Quyết định của International Business Machines (IBM) được đưa ra khi những chỉ trích cho rằng công nghệ nhận diện khuôn mặt thể hiện sự thiên vị chủng tộc và giới tính ngày càng tăng. Ngoài thông báo trên, ông Krishna cũng kêu gọi Quốc hội Mỹ ban hành cải cách nhằm thúc đẩy công lý chủng tộc, đặc biệt sau khi cái chết của người đàn ông da đen George Floyd đã đưa chủ đề cải cách hệ thống cảnh sát và bất bình đẳng chủng tộc trở thành ưu tiên hàng đầu trong cuộc đối thoại quốc gia.
“IBM kiên quyết phản đối và sẽ không chấp nhận việc sử dụng bất kỳ công nghệ nào, bao gồm công nghệ nhận diện khuôn mặt từ các nhà cung cấp khác, để giám sát hàng loạt, lập hồ sơ chủng tộc, vi phạm các quyền và tự do cơ bản của con người, hoặc bất kỳ mục đích nào không phù hợp với giá trị và nguyên tắc của chúng tôi về sự tin tưởng và tính minh bạch. Chúng tôi tin rằng bây giờ là lúc bắt đầu một cuộc đối thoại quốc gia về cách các cơ quan thực thi pháp luật trong nước sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt”, trích thư ông Krishna gửi cho các thành viên Quốc hội Mỹ.
Mặc dù việc kinh doanh công nghệ nhận diện khuôn mặt không đem lại doanh thu đáng kể cho IBM, nhưng quyết định mới vẫn là điều đáng chú ý đối với tập đoàn công nghệ khổng lồ vốn coi chính phủ Mỹ là khách hàng lớn. Theo nguồn tin quen thuộc với vấn đề, IBM đã cân nhắc trong nhiều tháng trước quyết định vừa mang tính kinh doanh vừa mang tính đạo đức.
Tập đoàn công nghệ máy tính Mỹ sẽ không còn nghiên cứu, phát triển, sáng tạo, tiếp thị, bán hoặc cập nhật sản phẩm nhận diện khuôn mặt dưới bất kỳ hình thức nào. Công nghệ trực quan của IBM sẽ chỉ giới hạn trong việc phát hiện đối tượng trực quan, không phân tích và nhận diện khuôn mặt.
Ông Krishna cho biết sẽ tập trung vào việc phát triển các dịch vụ đám mây của IBM vì công ty muốn đuổi kịp Microsoft và Amazon, trong khi vẫn hoạt động mạnh trong lĩnh vực kinh doanh máy tính. Cổ phiếu của IBM đã tăng hơn 1% trong năm nay, mang lại 135 tỉ USD vốn hóa thị trường cho hãng này.
Bình luận (0)