ICD Phú Mỹ - Mảnh ghép hoàn thiện trung tâm logistics vùng Đông Nam bộ

28/10/2023 06:45 GMT+7

Bộ GTVT vừa quyết định công bố mở cảng cạn (ICD) Phú Mỹ (giai đoạn 1) tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 (TX.Phú Mỹ).

ICD Phú Mỹ đi vào hoạt động kỳ vọng hình thành một trung tâm logistics hoàn chỉnh, tăng hiệu quả khai thác cảng biển cho toàn vùng Đông Nam bộ.

ICD Phú Mỹ - Mảnh ghép hoàn thiện trung tâm logistics vùng Đông Nam bộ - Ảnh 1.

Cảng cạn Phú Mỹ mang nhiều kỳ vọng

CTV

Thông quan tại chỗ, giảm chi phí cho DN

Cảng cạn Phú Mỹ có quy mô diện tích đất khoảng 37,84 ha bao gồm 6 bến cảng có tổng chiều dài lên đến 600 m trong giai đoạn 1 của KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 cùng hệ thống kho bãi, depot container rỗng... Với tổng mức đầu tư lên đến 2.990 tỉ đồng, ICD Phú Mỹ đặt mục tiêu phục vụ nhu cầu của các khách hàng trong KCN và khu vực Cái Mép - Thị Vải. Đây là cảng cạn đầu tiên của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với đầy đủ hệ thống hạ tầng cầu cảng, kho bãi, depot container rỗng, trang thiết bị khai thác hiện đại... cung cấp các giải pháp logistics toàn diện, trọn gói, đa phương thức.

Theo đó, doanh nghiệp (DN) có thể thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ và tận dụng chính sách ưu đãi miễn lưu bãi dài. Việc này không chỉ hỗ trợ giải phóng hàng hóa nhanh chóng, tiết kiệm tối đa chi phí logistics, chi phí sản xuất cho các khách hàng mà còn góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả khai thác của cảng nước sâu, phát triển chuỗi giá trị công nghiệp - cảng biển. Bên cạnh đó, cảng cạn Phú Mỹ có khả năng kết nối đường thủy tới các cảng biển, ICD trong khu vực cũng như các vùng cung ứng nguyên liệu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên cả nước về KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3; giúp các nhà đầu tư, chủ hàng vận chuyển nguyên vật liệu - sản phẩm thuận tiện với giải pháp tối ưu nhất về chi phí.

Đại diện chủ đầu tư cho biết để hình thành cảng cạn phải bảo đảm các tiêu chí chính là gắn với hành lang vận tải chính tới cảng biển và kinh tế vùng; phải được kết nối với cảng biển ít nhất 2 phương thức vận tải.

Với những tiêu chí trên, cảng cạn Phú Mỹ nằm trong giai đoạn 1 của KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 với vị trí một mặt tiếp giáp sông Mỏ Nhát - là tuyến vận tải thủy nội địa kết nối với vịnh Gành Rái, một mặt tiếp giáp tuyến đường Phước Hòa - Cái Mép và các mặt còn lại tiếp giáp các trục đường chính của KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3. ICD này sở hữu vị trí địa lý thuận lợi khi tọa lạc ngay sau khu cảng cửa ngõ Cái Mép - Thị Vải, kết nối thuận lợi với đường liên cảng kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành, quốc lộ 51, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; vận tải đường thủy nội địa kết nối với tuyến đường thủy khu vực TP.HCM, Đồng Nai, đồng bằng sông Cửu Long và xa hơn là cả Campuchia.

Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ, thông tin theo tính toán, có đến hơn 80% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có cảng đến/đi là tại các cảng khu vực Cát Lái. Theo số liệu của Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cung cấp thì số lượng hàng hóa container nhập khẩu qua cảng Cái Mép - Thị Vải năm 2019 là 160.000 container nhưng số lượng container làm thủ tục tại khu vực này chỉ đạt 26.000 container, trong đó chỉ 50% container của các chủ hàng đóng tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Trong khi đó, ước tính riêng tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu/trung chuyển nội địa hằng năm của các nhà máy trong KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 khi đi vào hoạt động từ năm 2025 - 2026 lên đến hơn 1 triệu TEU hàng container và 2,6 triệu tấn hàng tổng hợp. Đặc biệt, tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 hiện nay đã có nhiều nhà đầu tư với lượng hàng hóa rất lớn, đạt gần 500.000 TEU/năm khi đi vào hoạt động hết công suất. Đó là nhà máy giấy KOA, nhà máy sản xuất nội thất NITORI và trung tâm phân phối hàng hóa của nhà đầu tư Ashton Furniture Consolidation của Tập đoàn Ashley (Mỹ)...

Tuy nhiên, tỷ trọng sử dụng cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải còn thấp, chỉ khoảng 60% dù các DN mong muốn sử dụng 100% dịch vụ xuất nhập khẩu tại đây. Nguyên nhân chính là thiếu hệ sinh thái dịch vụ hậu cần cảng, thiếu công tác kiểm tra chuyên ngành, soi chiếu hải quan, văn phòng đại diện của các cơ quan kiểm tra như kiểm dịch động thực vật, y tế... và đặc biệt là các cảng cạn ICD, depot container rỗng… Vấn đề này gây ra cho DN, nhà đầu tư rất nhiều khó khăn trong điều phối hoạt động sản xuất cũng như lãng phí về thời gian, chi phí.

"Cảng cạn Phú Mỹ có khả năng kết nối vùng thuận tiện với khu vực TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... bằng cả đường thủy, đường bộ cũng như đường sắt trong tương lai. Đồng thời, với đầy đủ hệ sinh thái dịch vụ hậu cần sau cảng, đóng vai trò trung tâm tập kết và phân phối hàng hóa, ICD này không chỉ góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả khai thác của cảng nước sâu, phát triển chuỗi giá trị công nghiệp - cảng biển mà còn giúp tối ưu hóa chi phí sản xuất cho các khách hàng cũng như đóng góp tích cực vào nguồn thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế, an sinh xã hội", bà Nguyễn Thị Thảo Nhi cho biết.

Cảng cạn Phú Mỹ đi vào hoạt động

Hoàn thiện trung tâm hậu cần sau cảng

Lý giải rõ hơn về vai trò của ICD, Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics VN (VLA) Lê Duy Hiệp cho biết ICD là một trong những cấu thành quan trọng trong chuỗi cung ứng dịch vụ của các trung tâm logistics.

Cảng cạn là một bộ phận kết cấu hạ tầng giao thông, là khu vực nằm trong nội địa cung cấp dịch vụ xếp dỡ, cung cấp container rỗng, đóng hàng, lưu kho và làm thủ tục hải quan cho hàng hóa, trong đó chủ yếu là hàng container. Nếu cảng nước sâu là tiền phương thì ICD chính là hậu phương, mang tính kết nối giữa khách hàng và cảng khi cảng ở quá xa. Hàng hóa sẽ được tập kết về đây, sau đó tập trung đưa về cảng bằng đường sắt, đường bộ hoặc bằng sà lan qua đường thủy nội địa. Hiện nay đối với cảng cạn Phú Mỹ 3, vị trí ngay gần sát cảng Cái Mép - Thị Vải có thể chưa tối ưu hóa được chức năng truyền thống là kết nối giữa các ICD với các cảng thuộc Cái Mép - Thị Vải nhưng lại mở ra tiềm năng rất lớn để mở rộng, phát triển mạng lưới dịch vụ hậu cần logistics cho cụm cảng này. Cụ thể, ICD Phú Mỹ có thể thực hiện các dịch vụ cấp container rỗng, đóng/chứa hàng, lưu trữ hàng hóa thông qua hệ thống các kho bãi như kho ngoại quan, kho CFS, kho lạnh… Đồng thời, với định hướng hình thành và phát triển mô hình phi thuế quan tại cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng cạn Phú Mỹ sẽ giúp hình thành một trung tâm hậu cần sau cảng nước sâu, hỗ trợ rất tốt cho khu phi thuế quan trong tương lai.

Ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM, khẳng định cảng cạn Phú Mỹ khi hình thành sẽ là trung tâm hậu cần sau cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải. Không chỉ hỗ trợ, tạo điều kiện giúp cảng biển giải phóng hàng nhanh chóng, giảm áp lực cho cầu bến và bãi, tăng khả năng thông quan hàng hóa nhanh chóng mà cảng cạn còn giúp các DN trong địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng như khu vực Đông Nam bộ tiết kiệm thời gian, cắt giảm chi phí logistics và tối ưu hóa sản xuất. Thực tế, ICD đóng vai trò vô cùng quan trọng trong mạng lưới logistics. Nếu chỉ có cảng nước, cảng chính mà không có cảng cạn thì sẽ mất tác dụng liên hệ với nguồn hàng không TP, kéo dài thời gian vận chuyển hàng hóa, làm tăng chi phí, giới hạn năng lực khai thác cảng biển. Tuy nhiên, hệ thống cảng cạn trên cả nước nói chung hiện vẫn chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Nguyên nhân do thiếu kinh phí, thiếu mặt bằng, thiếu người am hiểu vận hành, thiếu liên hệ đầu tư với các đơn vị tư vấn trực tiếp. Do đó, mô hình cảng cạn Phú Mỹ sẽ mở ra một cuộc đầu tư hoàn thiện hệ thống ICD, dịch vụ hậu cần logistics bài bản theo đúng quy hoạch tại vùng Đông Nam bộ nói riêng cũng như trên cả nước nói chung.

Cảng cạn Phú Mỹ không chỉ phục vụ cho hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải của Bà Rịa-Vũng Tàu mà còn phải tính toán đường kết nối để liên hệ chặt với Đồng Nai và TP.HCM. Nếu nguồn hàng của Bà Rịa-Vũng Tàu hay Đồng Nai mà không liên hệ được vào TP.HCM thì các cảng cạn cũng sẽ mất đi phần nào tác dụng.

Ông Hà Ngọc Trường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.