Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy gần như phải tham dự cùng lúc 2 hội nghị thượng đỉnh trong ngày 4.11 tại Cannes: hội nghị chính thức của G20 và hội nghị giữa lãnh đạo các nước sử dụng đồng euro về “sự cố Hy Lạp”. Nóng mặt vì bị Thủ tướng Papandreou cho “việt vị” ngay trước thềm G20, Pháp và Đức liên tiếp đưa ra những tuyên bố cứng rắn, khẳng định sẽ “treo” gói cứu trợ trị giá 8 tỉ euro cho đến khi nước này thông qua toàn bộ các điểm trong thỏa thuận chung đạt được vào cuối tháng 10, theo tờ Le Figaro. Thiếu khoản hỗ trợ sống còn này, Hy Lạp không thể cầm cự đến cuối năm nay, đứng trước nguy cơ vỡ nợ và biến động chính trị, xã hội nghiêm trọng.
|
Cùng lúc đó, cuộc trưng cầu dân ý vốn chỉ nhằm vào những điều khoản của thỏa thuận chung, đặc biệt là việc các ngân hàng châu u đồng ý xóa một nửa số nợ của Hy Lạp, lại bị dư luận bên ngoài đánh đồng với việc Hy Lạp có bỏ đồng euro hay không. Ngay lập tức, Ngân hàng Trung ương châu u dọa: bỏ đồng euro nghĩa là ra khỏi EU. Trước viễn cảnh đó, phe đối lập và thậm chí một số thành viên thuộc đảng cầm quyền Hy Lạp công khai phản đối trưng cầu dân ý. Trong tình thế phải chịu “nội công ngoại kích”, ông Papandreou quyết định từ bỏ trưng cầu dân ý.
Thủ tướng Papandreou bị dư luận đánh giá là “giảm uy tín” mạnh sau khi liên tiếp đưa ra những quyết định “gây sửng sốt” để rồi nhanh chóng rút lui. Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng đây có thể là “khổ nhục kế” để ông đạt được một số mục đích. Phe đối lập trước đó phản đối quyết liệt thỏa thuận hỗ trợ Hy Lạp vì nghi ngại nhiều điều kiện hà khắc đi kèm nhưng nay đã thay đổi quan điểm với điều kiện thành lập một chính phủ liên hiệp lâm thời, theo tờ Les Echos. Điều kiện này khá “hợp ý” ông Papandreou vì trước đó ông từng tỏ ý thỏa thuận với phe đối lập nhưng không thành công. Tình hình Hy Lạp vẫn còn khá rối ren và tất cả đang chờ kết quả bỏ phiếu của quốc hội về thỏa thuận nói trên cũng như về sự tín nhiệm đối với thủ tướng vào rạng sáng 5.11 (giờ địa phương).
Sau khi “nhẹ gánh” Hy Lạp, các lãnh đạo G20 hướng một phần sự chú ý vào Ý, nền kinh tế lớn thứ ba khu vực sử dụng đồng euro nhưng cũng đang ngấp nghé khủng hoảng. Theo AFP, G20 ngày 4.11 đã đạt được một số thỏa thuận để giải cứu nước này. Với tầm vóc của mình cùng khoản nợ khổng lồ 1.900 tỉ euro, nếu Ý “có mệnh hệ” nào sẽ làm toàn bộ nền kinh tế châu u lâm vào thế khó cứu vãn.
Nguyễn Ngọc Lan Chi
Bình luận (0)