|
Tình trạng không ai chịu ai về vấn đề ngân sách - tài chính giữa phe Dân chủ và Cộng hòa trong quốc hội đã khiến chính phủ Mỹ phải ngừng hoạt động hơn 10 ngày qua. Nghiêm trọng hơn, bất đồng sâu sắc giữa 2 bên có thể khiến Mỹ vỡ nợ nếu quốc hội không thông qua được dự luật nâng trần nợ công từ mức 16.700 tỉ USD trước ngày 17.10.
AFP dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew cảnh báo vỡ nợ sẽ gây hỗn loạn cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến phục hồi tăng trưởng cũng như cuộc sống của hàng triệu người. Nhiều nước cũng tỏ ra rất lo ngại rằng kinh tế thế giới sẽ tổn hại nghiêm trọng nếu viễn cảnh trên xảy ra.
Đến hôm qua, một tia hy vọng lóe lên sau khi phe Cộng hòa đề xuất trì hoãn hạn chót về nợ công thêm 6 tuần. Đề xuất trên được đưa ra sau một cuộc họp kéo dài 90 phút tại Nhà Trắng, theo AFP. Khác với những cáo buộc và chỉ trích hằn học nhằm vào nhau thời gian qua từ cả 2 phe, nhân vật số 2 của phe Cộng hòa ở Hạ viện Eric Cantor ngày 11.10 đánh giá các cuộc đàm phán là “hữu ích và xây dựng”.
Tuy nhiên, vẫn còn khúc mắc ở chỗ có tin phe Cộng hòa muốn phe Dân chủ và chính phủ ngồi vào bàn đàm phán về dự luật ngân sách mới và xem đây là điều kiện để mở cửa lại chính phủ cũng như đạt đồng thuận về nợ công. Trong khi đó, đang có lợi thế hơn về mặt dư luận, đảng Dân chủ quyết “đấu cứng” và Tổng thống Barack Obama tuyên bố ông chỉ thảo luận các vấn đề ngân sách dài hạn một khi chính phủ trở lại làm việc. Mặc dù vậy, tín hiệu lạc quan mới cũng đã có hiệu ứng tích cực khi các thị trường chứng khoán ở Mỹ và châu Á đều “xanh bảng” trong phiên giao dịch hôm qua (giờ địa phương).
Đây là lần đầu tiên 2 phe bày tỏ mong muốn chấm dứt cuộc khủng hoảng vốn đang khiến người dân chán ngán với các chính trị gia. Các kết quả thăm dò cho thấy dư luận phê trách cả 2 bên là đặt suy tính chính trị lên trên lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, phe Cộng hòa, nhất là nhóm bảo thủ Tea Party, bị ảnh hưởng nặng nề hơn.
CNN dẫn kết quả khảo sát cho hay tỷ lệ ủng hộ đảng Dân chủ là 43% còn đảng Cộng hòa chỉ có 28%, thấp nhất trong nhiều thập niên qua. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ chính phủ Mỹ cũng giảm đến mức thấp nhất trong hơn 40 năm khi chỉ 18% người được hỏi trong cuộc thăm dò của hãng Gallup hài lòng với cách điều hành đất nước của chính quyền Tổng thống Obama.
Trùng Quang
>> Báo chí Trung Quốc dè bỉu vụ chính phủ Mỹ đóng cửa
>> Chính phủ Mỹ đóng cửa làm đóng băng các số liệu thống kê kinh tế
>> Chính phủ Mỹ ngưng hoạt động
>> Chính phủ Mỹ đóng cửa hồi năm 1995 đã 'giúp' Bill Clinton ngoại tình?
>> Chính phủ Mỹ đóng cửa, quân đội sẽ bị đồng minh nghi ngờ uy tín
>> Vụ chính phủ Mỹ đóng cửa: Hạ viện đổ lỗi cho Thượng viện
>> Chính phủ Mỹ đóng cửa
Bình luận (0)