Huyền thoại đường trên biển - Kỳ 7: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, linh hồn của đoàn tàu

21/09/2011 00:16 GMT+7

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là người ra lệnh mở đường vận tải trên biển từ năm 1959 mà sau này thường gọi là “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Trong suốt 14 năm, những con tàu không số luôn là mối quan tâm lớn của vị tướng thiên tài.

>> Huyền thoại đường trên biển - Kỳ 6: Hoàng thân trên tàu không số

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi kiểm tra vùng biển Quảng Ninh - ảnh: Tư liệu

Tháng 7.1959, Đại tướng, Bí thư Quân ủy Trung ương Võ Nguyên Giáp chỉ thị cho Bộ Tổng tham mưu thành lập tiểu đoàn Vận tải thủy 603 làm nhiệm vụ chi viện vũ khí cho miền Nam, mang tên “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”. Đại tướng dặn đi dặn lại: “Việc mở đường không được ai biết... Không để lọt vào tay địch một người, một hiện vật. Một mẩu thuốc lá cũng có thể tạo nên một tang chứng làm hỏng việc lớn...”.

Sau vụ tàu vận tải 603 chở 5 tấn vũ khí vào Hố Chuối dưới chân đèo Hải Vân không thành, 6 thủy thủ bị địch bắt, phải đổ toàn bộ vũ khí xuống biển, Đại tướng rất băn khoăn. Đại tướng thay mặt Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Bộ Tổng tham mưu ngưng ngay hoạt động của “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”, tìm cách thức vận chuyển mới. Đại tướng nói: “Đường thủy có nhiều khả năng thực hiện. Có thể dùng biện pháp từ trong miền Nam ra lấy hàng và từ miền Bắc đưa hàng vào gặp nhau chuyển hàng giữa đường”. Trung tướng Trần Văn Trà, lúc đó là Phó tổng Tham mưu trưởng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp phân công trực tiếp mở tuyến vận tải chiến lược Bắc- Nam trên biển.

Thế là các tỉnh Nam Bộ, Khu 7, Khu 8 khẩn trương tổ chức lực lượng và phương tiện ra Bắc nhận vũ khí. Bến Tre tổ chức được 3 đội thuyền ra Bắc, và 2 thuyền đã cập bến Kỳ Anh, Hà Tĩnh vào tháng 8.1961. Quân ủy Trung ương chỉ đạo Bến Tre không đưa đội thuyền thứ hai ra nữa mà ở lại để chuẩn bị bến bãi, kho tàng, sẵn sàng đón tàu chở vũ khí vào. Các thuyền đầu đóng giả thuyền đánh cá miền Nam với giấy tờ, căn cước đàng hoàng. Bạc Liêu - Cà Mau cũng thành lập được 2 đội thuyền, nhưng chỉ một thuyền của Bông Văn Dĩa ra được Bắc, cập cảng Nhật Lệ. Trà Vinh cũng lập được một đội thuyền vượt biển, nhưng lạc sang Macau, rồi Trung Quốc, nhờ Đại sứ quán ta mới về được miền Bắc. Bà Rịa cũng có thuyền vượt biển, bị lạc vào đảo Hải Nam, Trung Quốc, cuối cùng cũng về được miền Bắc. Ra đến miền Bắc, số cán bộ chiến sĩ miền Nam này chính là lực lượng nòng cốt để Bộ Tổng tư lệnh xây dựng Đoàn tàu không số - Đoàn 759.

Để chắc ăn, Đại tướng đã chỉ thị cho Bông Văn Dĩa phải trở về thăm dò tình hình địch và bến bãi ở Khu 9, Cà Mau, rồi ra lại báo cáo tình hình địch. Trung tuần tháng 8.1962, Quân ủy Trung ương họp thông qua Nghị quyết mở đường vận chuyển chiến lược trên biển chi viện cho cách mạng miền Nam. Sau khi nghe Trung tướng Trần Văn Trà báo cáo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hỏi: “Liệu có thể đảm bảo thành công 50% những chuyến đi không?”. Tướng Trần Văn Trà trả lời: “Đạt 100% thì khó chứ 50% thì tôi chắc được”. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh nói thêm: “Chỉ cần nửa số chuyến đi vào được bến cũng đã là thắng lợi to rồi!”. Thế là nghị quyết chính thức được thông qua.

Và 22 giờ ngày 11.10.1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên được gọi là “Phương Đông 1” cùng với 13 chiến sĩ do thuyền trưởng Lê Văn Một và chính trị viên Bông Văn Dĩa chỉ huy, chở hơn 30 tấn vũ khí rời bến Vạ Sét, Đồ Sơn lên đường đi Cà Mau. Tàu từ Hải Phòng ra hải phận quốc tế theo tuyến Hồng Kông - Sài Gòn, Hồng Kông - Thái Lan, đến ngoài khơi Cà Mau thì chuyển hướng chạy thẳng vào bến ở các cửa sông theo kế hoạch. Tàu không mang số mà chuẩn bị sẵn rất nhiều biển số các tàu đánh cá của ngư dân vùng biển miền Trung và Nam Bộ.

Theo kế hoạch tàu sẽ đi 5 ngày. Tàu mới đi 1 ngày, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp đã sốt ruột hỏi: “Có tin gì chưa?”. Hôm sau lại hỏi: “Tàu đã đến nơi chưa?”. Sau 9 ngày vượt biển, tàu Phương Đông 1 đã vào đến bến Vàm Lũng, Cà Mau trước sự vui mừng khôn xiết của mọi người. Ngày 19.10, Bí thư Khu ủy Khu 9 Phạm Thế Bường điện cho Quân ủy Trung ương: Tàu đã về đến nơi an toàn... Nhận được điện báo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mắt nhòa lệ, nói: “... Tính ra theo đường biển, tàu chở 30 tấn vũ khí đủ trang bị cho một tiểu đoàn, chỉ đi trong 9 ngày với một tiểu đội, lợi hơn gấp bao nhiêu lần đường bộ, bằng 1.500 người gùi cõng trên đường Trường Sơn A trong 5 tháng...”. Đó là sự đánh giá, tổng kết rất chính xác.

Trong vòng 2 tháng tiếp theo, Đoàn 759 đã thực hiện được 4 chuyến tàu không số về bến an toàn, đưa được 111 tấn vũ khí vào cung cấp cho Khu 9. Số vũ khí này có thể trang bị cho 2 trung đoàn chủ lực. Nếu đi đường bộ, theo cách tính của Đại tướng thì phải mất 5.550 người gùi cõng trong 5 tháng. Trong lúc đó, mãi cuối năm 1964, đường Trường Sơn mới vươn đến vùng ba biên giới, chủ yếu chi viện cho Tây Nguyên và vùng giáp ranh Liên khu 5, chưa thể vào Nam Bộ được.

Vì thế, sau khi nghe đề án vận chuyển vũ khí bằng đường biển cho Khu 5, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định : “Đường biển là con đường duy nhất có thể chi viện cho đồng bằng sông Cửu Long, nên phải giữ cho được bí mật con đường đó. Phải kiểm tra thật kỹ, nắm chắc từng chuyến đi vào Khu 5. Không để một sai sót nhỏ khiến kẻ địch nghi ngờ...”. Theo chỉ đạo của Đại tướng, Đoàn 759 đã tiến hành rất nhiều chuyến tàu vào bến Ray (Bà Rịa), bến Lộ Giao (bãi ngang) Bình Định.

 Ngày 29.11.1964, tàu 56 do thuyền trưởng Lê Quốc Thân chỉ huy đã chở 44 tấn vũ khí cập bến Sông Ray an toàn. Số vũ khí này đã trang bị cho 2 trung đoàn bộ đội chủ lực để lập nên chiến thắng Bình Giã vang dội. Còn tàu 401 giữa đêm 31.10.1964 bắt được tín hiệu bến Lộ Giao. Đúng lúc đó thì máy tàu bị hỏng, địa hình trống trải, không có cây cối che chắn, tàu phải dỡ hàng ngay bờ cát. Tuy hàng được đưa vào chỗ thu giấu thành công, anh em đã đốt tàu để phi tang, nhưng khi nghe báo cáo tình hình tàu 401, Đại tướng đã chỉ thị ngay: “Không sử dụng bến Lộ Giao nữa. Phải theo dõi chặt tình hình địch ở quanh khu vực đó và kết luận xem chúng có phát hiện ra ý đồ của ta không. Tìm cách đưa hàng vào bến mới ở Phú Yên”. Sau khi nghe Cục Tác chiến và Bộ tư lệnh Hải quân chọn Vũng Rô làm bến đỗ, vì đây sẽ là chỗ không ngờ nhất đối với Mỹ và quân đội Sài Gòn, Đại tướng ngẫm nghĩ một lúc rồi quyết: “Đồng ý vào Vũng Rô”. Vậy là thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh (hiện sống ở Tuy Hòa, Phú Yên) đã chỉ huy 3 chuyến tàu vào bến Vũng Rô thành công với 180 tấn vũ khí cho chiến trường Khu 5...

Ngô Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.