Thực tế, hóc dị vật sẽ để lại một số biến chứng nặng nề như chảy máu, tạo ổ áp xe, thủng trung thất hoặc đâm vào và làm tổn thương những động mạch có kích thước lớn xung quanh thực quản, thậm chí gây tắc đường thở nếu không xử trí kịp thời.
Xương cá xuyên thành ruột thừa, tạo ổ áp xe
Ngày 6.4.2021, bệnh nhân T.N.T (nam, 26 tuổi), nhập viện tại Bệnh viện ĐK Gia Đình với triệu chứng đau bụng và phản ứng thành bụng khu trú hố chậu phải, sau khi đã điều trị 10 ngày ở bệnh viện tuyến dưới nhưng tình trạng không cải thiện.
Sau khi được các bác sĩ chuyên ngành Ngoại tiêu hóa thăm khám lâm sàng, phối hợp với kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh trong quá trình siêu âm, X-quang bụng, CT scan bụng… kết quả phát hiện hình ảnh ổ áp xe hố chậu phải kèm theo dị vật bên trong.
Ngày 8.4, với sự đồng thuận của bệnh nhân và người nhà, ê kíp đã tiến hành phẫu thuật nội soi, lấy bỏ thành công dị vật xương cá xuyên thành ruột thừa, đồng thời xử trí triệt để ổ áp xe phúc mạc. Ca mổ kéo dài khoảng 90 phút, với sự kết hợp nhịp nhàng giữa các bác sĩ, kỹ thuật viên khoa Ngoại và khoa Gây mê hồi sức.
Theo ThS-BS Lê Xuân Long và ThS-BS Nguyễn Hoàng - hai bác sĩ phụ trách chính, “Sau phẫu thuật bệnh nhân ổn định, trung tiện được, đã được ăn uống trở lại, bụng mềm, xuất viện sau 3 ngày hậu phẫu”.
Bác sĩ Hoàng cũng cho biết thêm: “Trong suốt thời gian qua, phẫu thuật nội soi là kỹ thuật xâm nhập tối thiểu được đội ngũ bác sĩ khoa Ngoại Bệnh viện Đa khoa Gia Đình ứng dụng rộng rãi trong nhiều bệnh lý và đã mang lại nhiều kết quả khả quan trong điều trị cho bệnh nhân”.
|
Biến chứng khi bị dị vật đường tiêu hóa rất nguy hiểm nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời có thể gây thủng nội tạng chảy máu, áp xe tại chỗ, nhiễm trùng máu thậm chí gây tử vong.
Triệu chứng dị vật đường tiêu hóa và điều trị
Tùy theo vị trí của dị vật trong đường tiêu hóa mà bệnh nhân khi nuốt dị vật có những triệu chứng tương ứng:
Dị vật thực quản thường có các triệu chứng: bệnh nhân có cảm giác nuốt vướng, nuốt đau; Một số trường hợp thấy tức ngực khó thở, đau kèm theo nóng rát vùng sau xương ức. Giai đoạn muộn thì dị vật gây xước rách, nhiễm trùng tại vị trí mắc phải, người bệnh có sốt, đau nhiều vùng họng, ứ đọng đờm giải và thức ăn.
Dị vật dạ dày như khối thức ăn gây tắc môn vị và hành tá tràng, bệnh nhân vẫn ăn uống được, chỉ có cảm giác buồn nôn, và thường nôn ra dịch thức ăn chưa tiêu lẫn thức ăn cũ.
Dị vật ruột non, ruột thừa hay đại trực tràng thì triệu chứng mơ hồ trong một vài ngày đầu, có thể bệnh nhân đau bụng lâm râm, dễ nhầm nhẫn các bệnh lý khác, giai đoạn muộn hình thành khối áp xe thì bệnh nhân nhiễm trùng nặng hơn, sốt hoặc có biểu hiện viêm phúc mạc.
Khi nghi ngờ bệnh nhân có dị vật đường tiêu hóa, bác sĩ sẽ chụp X-quang có thể thấy hình ảnh dị vật ở những dị vật cản quang. Siêu âm có thể thấy khối áp xe hoặc chụp CT Scan có thể thấy được hình ảnh dị vật. Xét nghiệm máu thấy có hội chứng nhiễm trùng, bạch cầu máu tăng.
Cần lưu ý đối với mọi người, trong khi ăn cần ăn chậm, nhai kỹ... Tránh thức ăn dai, gân, da, thức ăn có lẫn xương. Khi nghi ngờ đã nuốt dị vật hoặc cảm thấy các triệu chứng khó chịu đã được mô tả ở trên, bệnh nhân nên đến khám tại các cơ sở Y tế có chuyên khoa Tiêu hóa để được điều trị can thiệp ngay. Tuyệt đối không nên tự ý điều trị tại nhà, không chữa trị theo mẹo dân gian, không cố nuốt thêm thức ăn với mục đích làm dị vật đi xuống vì điều này có thể làm tổn thương thêm đường tiêu hóa và khiến bệnh thêm phức tạp.
Bình luận (0)