí, hàng hóa, thuốc chữa bệnh vào chiến trường Nam Bộ an toàn, bí mật. Đặc biệt, đoàn còn chở những cán bộ cao cấp là đồng chí Sáu Nam (Lê Đức Anh) ra Bắc và Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) từ Bắc vào Nam tuyệt đối an toàn...
Ngô Minh
>> Kỳ 5: Những vị khách đặc biệt
Bình luận (0)