Tại hội thảo về công nghệ 4G LTE diễn ra hôm qua 18.8, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) Phan Tâm cho biết hiện nay Viettel, MobiFone, VNPT Vinaphone đang thử nghiệm và hoàn tất thủ tục xin cấp phép 4G sử dụng băng tần 1800 MHz. Khả năng 3 nhà mạng trên sẽ là những doanh nghiệp đầu tiên của VN được cấp phép 4G trong năm nay.
Tốc độ rùa, mất liên lạc
Thế nhưng, phản ánh với Thanh Niên, một số độc giả nhận xét rằng việc dùng 4G chưa như mong muốn. Cụ thể, anh Bùi Tuấn Nam (Hà Nội) chủ thuê bao MobiFone 090.494.xxxx cho biết đã chuyển qua dùng sim 4G ngay từ khi nhà mạng này thí điểm tại Hà Nội. Tại một số quận có phủ sóng 4G như Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy tín hiệu thường xuyên chập chờn, thậm chí mất sóng. “Từ ngày đổi sang sim 4G, máy của tôi thường xuyên bị mất mạng, bạn bè và đối tác không thể liên lạc được”, anh Nam chia sẻ.
|
Khi cung cấp 4G, tốc độ đo được trung bình của Viettel công bố gấp hơn 7 lần so với tốc độ trung bình của 3G; MobiFone công bố tốc độ tại một số điểm thử nghiệm lên tới hơn 200 Mbps. Còn nhà mạng Vinaphone khi thử nghiệm tại Phú Quốc và TP.HCM cũng cho kết quả gần như ở mức lý tưởng, lên đến 499,72 Mbps cho tải về và 43,20 Mbps cho tải lên. Tuy nhiên, đó chỉ là tốc độ công bố hoặc ở thời điểm thử nghiệm và sử dụng các thiết bị ngay tại trung tâm dịch vụ của nhà mạng.
Chậm nhất thế giới
Báo cáo tháng 8.2016 của OpenSignal, công ty chuyên đánh giá hệ thống mạng của Anh, vừa công bố cho thấy tốc độ mạng di động tại VN nằm trong nhóm chậm nhất thế giới. Cụ thể, tốc độ mạng di động 3G, 4G tại VN chỉ đạt 3,81 Mbps, xếp hạng 82 trên tổng số 95 nước khảo sát. Đứng đầu là Hàn Quốc với tốc độ 3G và 4G đạt 41,34 Mbps, Singapore là 31,19 Mbps…
Báo cáo cũng chỉ ra, 4G ngày càng mở rộng tại các quốc gia phát triển, 3G đóng vai trò quan trọng với những khu vực đang phát triển và wifi vẫn là kết nối không thể thiếu cho đa số người dùng smartphone trên toàn cầu.
Dù các nhà mạng đều cho rằng giá cước internet của VN vẫn thấp hơn khu vực và thế giới thì theo báo cáo mới nhất trong năm 2015 của Hiệp hội Viễn thông quốc tế (ITU), giá cước 3G trả trước tại VN tính theo thu nhập đầu người hiện nằm trong nhóm đắt đỏ của thế giới. ITU lấy giá cước trên mỗi 500 MB chia cho thu nhập bình quân đầu người. Theo đó, cước 3G tại VN chiếm khoảng 7,31% thu nhập, cao hơn nhiều so với trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 4,28% thu nhập. Trong khi đó, top 50 nước phát triển có giá 3G chỉ dao động trong khoảng 0,09% - 1% thu nhập. Đặc biệt, thời gian qua nhiều khách hàng liên tục bị các nhà mạng trừ cước 3G vô tội vạ. Thậm chí, nhiều khách hàng đã đăng ký gói cước trọn gói 70.000 đồng/tháng cho dung lượng 600 MB nhưng sau đó vẫn bị trừ tiền trong tài khoản. Hoặc quá đáng là nhà mạng đã tự ý kích hoạt các dịch vụ tự động như cài nhạc, quảng cáo, kết quả xổ số, mua nhà, vay vốn... khiến khách hàng chịu thiệt hại nặng nề.
PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho biết ông không ngạc nhiên về kết quả nghiên cứu của OpenSignal, bởi trước đây đã có rất nhiều tổ chức khác cũng xếp hạng VN là quốc gia có tốc độ 3G chậm nhất, nhì thế giới. Ở các thành phố lớn thì mạng 3G, 4G còn “tạm chấp nhận được” nhưng theo ông Long “cứ về đến các tỉnh thành, đặc biệt ở vùng xa y rằng tắt sóng 3G”. Trong khi đó, giá cước của VN so với các nước trên thế giới cũng không hề rẻ. Tăng lên 4G mà tốc độ vẫn chậm, diện phủ sóng hẹp, cước không rẻ hơn thì thật khó để khách hàng chấp nhận. “Lâu nay khách hàng vẫn bức xúc phản ánh về tình trạng tù mù, loạn kiểu tính cước 3G của nhà mạng. Vì vậy điều quan trọng nhất, dù cung cấp dịch vụ 3G hay 4G, là sự công khai, minh bạch hơn của các nhà mạng”, ông Long nói.
Anh Xuân Thành, biên tập viên một trang tin công nghệ tại TP.HCM, nhận xét 4G mà các nhà mạng đang cung cấp tốc độ tải dữ liệu chỉ ở khoảng 20 - 25 Mbps cho chiều tải về. Tốc độ này không quá cao so với dịch vụ 3G và không cao như công bố. Hơn nữa, người dùng điện thoại để kết nối internet nhằm sử dụng các dịch vụ như lướt web, chơi game thì mạng 3G cũng đủ thỏa mãn được. “Với mức cước phí cao hơn khá nhiều so với dịch vụ 3G nhưng tốc độ không hơn bao nhiêu, đồng thời các dịch vụ giải trí cần sử dụng tốc độ cao hơn như xem phim, truyền hình số... vẫn chưa có nhiều nhà cung cấp thì nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Liệu có cần thiết phải chuyển sang 4G để trả phí cao hơn không?”, anh Xuân Thành đặt câu hỏi.
|
Bình luận (0)