>> Thời của thực phẩm chức năng
“Hãy để thực phẩm làm thuốc của bạn”, ông tổ ngành y Hippocrates từng nói như vậy cách đây 2.500 năm. Chúng ta đều biết có một số thực phẩm có công dụng tốt hơn cho sức khỏe so với những loại khác. Tuy nhiên, những gì xảy ra hiện nay cho thấy chỉ cần “chút xíu” khoa học kèm theo chiến lược marketing dồn dập là đủ biến ý niệm trên thành ngành mang lại lợi nhuận tiền tỉ với ảnh hưởng toàn cầu.
Bình mới rượu cũ
Ý tưởng đó không mới. Những chai Coca-Cola đầu tiên được bán ra thị trường dưới dạng chất bổ dưỡng thần kinh. Trải qua nhiều năm sau đó, các nhà sản xuất thêm i-ốt vào muối để ngừa bệnh bướu cổ và thêm vitamin D vào sữa để chống loãng xương. Thập niên 1960 đã biến giá và quả hạch thành thực phẩm tốt cho sức khỏe. Đến thập niên 1970, trong một đoạn quảng cáo, Công ty Danno đưa thông tin nhiều người ở Georgia, Liên Xô, ăn rất nhiều sữa chua. Kết quả là những người đó sống hơn 100 tuổi.
Ngày nay, các công ty quảng bá những thực phẩm được xử lý để chứa thật nhiều vitamin và chất dinh dưỡng. Đối với nhiều người, những thực phẩm dạng này đã biến thành loại thức ăn bổ dưỡng mới, và họ sẵn sàng bỏ tiền để có được hộp sữa, hũ sữa chua, rau quả đầy chất lượng với mục tiêu tối thượng là cơ thể được chăm sóc ít nhưng khỏe mạnh và đẹp đẽ. Bị ám ảnh bởi chuyện làm đẹp, nhiều cô gái còn sẵn sàng uống các loại thuốc viên được cam đoan là chứa đủ chất dinh dưỡng cho tóc, da, cơ thể mà vẫn giữ được eo thon, bụng phẳng vì rốt cuộc chẳng cần phải nuốt thức ăn thực sự vào miệng. Trào lưu uống thuốc bổ này hiện lan từ các quốc gia phương Tây đến châu Á, như Việt Nam. Đã qua cái thời những món quà như xà bông, kem đánh răng hoặc nước hoa, mỹ phẩm mang về từ Mỹ, Pháp được người thân ở Việt Nam đón nhận hồ hởi. Một hũ thuốc viên nhộng chứa dầu lanh hoặc thuốc bổ sung dưỡng chất cho khớp xương lại được ưa chuộng hơn những thứ bán đầy ngoài thị trường như mỹ phẩm. Dù đang ngồi trên kho quý dược liệu, điều này không ngăn được một số người chạy theo trào lưu ăn bổ uống khỏe như dân Tây.
|
Lợi ích được bao nhiêu?
Trước những năm đầu thập niên 1990, Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) vẫn không cho phép in những tuyên bố về sức khỏe trên các nhãn hàng thực phẩm. Việc gán một công dụng đặc biệt nào đó cho sức khỏe con người cho một sản phẩm, theo FDA, có nghĩa là thực phẩm đó được quảng cáo như là thuốc. Tuy nhiên, mọi chuyện thay đổi khi đạo luật về Sức khỏe và giáo dục dinh dưỡng bổ sung ra đời vào năm 1994, mở đường cho sự phát triển của các thực phẩm chức năng như ngày nay. |
“Thực phẩm chức năng, chúng không chỉ là về sức khỏe”, The New York Times dẫn lời Marion Nestle, giáo sư về dinh dưỡng và y tế cộng đồng tại Đại học New York. “Chúng còn về quảng cáo nữa”, ông nói tiếp. Cứ đến siêu thị ở Mỹ là thấy ngay điều ông Nestle muốn nói. Ví dụ, hộp sản phẩm ngũ cốc Quaker Oatmeal Squares của Công ty Quaker Oats. Ở mặt trước hộp là dòng chữ lớn màu trắng: “Bột yến mạch giúp giảm cholesterol!”. Về tổng quan giới khoa học đều đồng ý rằng chất xơ có thể tốt cho tim của bạn. Nhưng nếu đọc tiếp dòng chữ nhỏ hơn kế đó, theo quy định của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ, một bữa ăn bột lúa mạch này chỉ cung cấp được 1/3 số chất xơ cần thiết để giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Nói một cách khác, bạn có thể phải ăn đến 3 tô bột mỗi ngày, không kèm sữa, mới đạt được.
Chẳng ai nói rằng những sản phẩm trên không an toàn hoặc không bổ dưỡng. Tuy nhiên, điều những chuyên gia dinh dưỡng như ông Nestle muốn nói ở đây là trước một rừng thực phẩm chức năng với đủ tuyên bố kiểu “đao to búa lớn”, người tiêu dùng dễ bị lẫn lộn và bối rối về giá trị thực sự của chúng. Và trong một số trường hợp, giới hữu trách cho rằng các nhà sản xuất đã lách hoặc thậm chí tệ hơn là phá luật lệ quy định về các quảng cáo sản phẩm.
Một bài viết mới đây trên báo The New York Times chạy tít “Thức ăn tráng miệng, thoải mái tận hưởng mà lại hợp pháp”, với nội dung miêu tả về bánh chocolate hạnh nhân (brownie). Không phải là loại bánh brownie chứa cần sa như ở Hà Lan, bánh brownie này chứa hoạt chất melatonin có công dụng dỗ yên giấc ngủ. Nếu thuốc ngủ chứa melatonin bị cấm quảng cáo, bánh có chất này vẫn an toàn qua ải kiểm tra và người tiêu dùng có thể thoải mái mua ăn mà không sợ bị cảnh sát sờ gáy. Hãng sản xuất đã lách luật bằng cách liệt kê melatonin như là một chất bổ sung dinh dưỡng chứ không phải thuốc và thế là mọi chuyện êm xuôi.
Trước tình hình trên, trong lúc giới hữu trách ở Mỹ vẫn loay hoay tìm cách gỡ rối, châu u đã có cách giải quyết nhanh chóng và gọn ghẽ. Cơ quan Quản lý an toàn thực phẩm châu u đã thiết lập một ban điều tra độc lập gồm các chuyên gia để kiểm tra từng dòng chữ cam đoan tốt cho sức khỏe xuất hiện trên mỗi nhãn hàng. Nhà sản xuất sẽ phải cung cấp chứng cứ khoa học nếu muốn đăng thông tin như “sản phẩm A, B, C tốt cho hệ tiêu hóa” cho ủy ban đó. Sau khi xem xét, ủy ban này sẽ đưa ra ý kiến về tính xác thực của các cam đoan trước khi cho phép sản phẩm đó xuất hiện trên thị trường. Đến năm sau, cơ quan quản lý thực phẩm sẽ đưa ra danh sách các tuyên bố đã được kiểm tra để giúp người tiêu dùng đỡ bị cảm giác rối khi đi mua sắm, ít nhất là đối với khách hàng ở thị trường EU.
Thụy Miên
Bình luận (0)