Hy Lạp ồ ạt mua khí tài, tuyển quân giữa căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ

Khánh An
Khánh An
13/09/2020 11:38 GMT+7

Hy Lạp sẽ mua 18 tiêm kích Rafale của Pháp, 4 tàu hộ tống đa năng, 4 trực thăng hải quân, tuyển 15.000 binh sĩ và dồn lực cho lĩnh vực quốc phòng.

Hãng AFP ngày 13.9 đưa tin Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis thông báo chương trình mua hàng loạt khí tài và xem xét kiện toàn quân đội giữa căng thẳng gia tăng với Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa Trung Hải.
“Đã đến lúc củng cố lực lượng vũ trang. Những sáng kiến này hợp thành một chương trình mạnh mẽ giúp tạo lá chắn cho quốc gia”, ông Mitsotakis phát biểu về chương trình mua sắm khí tài đầy tham vọng nhất trong gần 2 thập niên.
Cụ thể, ông cho hay Hy Lạp sẽ mua 18 tiêm kích Rafale của Pháp, 4 tàu hộ tống đa năng và 4 trực thăng hải quân. Bên cạnh đó, nước này còn tuyển dụng thêm 15.000 binh sĩ và dồn lực cho các lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và phòng thủ về an ninh mạng.
Chưa hết, Hy Lạp còn mua các vũ khí chống tăng, ngư lôi và tên lửa cho không quân. Kế hoạch còn gồm việc nâng cấp 4 tàu hộ tống và tạo hàng ngàn việc làm. Dự kiến chi tiết hơn về chương trình như chi phí và các nước cung cấp sẽ được công bố sau.
Cũng theo AFP, ông Mitsotakis đưa ra chương trình sau khi thảo luận với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại cuộc họp thượng đỉnh với các lãnh đạo Nam Âu ở Corsica (Pháp) vừa qua.
Trái với Liên minh châu Âu (EU) và các đồng minh NATO khác, Pháp ủng hộ mạnh mẽ đối với Hy Lạp trong bối cảnh căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ và Cyprus. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly hoan nghênh thỏa thuận và cho biết đây là lần đầu tiên một nước châu Âu mua tiêm kích Rafale của Pháp.
Tổng thống Marcron trước đó cảnh báo người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan không vượt qua “lằn ranh đỏ”, đồng thời đã điều các tàu chiến và máy bay đến đông Địa Trung Hải. Đáp lại, ông Erdogan cảnh báo Pháp không nên “gây rắc rối” với Thổ Nhĩ Kỳ.
Căng thẳng leo thang vào tháng trước, khi Thổ Nhĩ Kỳ điều tàu thăm dò và một đội tàu nhỏ để nghiên cứu địa chấn ở vùng nước mà Hy Lạp tuyên bố chủ quyền dưới các hiệp ước hậu chiến.
Hy Lạp đáp trả bằng cách điều tàu chiến và tập trận hải quân với nhiều đồng minh châu Âu và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Căng thẳng đặt NATO vào thế khó và ông Mitsotakis hồi tháng trước cho rằng NATO “không công bằng” khi không đứng về bên nào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.