Huyền thoại nơi rồng ẩn mình

22/09/2012 16:30 GMT+7

Người dân Biên Hòa truyền tụng về câu chuyện ở dãy núi đá phía Tây Bắc, bên tả ngạn sông Đồng Nai là nơi rồng ẩn mình.

Sử sách ghi lại, cách đây khoảng 300 năm, tại vùng núi thuộc huyện Phước Chánh, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa (nay là Đồng Nai) chỉ là đồi núi hoang vu, lác đác vài mái nhà. Ngày nọ, một nhà sư có pháp danh Bửu Phong thiền sư đến đây, thấy phong cảnh đẹp nên xây một ngôi chùa để niệm phật, đặt tên chùa Bửu Phong, còn ngọn núi nơi đặt ngôi chùa được gọi tên là núi Bình Điện.

 Hồ Long Ẩn ở khu du lịch Bửu Long được xây dựng mô phỏng hình thù một con rồng dài nằm ẩn trong dãy núi đá
Hồ Long Ẩn ở khu du lịch Bửu Long được xây dựng mô phỏng hình thù một con rồng dài
nằm ẩn trong dãy núi đá - Ảnh: Bá Dương

Khoảng 150 năm sau, có một nhà địa lý đến đây nghiên cứu và cho biết khu vực này có hình dáng một con rồng đang ẩn mình (long ẩn). Từ đó, mọi người truyền rằng khu vực này có con rồng nằm uốn khúc qua bên kia sông Đồng Nai. Trong đó, đuôi rồng là núi Châu Thới (thuộc tỉnh Bình Dương), mình rồng là núi Bửu Phong, đầu rồng là núi Bửu Long. Những đảo núi nhỏ bên tả long và hữu long người ta gọi là vảy rồng, chân rồng.

Thời kỳ này, người dân cho rằng rồng ẩn ở đây mang theo nhiều sản vật (đá tự nhiên rộng hàng trăm hecta) nên rủ nhau đến khai thác. Từ đó, hình thành một làng nghề làm đá có lịch sử hàng trăm năm được gọi tên là làng đá Bửu Long.

Qua quá trình khai thác, những cụm núi liên hoàn nhau đã tạo thành những đảo núi nhỏ. Đặc biệt, những tảng đá sau quá trình khai thác, cộng với thời gian bào mòn của tự nhiên đã hình thành nên những thù hình kỳ dị trông như hàm rồng, những tảng núi nhỏ có hình hàm hổ, hình voi, cá, rùa… nên từ đó câu chuyện rồng ẩn càng thêm huyền bí, uy nghiêm. Ông Ngô Hải Thanh, một thợ đá lâu năm tại P. Bửu Long (TP.Biên Hòa) bộc bạch: "Không biết làng nghề đá xuất hiện từ khi nào nhưng nghe lưu truyền, xa xưa có những người dân từ Quảng Đông (Trung Quốc) theo đường biển đến Gia Định, men theo nhánh sông Đồng Nai rồi dừng chân ở Bửu Long. Làng đá Bửu Long có từ đó và tồn tại đến ngày nay".  Còn ông Ngọc Thy, người có thâm niên 40 năm trong nghề đá dẫn chúng tôi tham quan những khối đá đẽo gọt thành những con kỳ lân, rồng, hổ, sư tử... nói: "Đá ở Bửu Long trội hơn các khu vực khác nhờ chất liệu xanh, mịn, cứng, không bị phai mờ, hoen ố theo thời gian...Do đó ai ai cũng nghĩ đây là báu vật của rồng"

Ông Phùng Văn Nhiều, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (chủ đầu tư Khu du lịch Bửu Long) cho biết, thắng cảnh Bửu Long rộng 84 ha, gồm các cụm núi Bình Điện, núi Long Ẩn và hồ Long Ẩn. Đặc biệt tại hồ Long Ẩn, có diện tích 18,5 ha, nước sâu khoảng 22m, trong xanh. Giữa hồ nổi lên 1 hòn đảo khổng lồ. Từ hòn đảo này, Khu du lịch Bửu Long đã cho xây dựng mô phỏng hình thù một con rồng dài nằm ẩn trong dãy núi đá, đầu rồng ngữa lên trời để minh họa cho sự ẩn mình của loài rồng tại đây".

Theo ông Ngô Hải Thanh đá có nhiều loại như đá đỏ, đen của Bình Định; đá xanh của Phan Rang;  đá tím của Khánh Hòa, đá xám ở Bà Rịa…. Nhưng chất liệu đặc biệt nhất làm nên nét rất riêng của làng đá nam bộ chính là đá xanh Bửu Long. “Tuy không lấp lánh, không có hoa văn, nhưng đá Bửu Long có màu xanh nhạt rất đặc biệt, phù hợp với việc thiết kế, xây dựng hay thực hiện những tác phẩm điêu khắc. Những tảng đá to hàng chục tấn được chở về, khi đưa vào máy cắt sẽ cho ra những tảng đá đủ kích cỡ, vừa nhanh, đỡ tốn công sức. Đá lớn thì làm biểu tượng, đá nhỏ làm trụ, cột, nhỏ hơn làm đá lát lề đường...”

                                         

Theo sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, tên gọi Bửu Long xuất hiện từ rất lâu, do dân gian ghép tên của 2 ngọn núi là Bửu Phong sơn và Long Ẩn sơn.

               

Bá Dương

>> Đất thiêng trên biển Đông
>> Hát ở đất thiêng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.