Huyền thoại kho vàng Yamashita: Cuộc truy sát của Tổng thống Marcos

29/09/2016 06:04 GMT+7

Rosax lẩn trốn không được lâu. Chỉ vài ngày sau, Rosax bị 2 mật vụ phát giác tại Cabanatuan.

Tiên lễ hậu binh, Rosax được đề nghị trả 3 triệu peso với điều kiện phải công khai xác nhận bức tượng Phật bằng đồng chính là bức tượng ông tìm thấy.
Cuối tháng 4, được chánh án tòa tối cao đảm bảo tính mạng, Rosax trở lại Baguio để xác nhận bức tượng.
Cùng trở về với Rosax có 4 vệ sĩ và 2 công tố viên, luật sư riêng của Rosax cùng một đội ngũ phóng viên báo chí, truyền hình. Tại tòa, Rosax dũng cảm (hay ngu xuẩn) tuyên bố bức tượng Phật là giả vì khác màu, nét mặt khác và cái đầu không xoay được. Thêm nữa, bức tượng cũng không có những dấu khoan nhỏ trên cổ.
Giới báo chí lặng người vì một người đàn ông dám thách thức quyền lực của cả gia đình Tổng thống Marcos. Tuy nhiên, đảng Tự do đối lập lại phấn khích trước những lời tuyên bố đó. Họ xem coi đây là cơ hội để đánh bại Marcos trong cuộc tranh cử tổng thống sắp tới.
Lãnh đạo đảng đối lập thuyết phục Rosax ra làm chứng ở Thượng viện trong cuộc điều tra “Vụ bức tượng Phật bằng vàng”. Ngày 4.5.1971, Rosax cung cấp toàn bộ chứng cứ trước nghị viện. Tổng thống Marcos lập tức lên tiếng đây là một âm mưu chính trị nhằm tấn công ông ta và đe dọa sẽ có một cuộc trả đũa.
14 ngày sau, Rosax trở về ẩn nấp ở Cabanatuan thì một lần nữa lại bị truy lùng và bắt giữ. 3 mật vụ của Marcos mặc thường phục đã bắt và đưa Rosax đến nhà một sĩ quan cảnh sát, đánh đập dã man. Trong bóng tối lờ mờ, một viên cảnh sát đưa cho Rosax xem tấm hình của vợ, con và dọa: Nếu còn muốn gặp lại họ, ông phải cung cấp tên những nghị sĩ đã xúi ông ra làm chứng ở Thượng viện, và phải khai chỗ cất giấu kho vàng. Rosax từ chối, lập tức ông bị chích điện ở khắp người, và bị gí bỏng bởi tàn thuốc lá.
Đám cảnh sát tiếp tục đưa Rosax đến một khách sạn ở Angeles City. Tại đây, cảnh sát giam và tra tấn ông liên tục trong 2 tuần lễ. Lần này ông bị đánh vào đầu và mặt bằng gậy cao su cho đến khi ngất. Đến giờ, mắt trái của ông bị mù. Những kẻ tra tấn buộc ông phải ký vào một tờ giấy xác nhận là việc lục soát nhà ông đã diễn ra một cách ôn hòa, và những binh sĩ lục soát không hề mang vũ khí.
Một hôm, Rosax bị đưa trở lại tòa án ở Baguio. Đêm đó, ông mở được khóa cửa sổ và chạy đến trốn ở nhà người chị. Ông gọi điện cho một thượng nghị sĩ, trình bày những việc đã xảy ra và một lần nữa lại được yêu cầu làm chứng trước Thượng viện. Rosax đã làm điều đó vào ngày 30.6.1971, tố cáo hết những gì đã xảy ra với ông.
Đến đầu tháng 7, Rosax lại bị bắt vì “không đến tòa trình diện vì bị cáo buộc tàng trữ vũ khí trái phép”. Ông bị tuyên án phạt tù vì không xuất hiện trong trát gọi hầu tòa trước đó. Sau 1 tháng ở tù, ông được bảo lãnh tại ngoại bởi một luật sư do thượng nghị sĩ Sergio Osmena Jr - lãnh đạo đảng Tự do đối lập, có cha từng làm tổng thống Philippines, cử đến. Rosax được đưa lên máy bay riêng chở đến Plaza Miranda, nơi ông Osmena yêu cầu Rosax nói chuyện trong một cuộc tuần hành chính trị tối hôm đó.
Cuộc tuần hành thu hút một đám đông khổng lồ với nhiều lãnh tụ đối lập. Rosax được dặn ngồi yên trên một chiếc xe cho đến khi được yêu cầu bước ra sân khấu. Vài phút sau, ai đó ném 2 quả lựu đạn lên sân khấu. Đám đông hỗn loạn. 10 người thiệt mạng và 66 người khác bị thương, trong đó có cả thượng nghị sĩ Osmena. Nhiều nguồn tin nghi ngờ vụ ném lựu đạn này do Marcos ra tay. Trong khi đó, Marcos đổ lỗi cuộc tấn công là do phe cộng sản. Marcos đình chỉ lệnh quyền được miễn tố và ra lệnh bỏ tù nhiều đối thủ chính trị.
Hoảng sợ, Rosax trốn biệt khỏi Manila trong suốt 12 tháng. Khi trở về nhà vào tháng 7.1972, ông lập tức bị 2 mật vụ canh trước nhà bắt giữ. Họ đưa Rosax đến một căn cứ hải quân ở tỉnh Zambales và giam giữ ông tại đây. Những câu hỏi thẩm vấn xoay quanh Rosax vẫn là nơi phát hiện tượng Phật vàng ở đâu?
Tháng 1.1973, Rosax lại thua trong phiên tòa phúc thẩm xử tội tàng trữ vũ khí trái phép. Rosax bị đưa đến nhà tù Baguio, tại đây, ông ít nhất 2 lần bị đánh đập và tra vấn địa điểm hầm chứa vàng. Sau khi thụ án gần 2 năm, Rosax ra tù và trở về nhà.
Không thể bắt ép và thuyết phục Rosax hợp tác, Marcos cho người nhổ từng cái răng của Olimpio Magbanua - người cộng tác với Rosax trong việc đào bới. Anh này không chịu nổi và khai nơi cửa vào đường hầm.
Một ngày năm 1974, nhân viên Bệnh viện Baguio nhìn thấy các binh sĩ khiêng ra từng hòm nặng, mỗi hòm cần 4 - 6 người khiêng. Có hòm vỏ gỗ bên ngoài đã mục nát, bị vỡ và làm rơi ra 3 thanh vàng to cỡ 1 tút thuốc lá, nặng tầm 75 kg. Các nhân viên bệnh viện ước tính mỗi ngày có 5 hòm như thế được đưa lên xe tải trong suốt quãng thời gian dài, ước tính khoảng 3.600 hòm, tổng cộng 10.800 thanh vàng nặng 75 kg mỗi thanh.
Rosax biết quân đội đã tìm ra kho báu của ông và đã đánh cắp hết số vàng ông tìm thấy. Năm 1976, đầu hàng số phận, ông đưa gia đình đến một nơi bí mật và họ ở đó yên ổn trong 10 năm. Rosax xuất hiện trở lại vào năm 1986, sau khi Tổng thống Ferdinand Marcos và bà vợ Imelda Marcos bị chính quyền Tổng thống Ronald Reagan truất phế và đưa đi lưu vong ở Hawaii. Lúc này, Rosax trở lại bắt đầu cho một vụ kiện lớn nhất trong lịch sử các vụ kiện dân sự, yêu cầu Marcos trả lại số vàng bị cướp.
Sau nhiều năm đeo đuổi vụ kiện, năm 1998, tòa án tối cao Hawaii đã tuyên phía Imelda Marcos (lúc này cựu Tổng thống Marcos đã qua đời) phải bồi thường cho phía Roger Rosax 22 tỉ USD, là số tiền chiếm đoạt từ bức tượng Phật vàng và số vàng Rosax tìm kiếm được. Đây là mức bồi thường án dân sự lớn nhất trong lịch sử thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.