Gần 2 năm sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị yêu cầu “thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách”, tiến độ giải quyết giấy tờ nhà đất tại nhiều quận, huyện ở TP.HCM vẫn còn ì ạch.
|
Để chấn chỉnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (SDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là GCN) và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, ngày 24.8.2011, Thủ tướng ban hành Chỉ thị 1474/CT-TTg về thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách. Theo đó, UBND TP.HCM cũng có văn bản chỉ đạo các quận, huyện trên địa bàn đến 30.9.2013 phải hoàn thành việc cấp GCN cho những trường hợp đủ điều kiện. Thế nhưng, tỷ lệ giải quyết tại nhiều quận, huyện đến nay đạt rất thấp, chỉ trên dưới 20%.
Hơn 46.000 trường hợp chưa được cấp
Tại cuộc họp của UBND TP với các sở ngành, quận, huyện vào ngày 20.8, báo cáo của ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở TN-MT, cho biết hiện vẫn còn hơn 46.000 trường hợp đủ điều kiện nhưng chưa được cấp GCN. Chỉ có 3 quận: Tân Bình, 12 và Gò Vấp đảm bảo tiến độ với tỷ lệ đã cấp đạt trên 85%. 6 quận gồm 1, 2, 3, 7, 8, 9 và H.Hóc Môn tỷ lệ giải quyết đạt trên 50%. 14 quận, huyện còn lại đạt tỷ lệ dưới 50%, trong đó đáng chú ý có hai quận 5, 11 và 3 huyện Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ tỷ lệ giải quyết đạt dưới 20% với hàng chục ngàn trường hợp còn tồn đọng.
|
Theo đánh giá của Sở TN-MT, một số quận, huyện chưa chủ động thực hiện các giải pháp của UBND TP đã chỉ đạo quyết liệt trong thời gian qua để đẩy nhanh tiến độ cấp GCN như chưa chỉ đạo các phòng ban chuyên môn phối hợp giải quyết các vướng mắc. Điển hình là tại Q.9, khi xử lý hồ sơ phê duyệt điều chỉnh thiết kế phòng quản lý đô thị bắt chủ đầu tư phải lập hồ sơ thực hiện điều chỉnh từng mẫu nhà, trong khi UBND TP đã có chỉ đạo UBND quận, huyện phải có trách nhiệm phê duyệt...
Do người dân không có nhu cầu?
Chủ trì cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín truy trách nhiệm về sự chậm trễ thì lãnh đạo một số quận, huyện đổ lỗi “do người dân không có nhu cầu” nên không nộp hồ sơ để được cấp GCN. Ông Tín đã yêu cầu phải tích cực tuyên truyền, vận động “chứ không thể để hoài vậy được”. Trên thực tế UBND TP cũng đã có chủ trương là trường hợp nào không có khả năng nộp tiền SDĐ thì cho ghi nợ.
Để minh bạch vấn đề nhằm đảm bảo nguyên tắc tất cả các trường hợp đủ điều kiện và người dân đã nộp hồ sơ đều phải được cấp GCN, Sở TN-MT kiến nghị UBND TP cho thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời chỉ đạo các quận, huyện thông báo cho đến tận người dân về kết quả cấp GCN và niêm yết danh sách các trường hợp không đủ điều kiện cấp GCN, đặc biệt là những người dân không có nhu cầu cấp GCN.
Tuy nhiên một số quận, huyện còn cho rằng nguyên nhân chậm trễ là do các chủ đầu tư dự án nhà ở cầm cố giấy GCN nhà đất dự án cho ngân hàng, nên mặc dù người mua đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, nhưng việc cấp GCN cho từng khách hàng vẫn bị “treo” vì không đủ điều kiện. Trước thông tin này, ông Tín nói ngay: “TP đã có quyết sách rồi (rà soát, xử lý rốt ráo trách nhiệm chủ đầu tư nhưng vẫn tiến hành cấp GCN cho dân) mà sao các quận, huyện, sở ngành vẫn cứ án binh bất động, vin vào chỗ không đủ điều kiện”. “Dân kêu như thế, kêu ghê lắm mà mình cứ bảo do ông bà mua thì ráng chịu, vậy vai trò quản lý của mình ở đâu”, ông Tín đặt vấn đề.
Chốt lại vấn đề, ông Tín nói: “Quan điểm xử lý đã có rồi, các anh phải cụ thể hóa ra chứ. Trước dân mình phải chịu trách nhiệm giải quyết. Còn lăn tăn gì nữa thì đưa ra trao đổi nhưng vẫn cứ phải xử lý. Sao cứ để hoài vậy được”.
Trả lời PV Thanh Niên sau cuộc họp về việc TP xử lý thế nào khi mốc thời gian 30.9 đã cận kề mà số lượng GCN tồn đọng còn quá lớn, ông Tín cho biết: “TP sẽ huy động tối đa lực lượng đẩy nhanh tiến độ để cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Với những quận, huyện chậm trễ do chủ quan, TP sẽ xử lý kiểm điểm”.
Kiến nghị tháo gỡ các vướng mắc Ngày 20.8, Bộ TN-MT đã có báo cáo gửi Thủ tướng về việc xử lý các vướng mắc liên quan đến việc cấp GCN trên phạm vi cả nước. Theo đó, Bộ kiến nghị cho phép UBND cấp tỉnh có quyết định công nhận việc chuyển quyền SDĐ giữa chủ đầu tư sơ cấp và thứ cấp (thay cho việc phải làm thủ tục chuyển nhượng quyền SDĐ theo quy định) đối với trường hợp quyết định giao đất hoặc GCN quyền SDĐ đứng tên tổng công ty, nhưng việc xây dựng và ký hợp đồng mua bán do công ty con hoặc công ty khác đứng tên thực hiện. Chủ đầu tư thứ cấp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan đến chuyển quyền SDĐ. Việc cấp GCN cho người mua nhà được thực hiện ngay sau khi UBND cấp tỉnh có quyết định công nhận việc chuyển quyền SDĐ, nếu người dân không vi phạm pháp luật đất đai, nhà ở và đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Đối với trường hợp chủ đầu tư chưa hoàn thành thủ tục pháp lý về đất đai và chưa nộp tiền SDĐ nhưng đã xây dựng nhà ở và bàn giao cho người mua, kiến nghị cho phép UBND cấp tỉnh quyết định công nhận việc SDĐ của chủ đầu tư nếu việc xây dựng nhà ở là phù hợp quy hoạch để có cơ sở làm thủ tục cấp GCN cho người mua nhà. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm nộp tiền SDĐ theo chính sách tại thời điểm hoàn thành công trình. Trường hợp chủ đầu tư đã giải thể mà người mua nhà không có giấy tờ chứng minh đã nộp tiền SDĐ cho chủ đầu tư thì người mua nhà phải nộp tiền SDĐ theo chính sách tại thời điểm mua nhà. Cho phép rà soát điều chỉnh quy hoạch SDĐ nông nghiệp để cấp GCN cho những trường hợp người dân tự lấn, chiếm, khai hoang phá rừng để sản xuất nông nghiệp đã ổn định từ trước ngày 1.7.2004 (trừ trường hợp phá rừng đặc dụng, rừng phòng hộ xung yếu - PV)... Đình Sơn |
Đình Phú
>> Hàng trăm ngàn trường hợp khó cấp sổ đỏ
>> Xử lý mạnh tay chủ đầu tư để đẩy nhanh cấp sổ đỏ
>> Đề nghị miễn phí trước bạ khi cấp sổ đỏ
>> Mỏi mòn chờ sổ đỏ
>> Nhai bánh mì làm “sổ đỏ”
>> Mang sổ đỏ để xin tài trợ
Bình luận (0)