Cùng bị phát lệnh bắt với ông Gaddafi là người con trai Saif al-Islam và người đứng đầu cơ quan tình báo Libya Abdullah al-Senussi.
Ba người này bị phát lệnh bắt vì các tội giết người và khủng bố trong cuộc nổi dậy ở Libya từ tháng 2 năm nay.
|
Trong quyết định ban hành lệnh bắt, thẩm phán của ICC Sanji Mmasenono Monageng khẳng định ông Gaddafi đã kiểm soát tuyệt đối bộ máy nhà nước Libya và lực lượng an ninh.
Bà Monageng bổ sung rằng cả ông Gaddafi và Saif al-Islam đã “hình thành và sắp đặt các kế hoạch nhằm ngăn cản và dập tắt các cuộc biểu tình bằng mọi phương tiện” trong khi ông al-Senussi đã sử dụng vị trí của mình để thực hiện các vụ tấn công.
Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, hàng ngàn người Libya đã thiệt mạng kể từ khi cuộc nổi dậy bắt đầu trong khi khoảng 650.000 người đã rời bỏ đất nước.
Lệnh bắt được ban hành theo yêu cầu vào tháng trước của Công tố viên trưởng ICC Luis Moreno-Ocampo, người khẳng định ba người đàn ông nói trên phải chịu trách nhiệm "trong các vụ tấn công lan tràn và có hệ thống" nhắm vào dân thường.
Diễn biến này xảy ra khi các cuộc không kích Libya của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương đã bước sang ngày thứ 100.
Ông Moreno-Ocampo nói tòa án có bằng chứng rằng đại tá Gaddafi đã "đích thân ra lệnh thực hiện các vụ tấn công vào dân thường Libya không có vũ khí và đứng đằng sau các vụ bắt giữ và tra tấn những đối thủ chính trị".
|
Đây là lần thứ hai một nhà lãnh đạo đang cầm quyền của một quốc gia bị ICC đưa vào tầm ngắm sau lệnh bắt dành cho Tổng thống Sudan Omar al-Bashir vào tháng 3.2009. Lệnh bắt này đến nay vẫn chưa được thực thi.
Chính quyền Libya từng khẳng định họ không công nhận ICC và không lo lắng về mối đe dọa của lệnh bắt dành cho ông Gaddafi và hai người thân tín.
Trong khi đó, trên chiến trường, quân nổi dậy Libya thông báo lực lượng này chỉ còn cách thủ đô Tripoli 80 km và đang giao tranh với quân chính phủ để giành quyền kiểm soát thị trấn Bair al-Ghanam, theo Reuters.
“Chúng tôi đang ở ngoại ô phía tây và phía nam Bair al-Ghanam”, người phát ngôn của quân nổi dậy Juma Ibrahim nói với Reuters qua điện thoại, “Có nhiều trận giao tranh trong phần lớn ngày hôm qua. Một vài chiến sĩ của chúng tôi đã hy sinh song họ (quân chính phủ) cũng chịu nhiều thương vong”.
Tuyên bố trên được đưa ra sau nhiều tuần giao tranh dữ dội ở dãy Nafusa, trong đó quân nổi dậy từ từ đẩy binh lính của ông Gaddafi lùi lại về phía thủ đô.
Trong vài tháng qua, chiến sự chủ yếu tập trung tại mặt trận phía đông Tripoli. Tuy nhiên, đà tiến của quân nổi dậy từ Nafusa có thể buộc ông Gaddafi triển khai thêm nhiều lính tại phía nam và phía tây Tripoli.
Ông Guma el-Gamaty, người phát ngôn của Hội đồng Quốc gia Lâm thời, nói thị trấn Bair al-Ghanam rất quan trọng vì nó chỉ nằm cách Zawiya, thành phố cửa ngõ phía tây của Tripoli, 30 km.
Sơ lược về Tòa án Hình sự Quốc tế Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) là tòa án thường trực và độc lập duy nhất trên thế giới với quyền hạn xét xử các tội ác diệt chủng, tội ác chống nhân loại và tội ác chiến tranh. Lịch sử ICC được thành lập thông qua việc ký kết Đạo luật Rome tại một cuộc hội thảo ngoại giao ở Ý vào tháng 7.1998, và bắt đầu đi vào hoạt động vào năm 2002 ở The Hague, Hà Lan. Cho đến nay, có 116 quốc gia ký Đạo luật Rome, 31 trong số đó là các nước châu Phi. Chánh án hiện tại của ICC là ông Sang-Hyun Song, người Hàn Quốc, trong khi Công tố viên trưởng là ông Luis Moreno-Ocampo, người Argentina. Thẩm quyền tài phán Trong trường hợp của Libya, một nước không ký Đạo luật Rome, ICC mở cuộc điều tra sau khi nhận được yêu cầu của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Đây là một trong ba con đường để tòa án này mở cuộc điều tra. Hai con đường khác là mở cuộc điều tra theo yêu cầu của quốc gia thành viên hay theo quyết định của công tố viên trưởng. ICC không thay thế hay đứng trên mà chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho các tòa án quốc gia. Do vậy, tòa này chỉ hành động khi một quốc gia thành viên không muốn hoặc không thể điều tra. Các trường hợp điều tra, xét xử Ngoài Libya, công tố viên trưởng từng mở cuộc điều tra về các tình huống tương tự ở các nước Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Sudan, Uganda, Kenya. Gần đây, Công tố viên trưởng của ICC cũng yêu cầu mở điều tra về trường hợp của Bờ Biển Ngà. Tòa án này từng đưa ra các lệnh bắt với 13 cá nhân, nổi tiếng nhất trong số đó là trường hợp của Tổng thống Sudan Omar al-Bashir. Có bảy người bị buộc tội đang trốn tránh. Bốn người đang bị giam tại trại giam của ICC ở The Hague, tất cả đều là người Congo và đang bị xét xử tại ba phiên tòa độc lập. Ngân sách hoạt động ICC có gần 700 nhân viên đến từ 90 quốc gia trên thế giới và có ngân sách 103,6 triệu euro trong năm 2011. |
Sơn Duân
Bình luận (0)