Hy vọng mới từ tiến bộ y khoa cho các bệnh nhân thận mạn tính

20/12/2023 18:00 GMT+7

Tại Việt Nam, ước tính có hơn 10 triệu người mắc bệnh thận mạn, chiếm 10,1% dân số. Bệnh thận mạn không chỉ gây gánh nặng kinh tế và giảm đáng kể chất lượng sống của bệnh nhân, mà còn đứng thứ 8 trong số 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam.

Sau 20 năm, một tiến bộ mới trong điều trị bệnh thận mạn sẽ góp phần đem lại hy vọng cho hàng triệu bệnh nhân, giảm gánh nặng cho bệnh nhân, gia đình và hệ thống y tế.

Nhiều nguyên nhân gây bệnh

Bệnh thận mạn là sự suy giảm chức năng thận tiến triển, kéo dài. Các triệu chứng tiến triển chậm và không có triệu chứng ở giai đoạn nhẹ đến trung bình. Trong các giai đoạn tiến triển, bệnh nhân thường có các triệu chứng bao gồm chán ăn, buồn nôn, nôn ói, viêm miệng, rối loạn vị giác, tiểu đêm, uể oải, mệt mỏi, ngứa, suy giảm về tinh thần, giật cơ và chuột rút, giữ nước, suy dinh dưỡng, bệnh thần kinh ngoại biên và co giật.

Hy vọng mới từ tiến bộ y khoa cho các bệnh nhân thận mạn tính - Ảnh 1.

Bệnh thận mạn tính có liên hệ chặt chẽ với các bệnh: đái tháo đường, xơ hóa do tăng huyết áp, các bệnh cầu thận nguyên phát và thứ phát. Ngoài ra bệnh thận mạn tính còn phát triển do các nguyên nhân khác như di truyền, bệnh lý đường tiết niệu, thận đa nang, lupus, bệnh thận do thuốc giảm đau, không rõ nguyên nhân…

Ngoài ra, thói quen sinh hoạt không lành mạnh như ăn uống thừa năng lượng, thức ăn chế biến sẵn nhiều hóa chất bảo quản, lạm dụng các loại đồ uống, cùng với lối sống ít vận động thể lực cũng là những nguyên nhân dẫn tới suy thận.

Mỗi năm Việt Nam có thêm khoảng 8.000 người mắc bệnh thận mạn, tuy nhiên phần lớn bệnh được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn. Số ca bệnh cần lọc máu khoảng 800.000 bệnh nhân nhưng hiện tại Việt Nam mới chỉ có 5.500 máy phục vụ 33.000 bệnh nhân, Theo thống kê, 50% bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong trong vòng 5 năm.

Tiến bộ mới trong điều trị bệnh thận mạn sau 20 năm

Bệnh thận mạn tiến triển đến giai đoạn cuối sẽ dẫn đến suy thận. Đây là giai đoạn nặng nhất đòi hỏi người bệnh cần phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận để duy trì sự sống. Một số người bệnh cũng có thể chọn chăm sóc bảo tồn để kiểm soát các triệu chứng, nhằm mục đích đạt được chất lượng cuộc sống tốt nhất có thể trong thời gian còn lại hoặc trong giai đoạn chờ lọc máu hay ghép thận.

Các chuyên gia thảo luận về bước tiến 20 năm trong quản lý bệnh thận mạn tại tọa đàm "Góc nhìn đa chiều trong Ứng dụng tiến bộ y khoa về quản lý bênh thận mạn"

Các chuyên gia thảo luận về bước tiến 20 năm trong quản lý bệnh thận mạn tại tọa đàm "Góc nhìn đa chiều trong Ứng dụng tiến bộ y khoa về quản lý bệnh thận mạn"

Trong buổi tọa đàm "Góc nhìn đa chiều trong ứng dụng tiến bộ y khoa về quản lý bệnh thận mạn" do Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức, các chuyên gia đã chia sẻ những tiến bộ mới trong quản lý bệnh thận mạn trong suốt 20 năm, cho thấy rằng bệnh thận mạn cần được phát hiện ở giai đoạn sớm để có thể quản lý và kiểm soát hiệu quả hơn, giúp giảm nguy cơ tiến triển đến bệnh thận giai đoạn cuối và nguy cơ tử vong. Điểm này đã được chứng minh qua các nghiên cứu có quy mô lớn trên toàn cầu của nhóm thuốc SGLT-2i như nghiên cứu DAPA-CKD. Hiện phác đồ của nghiên cứu này cũng đã được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt áp dụng cho bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính khi có chỉ định từ bác sĩ điều trị. Việc áp dụng các tiến bộ như thế này trong chẩn đoán sớm bệnh thận mạn giúp quản lý kịp thời hàng triệu bệnh nhân, giảm gánh nặng cho toàn bộ hệ thống y tế.

Để có chiến lược quản lý bệnh hiệu quả, người dân cần thăm khám định kỳ và tầm soát để phát hiện bệnh sớm, đồng thời chủ động giảm gánh nặng cho thận thông qua việc giảm tiêu thụ thức ăn giàu natri và protein, đặc biệt là protein động vật, ngừng hút thuốc lá, hạn chế hoặc ngừng tiêu thụ cồn, tập thể dục đều đặn và duy trì trọng lượng cơ thể trong khoảng bình thường.

Các bệnh nhân mắc các bệnh liên quan như huyết áp, đái tháo đường, cần phòng ngừa để hạn chế các tác động đến thận như duy trì áp lực máu và đường huyết trong khoảng giới hạn bình thường, tuân thủ kế hoạch ăn uống và phác đồ điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.