Hy hữu 'chết đi sống lại', suýt bị chôn sống

12/03/2015 16:56 GMT+7

(TNO) Trên thế giới có nhiều vụ người chết sống lại và họ đã may mắn không bị “chôn sống”. Một chuyên gia người Anh đã đưa ra một số lý giải về các hiện trượng “người chết sống lại” đáng chú ý.

(TNO) Trên thế giới có nhiều vụ người chết sống lại và họ đã may mắn không bị “chôn sống”. Một chuyên gia người Anh đã đưa ra một số lý giải về các hiện trượng “người chết sống lại” đáng chú ý.

1. Bà lão Ba Lan 91 tuổi sống lại sau 11 tiếng ngừng thở

Một cụ bà 91 tuổi ở Ba Lan sống lại sau 11 tiếng nằm trong nhà xác - Ảnh: Pinterest
Một phụ nữ Ba Lan đã sống lại sau khi trải qua 11 tiếng đồng hồ trong nhà xác do các bác sĩ xác định bà đã chết, BBC đưa tin hồi tháng 11.2014.

Bà Janina Kolkiewicz, 91 tuổi, được tuyên bố đã chết sau khi được bác sĩ riêng của gia đình bà khám nghiệm. Tuy nhiên, nhân viên nhà xác đã sửng sốt khi phát hiện thi thể bà cử động trong túi xác. Cảnh sát đã cho điều tra vụ việc.

Về phần bà Kolkiewicz, sau khi quay về lại với người thân, ngồi ăn 1 tô súp và 2 cái bánh xếp, bà than phiền rằng đã cảm thấy lạnh người. Người nhà và bác sĩ cho biết họ bị sốc khi được chứng kiến vụ việc.

BBC dẫn lời cháu gái bà Kolkiewicz kể lại rằng trước đó, đã gọi cho vị bác sĩ sau khi về đến nhà và phát hiện dì mình không còn thở và mạch ngừng đập.

Sau khi khám nghiệm, bác sĩ tuyên bố bà lão đã chết và viết giấy chứng tử. Thi thể được đem vào nhà xác và người nhà đã chuẩn bị tang lễ.

“Tôi chắc chắn bà ấy đã chết”, ông Wieslawa Czyz, bác sĩ gia đình bà Kolkiewicz, kể lại. “Tôi thực sự sửng sốt, không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Tim bà ấy đã ngừng đập trước đó, bà ấy không còn thở nữa mà”, bác sĩ Czyz cho hay.

Tuy nhiên, 11 tiếng sau, nhân viên nhà xác gọi để thông báo rằng bà lão vẫn còn sống, cháu gái bà Kolkiewicz cho biết.

Sau khi trở về nhà từ nhà xác, bà lão 91 tuổi nói với người thân rằng bà cảm thấy “khỏe mạnh bình thường”.

2. “Xác chết” Kenya hồi sinh từ nhà xác

Paul Mutora, người được cho là đã chết đi sống lại tại Kenya - Ảnh: BBC

BBC hồi đầu năm 2014 đưa tin nhà chức trách Kenya đã phải tiến hành điều tra làm thế nào một người đàn ông được tuyên bố đã chết trong bệnh viện lại ngồi dậy vào ngày hôm sau.

Các nhân viên nhà tang lễ trong bệnh viện Naivasha hôm 9.1.2014 đã bỏ chạy tán loạn khi anh này cử động và bắt đầu thở.

Trước đó một ngày, các bác sĩ đã tuyên bố Paul Mutora, người đã tự sát bằng cách uống thuốc trừ sâu, qua đời.

BBC cho biết cha của anh Mutora và thân nhân đã đến viếng thi thể của anh vào sáng ngày 9.1.2014 (giờ địa phương), rồi quay về nhà để chuẩn bị làm lễ ma chay. “Nhưng đến trưa thì chúng tôi được báo nó sống lại và chúng tôi đã rất sửng sốt”, người cha cho biết.

Một nhân chứng có mặt tại nhà xác cho biết “nhân viên nhà tang lễ đã bỏ chạy tán loạn khi nghe có tiếng động trong phòng lạnh”.

3. Ông lão Mỹ 78 tuổi sống lại bên trong túi đựng xác

Một ông lão 78 tuổi ở Mỹ được phát hiện cử động trong nhà xác sau khi bác sĩ tuyên bố ông đã chết - Ảnh minh họa: Reuters
Tờ The Guardian (Anh) hồi tháng 2.2014 đưa tin nhân viên một nhà tang lễ ở bang Mississippi (Mỹ) cho biết họ phát hiện 1 người đàn ông cựa quậy bên trong túi xác.

Vào hôm 25.2.2014, ông Walter Williams, 78 tuổi, được xác định đã chết sau khi nhân viên điều tra cái chết bất thường khám nghiệm và thấy rằng mạch của ông không còn đập.

Một ngày sau đó, ông được phát hiện sống lại khi các nhân viên nhà đòn Porter and Sons đã chuẩn bị cho lễ tang.

Nhân viên điều tra cái chết bất thường Dexter Howard bình luận việc ông Williams sống lại là một phép lạ.

Lý giải của chuyên gia

Bà Carla Valentine, chuyên gia người Anh chuyên nghiên cứu về bệnh lý học, đã có lý giải về ba trường hợp lạ lùng nói trên cho tờ The Guardian.

Theo bà Valentine, trong vụ Mutora, các nhân viên y tế được cho là đã cho người đàn ông Kenya Mutora uống thuốc chống độc atropine để kháng cự lại thuốc trừ sâu nên khiến anh trong giống như đã chết vì thuốc này làm chậm nhịp tim, dẫn đến bác sĩ chuẩn đoán lầm là anh ta đã chết.

Trong khi đó, trường hợp của ông Williams có thể là do ông Dexter Howard, nhân viên điều tra những vụ chết bất thường, không có kiến thức chuyên môn đã tuyên bố ông William chết.

Ở Mỹ, những người như ông Howard chỉ được đề cử chứ không có chứng chỉ hay được đào tạo pháp y, nữ chuyên gia người Anh cho hay. Nhưng ở Anh, nhân viên điều tra những vụ chết bất thường đều phải có bằng về pháp y hoặc luật, nhưng không có quyền tuyên bố bất kỳ một ai đã chết như tại Mỹ. Đó chính là lý do vì sao nhiệm vụ tuyên bố người đã chết chỉ dành những nhân viên y tế được đào tạo bài bản.

Thậm chí, cộng đồng y học thế giới cẫn còn đang tranh luận gay gắt về vấn đề như thế nào mới gọi là chết, bởi vì đây là một sự kiện chỉ diễn ra một lần trong đời người.

“Khi trái tim, vì bất kỳ lý do gì, ngừng đập, các mô mà nó phục vụ bị ngừng cấp oxy và glucose, dần dần giết chết các tế bào. Khi có đủ tế bào chết thì những cơ quan trong cơ thể sẽ ngừng hoạt động. Và chỉ khi tất cả cơ quan trong cơ thể ngừng hoạt động mới có tuyên bố một người chết”, bà Valentine nói.

Những tế bào mỏng manh của bộ não người dễ bị tổn thương vì thiếu oxy và chúng bắt đầu chết trong vòng 4-6 sau khi tim ngừng đập. Tuy nhiên, khi thi thể người được giữ lạnh ở nhà xác trong khoảng thời gian này, cái lạnh sẽ làm giảm nhu cầu cần oxy và glucose của tế bào nên chúng chỉ rơi vào tình trạng “ngủ đông”, chứ chưa chết, theo bà Valentine.

Bà Valentine cho biết thêm tế bào da có thể vẫn còn sống trong vòng 24 giờ sau khi tim ngừng đập, mặc dù có lý thuyết cho rằng móng tay, móng chân và tóc tiếp tục mọc sau khi chết.

Những lý giải khoa học về mô và tế bào kể trên phần nào lý giải vì sao bà lão Kolkiewicz có thể thức dậy sau 11 giờ trong tình trạng “ngủ đông” của tế bào.

Truyền thông Ba Lan đặt nghi vấn ngay từ đầu bà lão đã chưa chết. Có khả năng bà có mạch đậu rất yếu và chỉ bị bất tỉnh nhưng lại bị tuyên bố là tử vong.

Một lý giải khác nữa là một số người bị chứng bắt thế hay chứng giữ nguyên thế (tiếng Anh catalepsy) dễ bị tuyên bố nhầm là họ đã chết. Chứng bắt thế là một trạng thái rối loạn thần kinh dẫn đến cứng cơ và tư thế bất động bất kể kích thích từ bên ngoài, thở chậm và giảm cảm giác đau đớn. Chính vì lẽ đó, các nhân viên khám nghiệm tử thi có dùng những biện pháp kiểm tra đau đớn cỡ nào cũng không thể phát hiện người bị chứng bắt thế vẫn còn sống.

Những trường hợp “chết đi sống lại kể trên” cho thấy họ đã may mắn sống lại trong “giai đoạn đầu tiên” của cái chết, trước khi bị “chôn sống”, theo bà Valentine.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.