Huyền thoại đường trên biển - Kỳ 8: Những anh hùng chưa được tuyên dương

21/09/2011 17:14 GMT+7

Trên biển không có chỗ ẩn nấp, không có đồng đội ứng cứu, không có nhân dân che chở. Thế nên, những người vượt ba bốn ngàn hải lý trên biển Đông để chở vũ khí chi viện cho miền Nam đều xứng đáng là những anh hùng.

>> Kỳ 7: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, linh hồn của đoàn tàu

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: “Chi viện vũ khí cho Nam Bộ duy nhất chỉ có đường biển”. Trên mặt trận Khu 9, Khu 8, Khu 7 và một phần Khu 5, hầu hết bộ đội ta chiến đấu bằng vũ khí do các con tàu không số chuyển vào. Từ năm 1962-1972, đã có gần 200 chuyến tàu không số vào Nam, vận chuyển được  gần 7.000 tấn vũ khí, hàng ngàn lượt cán bộ công tác.

Cho đến năm 2004, có 8 thuyền trưởng được Nhà nước phong danh hiệu anh hùng. Đó là các liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh, Nguyễn Văn Hiệu, các thuyền trưởng và tài công  Đặng Văn Thanh, Hồ Đức Thắng, Vũ Huy Lễ, Vũ Phi Trừ, Nguyễn Văn Cúng, Nguyễn Chánh Tâm. Hiện vẫn còn hàng chục thuyền trưởng lừng danh, nhiều chiến sĩ  các bến bãi đổ hàng vẫn chưa được xét phong tặng danh hiệu gì. Họ đang mỗi ngày mỗi già đi, nhiều người đã mất...

Như má Nguyễn Thị Mười (Mười Rìu), một tiểu thương ở khu phố Hải Tân, thị trấn Phước Hải, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chồng má là Lê Văn Rìu đã hy sinh ở Chiến khu D, không tìm thấy xác. Để đưa con trai và 5 đồng đội bí mật vượt biển ra Bắc tiếp nhận vũ khí, má đã bán hết tài sản của gia đình được 8 lượng vàng, rồi vay bà con không biết bao nhiêu lượng nữa, giúp cách mạng mua gỗ đóng thuyền, mua máy chạy ghe, 6 tấn gạo, 12 cheo lưới, 6 bộ quần áo nâu, làm 6 giấy căn cước. Chuyến ghe đầu tiên bí mật vượt biển ra Bắc có 6 chiến sĩ là Nguyễn Sơn, Thôi Văn Nam, Trần Văn Phủ, Nguyễn Văn Thanh (tự Nhung), Võ An Ninh (tự Liễu) và con trai duy nhất của má là anh Lê Hà. Chuyến tàu đầu tiên về bến Lộc An ngày 10.3.1963, đem theo 19 tấn vũ khí.  Má Mười cùng bà con chuyển vũ khí từ tàu vào kho Vàm Láng cất giấu an toàn. Từ năm 1963 - 1965, má Mười tổ chức đón và chuyển trên 50 tấn vũ khí của 3 lượt đoàn tàu không số, trong đó có chuyến vũ khí chi viện cho chiến dịch Bình Giã.

Con trai Lê Hà của má Mười  Rìu là một thuyền trưởng gan góc. Anh đã cùng với các thuyền trưởng vùng đất đỏ Bà Rịa như Nguyễn Sơn, Thôi Văn Nam chỉ huy mười mấy chuyến tàu không số cập bến thành công. Lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển (1961-2011) của Lữ đoàn 125 viết: “...Ngày 12.4.1972, thuyền trưởng Lê Hà và Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu chỉ huy tàu V645 xuyên qua quần đảo Trường Sa đi xuống phía Nam chở hàng cho Quân khu 9. Sáng 24.4, khi tàu đang chuyển hướng vào bờ thì gặp tàu khu trục của hải quân địch phát hiện, yêu cầu dừng máy nếu không sẽ bắn. Lê Hà cho tàu chuyển hướng ra hải phận quốc tế hướng Malaysia và treo cờ phản đối. 8 giờ 30 phút, tàu địch nổ súng, tất cả các hỏa lực trên tàu bắn thẳng vào tàu V645. Anh em vừa lái tàu cơ động vừa chiến đấu bắn trả. Ba đồng chí hy sinh, một số bị thương. Xích lái bị đứt. Khoang chứa hàng trúng đạn. Nước tràn vào tàu. Lê Hà cùng anh em vừa tát nước vừa bắn  trả địch. Do mất lái nên con tàu chạy vòng tròn. Lê Hà và Nguyễn Văn Hiệu quyết định hủy tàu. Lệnh cho mọi người rời tàu trong 30 phút. Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu ở lại điểm hỏa. Đó là lúc 10 giờ ngày 24.4.1972, một tiếng nổ làm rung chuyển biển trời. Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu và 6 chiến sĩ ta đã anh dũng hy sinh. Số còn lại, trong đó có thuyền trưởng Lê Hà bị địch bắt về giam ở  nhà tù Phú Quốc và được trao trả theo Hiệp định Paris năm 1973”.

Loạt bài Huyền thoại đường trên biển sử dụng nguồn tài liệu Lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển và Lữ đoàn tàu vận tải quân sự 125 Hải quân do NXB Quân đội Nhân dân sắp xuất bản; sách Có một con đường mòn trên biển Đông của Nguyên Ngọc (NXB Trẻ, 2000), Thuyền trưởng  tàu không số đầu tiên trên biển Đông (Nhật ký Lê Văn Một) (NXB Trẻ, 2006 ), tư liệu cá nhân ông Phan Thắng (Vĩnh Mẫn) và một số ít tư liệu của Xuân Ba, Lê Đức Dục, Mã Thiện Đồng.
Thế nhưng, theo nhà văn Mã Thiện Đồng, sau khi được trao trả về đơn vị, người thuyền trưởng can trường Lê Hà lại bị khai trừ Đảng, mất hết cả chế độ quân ngũ , chế độ thương bệnh binh, về quê nuôi má Mười Rìu sống qua ngày. Tương tự, thủy thủ Lê Văn Khung đi cùng tàu với thuyền trưởng Phan Vinh anh hùng trên tàu 235 vào bến Hòn Hèo, Nha Trang. Anh bị địch bắt giam tù ở Phú Quốc. Sau khi trao trả trở về, anh không được công nhận là thủy thủ D125 nữa.

Hay anh Lê Văn Một, người thuyền trưởng chỉ huy con tàu Phương Đông I đầu tiên mang hàng về Cà Mau từ 65 năm trước. Anh là người có học, rất giỏi đi biển.  Anh từng mang tên Tây Abel René, là cựu thủy thủ thuộc hải quân Pháp, lấy vợ Thái Lan tên là Khiểu Cachi. Trong kháng chiến chống Pháp, anh được chọn vào lực lượng vận tải vũ khí từ Thái Lan về Nam Bộ, là thuyền trưởng con tàu không số đầu tiên cập bến Vàm Lũng, Cà Mau năm 1962. Rồi anh lại làm thuyền trưởng tàu mang bí số 41 mở đường đưa vũ khí vào Đông Nam Bộ  cập bến Lộc An, Bà Rịa. Đó là những chiến công mang tính “mở đường”. Lê Văn Một đi tàu không số mà ghi nhật ký hẳn hoi, sau này Nhà xuất bản Trẻ in thành sách. Anh đã chiến đấu như một anh hùng giữa biển khơi đầy bất trắc, nguy hiểm, được đồng đội yêu mến và kính trọng. Lê Văn Một mất năm 1982 và được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng ba, còn danh hiệu anh hùng thì chưa...

Hay Hồ Đắc Thạnh, chỉ riêng việc mở đường đưa tàu vào Vũng Rô thành công tới 3 chuyến liền đã xứng danh anh hùng rồi. Ông Thạnh bây giờ đã già, viết thư cho Phan Thanh (Vĩnh Mẫn), ông tâm sự: “Từ đó đến nay đã 47 năm rồi còn gì. Biết bao nhiêu thay đổi. Lục xới lại những vấn đề đó quá khó khăn…”.  Ngoài những  người kể trên, còn có hàng chục thuyền trưởng, máy trưởng, chính trị viên tàu không số  như Nguyễn Sơn, Đinh Đạt, Phan Văn Xã, Nguyễn Hữu Phước, Nguyễn Văn Đức, Phan Văn Sạn, Huỳnh Văn Sao, Phạn Nhạn, Dương Văn Lộc, Nguyễn Minh Quang, Thôi Văn Nam, Nguyễn Văn Bé, Dương Tấn Kịch, Võ Hán... Chiến công trên biển Đông của mỗi người có thể viết thành một chương trong bộ sách đồ sộ về những thủy thủ tàu không số.

Mới đây ông Vĩnh Mẫn đã cùng đồng đội tàu không số trong Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển đã bàn bạc, lập một danh sách đề nghị Lữ đoàn 125, Bộ Tư lệnh Hải quân đề đạt lên trên xét tặng danh hiệu anh hùng cho các chiến sĩ tàu không số. Vừa qua, Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng đã ra chỉ thị về việc kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển vào ngày 23.10.2011 sắp tới, với tầm quốc gia như kỷ niệm 50 năm đường Trường Sơn (năm 2009). Chủ tịch nước đã có chỉ thị cho Lữ đoàn 125 kê khai lập danh sách và bản thành tích để xét phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho thủy thủ tàu không số. Cầu mong những con người can trường trên biển Đông năm xưa sẽ có niềm an ủi vào cuối đời...

Ngô Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.